Phát triển cây ăn quả theo hướng VietGAP còn nhiều khó khăn
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện toàn tỉnh có hơn 21.000 ha trồng cây ăn quả các loại; trong đó, hơn 7.000 ha cây ăn quả quy mô tập trung với diện tích từ 1 ha trở lên. Tuy nhiên, diện tích cây ăn quả được cấp chứng nhận VietGAP chỉ đạt hơn 100 ha.
Chị Lê Thị Liên, xã Hải Long (Như Thanh) chăm sóc vườn cây ăn quả của gia đình.
Sau 5 năm trồng, chăm bón, vườn bưởi gần 2.000 cây hứa hẹn mang đến cho gia đình chị Lê Thị Liên, thôn Hải Tân, xã Hải Long (Như Thanh) nguồn thu nhập cao. Đưa chúng tôi đi thăm vườn cây ăn quả, chị Liên chia sẻ: “Ban đầu, tôi có ý tưởng phát triển diện tích trồng cây ăn quả của gia đình theo tiêu chuẩn VietGAP nên đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm một số mô hình tiêu biểu ở các địa phương; đồng thời, tích cực tham gia các lớp tập huấn trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, sau khi áp dụng tại trang trại của mình, trong quá trình sản xuất đã gặp nhiều khó khăn”. Cũng theo chị Liên, để sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP cần phải có vốn đầu tư lớn, cơ sở hạ tầng đồng bộ, tiên tiến, hiện đại. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đòi hỏi ứng dụng khoa học - kỹ thuật cao, tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn, ghi chép đầy đủ quy trình trồng trọt.
Đại diện lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Như Thanh, cho biết: Toàn huyện hiện có gần 810 ha trồng cây ăn quả, tập trung tại các xã Yên Lạc, Yên Thọ, Xuân Du... Đây là những vùng đất đồi có độ dốc vừa phải, nguồn nước tương đối ổn định, phù hợp phát triển các loại cây ăn quả, như: bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam, thanh long ruột đỏ... Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có diện tích cây ăn quả nào được sản xuất theo quy trình VietGAP do còn gặp nhiều khó khăn, như: Diện tích trồng cây ăn quả còn manh mún, nhỏ lẻ. Chưa hình thành được liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp nên đầu ra của sản phẩm còn bị ảnh hưởng bởi biến động của thị trường; không ổn định. Việc áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt còn hạn chế, do người dân ở khu vực miền núi chưa có nhiều điều kiện để nghiên cứu, tham gia các lớp tập huấn kiến thức, kỹ thuật trồng trọt...
Thực trạng này cũng diễn ra tại nhiều huyện có diện tích trồng cây ăn quả lớn, như: Thạch Thành, Thọ Xuân, Yên Định... Tuy người dân đã đầu tư ứng dụng khoa học - kỹ thuật, nhưng so với những tiềm năng hiện có, việc phát triển diện tích cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP vẫn còn hạn chế, mới chỉ chiếm khoảng 2% so với diện tích cây ăn quả tập trung và 0,54% so với tổng diện tích cây ăn quả toàn tỉnh. Đại diện lãnh đạo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thanh Hóa, cho biết: Mặc dù việc sản xuất cây ăn quả theo hướng VietGAP mang lại nhiều lợi ích cho người sản xuất nhưng vẫn còn nhiều hạn chế do một số địa phương diện tích sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa hướng tới sản xuất hàng hóa, tập trung. Bên cạnh đó, ngoài vốn đầu tư sản xuất, còn nhiều khoản chi phí khác khi sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, như: tư vấn, lấy mẫu xét nghiệm, giấy chứng nhận, tái chứng nhận, giám sát giữa kỳ... trong khi, người dân khó tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng khi không có tài sản thế chấp. Mặt khác, việc tiêu thụ sản phẩm được chứng nhận theo các tiêu chuẩn VietGAP gặp nhiều khó khăn do nhận thức của người tiêu dùng còn hạn chế, công tác tuyên truyền về thực phẩm an toàn đến với người tiêu dùng chưa được chú trọng. Tại các địa phương, nguồn nhân lực phục vụ cho việc tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt theo tiêu chuẩn VietGAP còn thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng. Đồng thời, việc xúc tiến thương mại, tìm đầu ra cho sản phẩm theo chuỗi còn hạn chế, chủ yếu qua thương lái thu mua. Chưa hình thành kênh phân phối bền vững thông qua các hợp đồng dài hạn với siêu thị, doanh nghiệp có tiềm lực...
Để nhân rộng các mô hình sản xuất cây ăn quả theo tiêu chuẩn VietGAP, trước hết, người dân phải tập làm quen với việc sản xuất an toàn, ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, các địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện tích tụ, tập trung đất đai để xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, từ đó tạo điều kiện để thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân lựa chọn cây giống chất lượng tốt, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của từng vùng, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật. Tỉnh tiếp tục hỗ trợ xây dựng, mở rộng các mô hình trồng cây ăn quả theo quy trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đào tạo, tập huấn kiến thức, quy trình kỹ thuật cho cán bộ địa phương để tư vấn, hướng dẫn người dân sản xuất áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong quá trình áp dụng, chứng nhận và lưu thông phân phối sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.