Phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt xây dựng thành phố thông minh
Sức hút của thành phố thông minh đến từ việc hiện thực hóa những giấc mơ tưởng chừng bất khả thi về một cuộc sống mà con người được phục vụ tối đa bởi công nghệ. Hiện nay, Hà Nội đã và đang tiếp tục phát triển theo hướng thành phố thông minh làm động lực phát triển bền vững và toàn diện.
Lấy người dân làm trung tâm
Theo Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng, thành phố thông minh có các đặc điểm chính là thành phố hiện đại, có nền kinh tế thông minh, môi trường thông minh, quản trị thông minh, giao thông thông minh, năng lượng thông minh, y tế thông minh, giáo dục thông minh, lối sống thông minh, cộng đồng thông minh, và nhiều yếu tố thông minh khác.
Ở đó, công nghệ thông tin và truyền thông (hệ thống IoT trong các ứng dụng, mạng viễn thông (Wifi, 3G/4G/5G), điện thoại thông minh, Big Data và hệ thống phân tích sử dụng trí tuệ nhân tạo) được ứng dụng và làm cho công việc xây dựng, quản lý và phát triển thành phố trở nên hiệu quả hơn, thông minh hơn, cung cấp dịch vụ, tiện ích tới người dân và doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
“Xây dựng thành phố thông minh nhằm hướng tới cuộc sống tốt đẹp cho người dân, lấy người dân làm trung tâm là quan điểm nhất quán của chính quyền thành phố trong quá trình triển khai xây dựng Hà Nội thông minh”, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Việt Hùng cho biết.
Quan điểm của Hà Nội là phát triển chính quyền điện tử làm nòng cốt để xây dựng thành phố thông minh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp khi giao tiếp với cơ quan chính quyền, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên cơ sở lựa chọn những lĩnh vực thiết yếu nhất cần cải thiện: Môi trường, y tế, giáo dục, giao thông, an ninh an toàn, du lịch, quản lý đô thị,...
Xây dựng thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, TP. Hà Nội đã thu được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các ngành, lĩnh vực: Giáo dục, giao thông - vận tải, xây dựng, tài nguyên môi trường, nông nghiệp, đầu tư, tài chính, thuế,.... được thành phố giao các sở, ngành triển khai theo hướng tập trung, phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, chia sẻ, khai thác thông tin theo quy định.
Từ kết quả đã đạt được và định hướng xây dựng TP. Hà Nội thông minh bền vững, thành phố giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì xây dựng Đề án Giao thông thông minh TP. Hà Nội và giao Sở TT&TT chủ trì xây dựng Đề án TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Đề án sẽ đề xuất một khung kiến trúc công nghệ thông tin - truyền thông mang định hướng mở cho thành phố thông minh của TP. Hà Nội làm nền tảng cho sự phát triển các giải pháp về thành phố thông minh; đề xuất mô hình kiến trúc chuyển đổi số của TP. Hà Nội; mô hình trung tâm điều hành IOC Thành phố thông minh Hà Nội và bộ chỉ số KPI Thành phố thông minh Hà Nội.
Trong quy hoạch phát triển TP. Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội đã đặt ra tầm nhìn “Xây dựng và Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành Thành phố xanh - văn hiến - văn minh - hiện đại", trên nền tảng phát triển bền vững.
Hà Nội trong tương lai sẽ phát triển năng động và hiệu quả, là biểu tượng cho cả nước Việt Nam, đóng vai trò trung tâm hành chính - chính trị Quốc gia, trung tâm lớn của Quốc gia về văn hóa - khoa học - giáo dục - kinh tế, một trung tâm du lịch và giao dịch quốc tế có tầm khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Thủ đô Hà Nội sẽ là nơi có môi trường sống tốt nhất, sinh hoạt giải trí với chất lượng cao và có cơ hội đầu tư thuận lợi.
Ngày 30/12/2022, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU về chuyển đổi số, xây dựng TP. Hà Nội thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Với mục tiêu đến năm 2025, thực hiện chuyển đổi số phát triển Thủ đô theo hướng thông minh, hiện đại; tạo điều kiện cho kinh tế tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững. Hà Nội phấn đấu thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số.
Đến năm 2030, xây dựng Thủ đô Hà Nội cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và thế giới. Hà Nội duy trì và phấn đấu vị trí cao trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước về chuyển đổi số. Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước, phát triển các dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp, khai thác dữ liệu như một nguồn tài nguyên mới để phát triển kinh tế - xã hội.