Phát triển điện khí LNG, bảo đảm an ninh năng lượng

Ngày 22.11, tại Hà Nội, Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì, phối hợp cùng các bên liên quan tổ chức 'Diễn đàn Phát triển thị trường khí Việt Nam' với chủ đề: 'Phát triển điện khí LNG - Xu hướng tất yếu trong chính sách đảm bảo an ninh năng lượng'.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong cho biết, Quy hoạch điện VIII đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng công suất các nhà máy điện phục vụ nhu cầu trong nước là 150.489 MW (không bao gồm nhập khẩu, điện mặt trời mái nhà tự dùng, năng lượng tái tạo để sản xuất năng lượng mới) và định hướng năm 2050, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 490.000 đến 573.000 MW. Cơ cấu nguồn nhiệt điện khí trong nước và khí hóa lỏng (LNG) đến năm 2030 sẽ đạt 37.330 MW, tương ứng 24,8% tổng công suất nguồn điện, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu nguồn điện (trong đó nhiệt điện khí trong nước là 14.930 MW chiếm 9,9% và nhiệt điện khí hóa lỏng là 22.400 MW chiếm 14,9%). Trong khi đó, nhiệt điện than, thủy điện, điện gió trên bờ và ngoài khơi lần lượt chiếm tỷ trọng là 20%, 19,5% và 18,5%.

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn

Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng Tăng Hữu Phong phát biểu khai mạc Diễn đàn

"Việc phát triển điện khí phù hợp với chủ trương của Việt Nam trong Quy hoạch điện VIII để đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống và giảm phát thải khí nhà kính ra môi trường, bù đắp thiếu hụt năng lượng cho hệ thống và đảm bảo đa dạng nguồn cung cấp nhiên liệu. Tuy vậy, trong phát triển điện khí, thách thức trước tiên là nguồn cung và giá khí hóa lỏng khi nước ta hoàn toàn phải nhập khẩu loại nhiên liệu này. Do vậy, trong bối thế giới có nhiều thay đổi khó lường, giá nhiên liệu khí hóa lỏng biến động thất thường và chiếm tỷ lệ từ 70-80% giá thành điện năng sản xuất, nên việc xây dựng cơ chế giá điện phù hợp để thích nghi với những thay đổi giá nhiên liệu, nhưng không tác động quá lớn tới giá bán lẻ điện là thách thức rất lớn với Việt Nam”, ông Phong nhấn mạnh.

Toàn cảnh Diễn đàn

Toàn cảnh Diễn đàn

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) Bùi Quốc Hùng cho rằng, Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức trong phát triển điện khí. Bởi lẽ, việc nhập khẩu LNG phải theo các thông lệ quốc tế. Trong khi đó, Việt Nam hiện chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật liên quan đến thiết kế, xây dựng và vận hành các cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu. Bên cạnh đó, khuôn khổ pháp lý hiện hành cho các dự án LNG ở Việt Nam vẫn chưa được xây dựng hoàn chỉnh. Ngoài ra, các dự án điện khí LNG có công nghệ tiên tiến, vốn đầu tư lớn nên đòi hỏi nhà đầu tư cần có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Đồng thời, các cơ quan có thẩm quyền chưa có đủ kinh nghiệm về lĩnh vực này nên có thể sẽ ảnh hưởng tới tiến độ và chất lượng lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án….

Đểvphát triển điện khí LGN theo Quy hoạch điện VIII, theo Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, phải giải quyết một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng và cơ chế chính sách. Cụ thể, cần quy hoạch đồng bộ, tập trung các dự án kho cảng nhập khẩu LNG nhưng vẫn phải đảm bảo theo tiêu chuẩn quốc tế để tiết kiệm nguồn lực xã hội phát triển kinh tế và từ đó thúc đẩy thị trường LNG trong nước phát triển; cần sớm hoàn thiện hành lang pháp lý làm cơ sở để triển khai xây dựng, sử dụng hạ tầng và cơ chế quản lý cho các dự án đầu tư điện khí LNG theo hình thức đầu tư thông thường (IPP) để tạo điều kiện thu xếp tài chính cho các dự án điện khí LGN quy mô hàng tỷ USD…

Tại Diễn đàn đã ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, các cơ quan quản lý để tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, góp phần hoàn thiện chính sách cũng như tìm ra các cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các dự án điện khí hóa lỏng trong nước, tạo môi trường đầu tư ổn định và thuận lợi cho việc phát triển hạ tầng khí hóa lỏng.

Nguyễn Ngân

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/khoa-hoc-moi-truong/phat-trien-dien-khi-lng-bao-dam-an-ninh-nang-luong-i351087/