Phát triển cây dược liệu, chìa khóa thoát nghèo của người Xơ Đăng

Chủ trương phát triển, chế biến dược liệu mà tỉnh Kon Tum triển khai thực hiện đang là chìa khóa mở ra cơ hội thoát nghèo cho người Xơ Đăng. Với chính sách của tỉnh, bà con dân tộc thiểu số ở các huyện vùng cao, gồm: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông có điều kiện để trồng nhiều loại cây dược liệu, bước đầu tăng thu nhập, cuộc sống của người dân nơi đây đang đổi thay từng ngày.

Giống như nhiều bạn trẻ người Xơ Đăng, sau khi nên vợ, thành chồng, A Thứ và Y Gỗ, làng Tu Thó, xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông bắt đầu tạo lập cuộc sống mới chỉ bằng vài dụng cụ sản xuất thô sơ cộng với sức lao động. Trước đây nếu chỉ trồng lúa, sắn trên diện tích đất bố mẹ chia cho thì vợ chồng A Thứ và Y Gỗ cũng như bao cặp vợ chồng trẻ khác phải chật vật lo cho miếng ăn hàng ngày trong khoảng thời gian khá dài. Nay thì đã khác, ngay trong năm đầu tiên về chung một nhà, đôi vợ chồng trẻ người Xơ Đăng đã rủng rỉnh đồng ra đồng vào nhờ cây sâm dây, một loại dược liệu đặc hữu của địa phương.

Người Xơ Đăng ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông trồng cây dược liệu phát triển kinh tế gia đình.

Người Xơ Đăng ở xã Đăk Hà, huyện Tu Mơ Rông trồng cây dược liệu phát triển kinh tế gia đình.

A Thứ cho biết, mỗi khi xã, huyện tổ chức các sự kiện, hội chợ về dược liệu, hai vợ chồng lại đem sâm dây gia đình trồng được đi giới thiệu, bán sản phẩm nên thu nhập cũng nhỉnh hơn không ít hộ dân làng Tu Thó.

“Vợ chồng tôi mới cưới nhau, siêng làm thì cũng hơi kha khá. Để có những thứ mình mong muốn cuộc sống sau này mình cố gắng trồng sâm dây, đặc biệt là sâm Ngọc Linh nữa để có thu nhập”, A Thứ nói.

Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ việc trồng cây sâm dây, sơn tra, ngũ vị tử, sâm Ngọc Linh…người Xơ Đăng đã thay đổi thói quen khai thác từ tự nhiên, biết bảo tồn nguồn giống để nhân rộng diện tích của gia đình. Đồng thời mạnh dạn vay vốn đầu tư phát triển diện tích cây dược liệu.

Ông A Hải, Chủ tịch Hội Nông dân xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông, cho biết: “Hồi trước thì giống tại địa phương cũng cạn kiệt, sau thì bà con cứ nhân rộng ra mỗi năm một ít bà con học hỏi nhau để trồng sâm. Hộ thiếu vốn sản xuất phát triển cây dược liệu có vốn giải quyết việc làm của ngân hàng chính sách tạo điều kiện cho bà con mỗi hộ gia đình vay 100 triệu đồng để mà phát triển cây dược liệu”.

Cây giống sâm dây cấp cho hộ nghèo người Xơ Đăng.

Cây giống sâm dây cấp cho hộ nghèo người Xơ Đăng.

Hỗ trợ người Xơ Đăng trồng cây dược liệu, trong những năm qua chính quyền huyện Đăk Glei, Kon Plông và Tu Mơ Rông của tỉnh Kon Tum đã xây dựng, hình thành được mạng lưới vườn ươm, chính sách hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật cho người dân. Bên cạnh đó một số doanh nghiệp có uy tín hoạt động sản xuất, kinh doanh dược liệu cũng chung tay hỗ trợ người dân.

Chị Hoàng Thị Thùy Dung, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tu Mơ Rông, cho biết với phương châm cán bộ kỹ thuật đồng hành cùng hộ nghèo trồng cây dược liệu, đã có sự thay đổi đáng kể trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của bà con.

“Trong quá trình các hộ nghèo trồng sâm bà con chưa hiểu nhiều về làm đất, làm mùn, làm mái che để chống chim, chuột. Trung tâm cử cán bộ kỹ thuật đi hướng dẫn bà con trồng sâm, bà con tiếp thu rất là tốt và vận dụng rất là tốt vào trồng sâm”, chị Dung nói.

Vườn ươm giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích của người dân.

Vườn ươm giống cây dược liệu đáp ứng nhu cầu mở rộng diện tích của người dân.

Tự tin với kết quả đạt được, đến nay chỉ riêng huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được hơn 3.900 héc-ta cây dược liệu. Trong đó diện tích cây Sâm Ngọc Linh của người dân và doanh nghiệp hơn 2.400 héc-ta. Từ chỗ hộ nghèo trong huyện không dám vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất thì nay chỉ riêng việc trồng cây Sâm Ngọc Linh đã có 205 hộ dân vay ngân hàng với tổng số tiền gần 14 tỷ đồng.

Ông Võ Trung Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông, cho biểt, chính quyền huyện đã triển khai thực hiện nhiều chương trình để hộ nghèo cũng trồng được cây dược liệu phát triển kinh tế gia đình: “Huyện đã xây dựng chương trình hỗ trợ người dân về sinh kế cũng như xây dựng các chuỗi liên kết để hỗ trợ người dân phát triển cây dược liệu.

Riêng đối với cây Sâm Ngọc Linh thì huyện tiếp tục làm việc với Ngân hàng Chính sách để hỗ trợ người dân vay từ các nguồn khác nhau để phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tổ chức liên kết, hỗ trợ cho người dân để phát triển riêng vùng sâm của mình làm cơ sở thoát nghèo bền vững”.

Tỉnh Kon Tum khuyến khích đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho người trồng cây dược liệu.

Tỉnh Kon Tum khuyến khích đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định cho người trồng cây dược liệu.

Hiệu quả kinh tế mà cây dược liệu mang lại đang mở ra cơ hội thoát nghèo cho người Xơ Đăng. Đến nay tổng diện tích cây dược liệu của tỉnh Kon Tum mà tập trung chủ yếu ở 3 huyện vùng cao, gồm: Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông đã được mở rộng tới hơn 11.200 héc-ta, trong đó riêng cây Sâm Ngọc Linh hơn 2.400 héc-ta.

Tại những huyện này, nơi có đông người Xơ Đăng sinh sống, cùng với lúa, sắn, cà phê…, việc trồng cây dược liệu đang giúp người dân tăng thu nhập, cuộc sống ngày càng no ấm hơn. Trong nhiều năm qua huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông có tỷ lệ giảm nghèo luôn cao hơn bình quân của tỉnh Kon Tum.

Cơ hội thoát nghèo, làm giàu từ cây dược liệu đang tiếp tục mở ra với người Xơ Đăng khi mà tỉnh Kon Tum quyết tâm đẩy mạnh đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu để sớm đạt mục tiêu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phat-trien-cay-duoc-lieu-chia-khoa-thoat-ngheo-cua-nguoi-xo-dang-post1129879.vov