Phát triển doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh có nhiều khởi sắc

Ngày 13/5/2022, tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022. Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp đưa ra đề xuất, kiến nghị.

Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh, chỉ số phát triển công nghiệp (IIP) 4 tháng đầu năm 2022 tăng 10,05% cùng kỳ, trong đó công nghiệp khai khoáng tăng 9,41% cùng kỳ; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,4% cùng kỳ; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 15% cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng 8,99% cùng kỳ; khách du lịch và doanh thu lần lượt tăng 43% và 35% so với cùng kỳ.

Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh

Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022 của tỉnh Quảng Ninh

Đáng chú ý, phát triển doanh nghiệp có bước khởi sắc, trong tháng 4/2022 có 282 đơn vị thành lập mới, tăng 6% cùng kỳ, số vốn đăng ký 3.489 tỷ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ, số doanh nghiệp hoạt động trở lại 109, tăng 36% cùng kỳ. Lũy kế 4 tháng có 763 đơn vị thành lập mới, tăng 21% cùng kỳ với tổng số vốn đăng ký 9.364 tỷ đồng, tăng 94% cùng kỳ; có 564 doanh nghiệp hoạt động trở lại, tăng 26% cùng kỳ.

Lũy kế tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh là 17.593 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc đăng ký hoạt động, vốn đăng ký đạt 304.696 tỷ đồng, trong đó, số doanh nghiệp nhà nước 213, số doanh nghiệp FDI là 145, còn lại là doanh nghiệp tư nhân. Thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách 4 tháng đầu năm đạt 36.796 tỷ đồng. Tổng thu ngân sách nhà nước 4 tháng đạt 18.315 tỷ đồng bằng 35% dự toán, tăng 25% cùng kỳ.

Kinh tế Quảng Ninh có nhiều khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2022

Kinh tế Quảng Ninh có nhiều khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2022

Công nghiệp trọng yếu như điện, than, xăng dầu và chế biến chế tạo luôn đứng vai trò trụ cột và là đầu tàu kinh tế, mặc dù ngành dịch vụ và du lịch gặp khó khăn, một số ngành tăng trưởng âm nhưng điểm sáng là chế biến chế tạo.

Thời gian qua, các doanh nghiệp tại tỉnh Quảng Ninh đã chủ động có giải pháp để vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến đã được triển khai để khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như: áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức cho cán bộ công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế.

Tại tỉnh khi thời điểm dịch bệnh được kiểm soát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh: đẩy mạnh thương mại điện tử,... Các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp đã tích cực tham gia đóng góp vào công tác phòng chống dịch Covid-19, thể hiện tinh thần trách nhiệm, nghĩa cử cao đẹp của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh với đất nước.

Bên cạnh đó, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được kết quả tích cực, toàn diện. Cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh tiếp tục được cải thiện; các cấp, các ngành chủ động, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư giải quyết nhanh chóng, kịp thời các thủ tục hành chính về đầu tư, giải phóng mặt bằng, cấp phép, giao đất và những khó khăn, vướng mắc; Chỉ số PCI dẫn đầu 5 năm liên tiếp, Chỉ số PAR Index dẫn đầu cả nước 4 năm liên tiếp, Chỉ số SIPAS dẫn đầu các tỉnh, thành phố trong 2 năm liên tiếp và năm 2020 lần đầu tiên dẫn đầu toàn quốc về Chỉ số PAPI.

Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh phát biểu tại hội nghị

Tại buổi hội nghị gặp mặt, các doanh nghiệp, hợp tác xã đã chia sẻ nhiều ý kiến về thuận lợi và khó khăn trong hoạt động của các doanh nghiệp, hợp tác xã trong thời gian qua và có những kiến nghị, đề xuất với tỉnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trao đổi với các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Ghi nhận những góp ý, kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định: Tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc những ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp, đặc biệt là trong ngành điện, than, du lịch và chế biến chế tạo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, xây dựng, tài nguyên, khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, chống lãng phí, thất thoát nguồn tài nguyên.

Đáng chú ý, tỉnh Quảng Ninh đang tích cực triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mở cửa, thu hút mạnh mẽ khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2022 với khẩu hiệu “Quảng Ninh - điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn - sẵn sàng đón bạn trở lại ” trong mùa hè. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp phục hồi nhân lực ngành du lịch. Chú trọng công tác xúc tiến, quảng bá, kích cầu du lịch trong và ngoài nước; chủ động liên kết với các hãng hàng không, tàu biển, các tập đoàn du lịch hàng đầu quốc tế; tạo mọi điều kiện thông thoáng nhất về xuất nhập cảnh, thủ tục liên quan đến phòng, chống dịch tại các điểm đến.

Tiến Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phat-trien-doanh-nghiep-tai-tinh-quang-ninh-co-nhieu-khoi-sac-177646.html