Phát triển các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam

Cuối tháng 9-2024, Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công thương) đã phối hợp với các địa phương khai trương thêm 3 điểm bán hàng với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại các xã: Phú Thạnh (huyện Nhơn Trạch), Bảo Bình (huyện Cẩm Mỹ) và thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu).

Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Quân

Một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch. Ảnh: H.Quân

Tính đến nay, toàn tỉnh có 37 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở toàn bộ các huyện, thành phố của tỉnh.

Đáp ứng các quy chuẩn của Bộ Công thương

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai, kinh phí hỗ trợ triển khai các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam khoảng 85 triệu đồng/cửa hàng. Các cửa hàng khi được chọn làm điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam sẽ được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày, biển hiệu Tự hào hàng Việt Nam; chi phí cải tạo tu sửa điểm bán hàng... theo quy chuẩn của Bộ Công thương.

Ngoài quầy kệ, bảng hiệu được cung cấp, đa số các cửa hàng đều tiến hành trang trí, đầu tư để thêm phần bắt mắt, văn minh, hiện đại nhằm phục vụ khách hàng, giúp khách hàng có cảm giác đang lựa chọn hàng hóa như tại các siêu thị mini. Các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam đã góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.

Chị Đỗ Thị Thu Hà, đại diện Cửa hàng Hà Vũ - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam mới được khai trương tại xã Bảo Bình, chia sẻ cửa hàng sau khi được tân trang, hỗ trợ triển khai điểm bán hàng Tự hào Việt Nam trở nên khang trang, sạch đẹp, kệ hàng được bố trí thuận tiện cho khách hàng. Cửa hàng sẽ duy trì điểm bán hàng Việt này theo cam kết với Sở Công thương ít nhất là 5 năm; đồng thời, chủ động nguồn hàng hóa chất lượng, đảm bảo nguồn gốc xuất xứ…

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hai, đại diện Cửa hàng Quỳnh Anh - một điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tại xã Phú Thạnh, cho biết khi được Sở Công thương hỗ trợ quầy kệ để triển khai điểm bán hàng Việt thì hàng hóa được sắp xếp gọn gàng hơn, khách hàng đến mua sắm thuận tiện và thoải mái lựa chọn hàng hóa. Cửa hàng sẽ tập trung kinh doanh, trưng bày các mặt hàng Việt Nam, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Từ đó, cửa hàng sẽ trở thành nơi để người dân địa phương ghé tham quan, mua sắm các sản phẩm hàng Việt Nam ngày một nhiều hơn.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai, qua báo cáo từ các địa phương, sau khi triển khai, doanh thu của mỗi điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam tăng từ 20-30%. Điều này chứng tỏ người tiêu dùng đã tin tưởng vào chất lượng và giá cả của hàng Việt. Qua đó, góp phần giúp các doanh nghiệp trong nước sản xuất mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm…

Đưa hàng Việt đến tay người tiêu dùng vùng xa

Việc hỗ trợ xây dựng điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh giúp phát triển hệ thống phân phối, tạo điều kiện thuận lợi đưa hàng hóa thiết yếu, hàng Việt Nam đến tay người tiêu dùng. Đồng thời, người dân các địa phương được tiếp cận với hàng hóa phong phú, đa dạng, có chất lượng do Việt Nam sản xuất.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai, trong thời gian tới, trung tâm sẽ phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thực hiện tuyên truyền, cập nhật hình ảnh sản phẩm hàng Việt, hàng hóa địa phương đối với các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ thường xuyên rà soát, trực tiếp kiểm tra, giám sát các điểm bán hàng này để đảm bảo tuân thủ các tiêu chí, quy chuẩn của chương trình.

Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai Nguyễn Văn Lĩnh chia sẻ, trong thời gian qua, khi Sở Công thương triển khai hỗ trợ phát triển các cửa hàng tạp hóa ở những địa phương vùng sâu, vùng xa, ở những khu vực chưa có chợ… thành các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt thì nhận thức của các chủ cửa hàng đã có nhiều thay đổi, quan tâm nhiều hơn đến việc đảm bảo chất lượng hàng hóa nhập về để kinh doanh, thường xuyên lưu ý đến hạn sử dụng của mỗi mặt hàng, sản phẩm cũng như duy trì giá cả phù hợp…

“Bên cạnh đó, người dân ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận hàng Việt thông qua những điểm bán hàng Việt này đã góp phần tạo ra hiệu ứng xã hội tốt đẹp, gắn với thực hiện Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu tiên quyết khi triển khai các điểm bán hàng Việt này là hàng hóa bày bán phải đảm bảo chất lượng, nguồn gốc xuất xứ…” - ông Nguyễn Văn Lĩnh cho biết thêm.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202410/phat-trien-cac-diem-ban-hang-tu-hao-hang-viet-nam-66c6b01/