Phát triển du lịch vùng lòng hồ Trị An

Hồ Trị An nằm trên địa phận các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán, Thống Nhất và Trảng Bom (tỉnh Đồng Nai) được khởi công vào năm 1984, hoàn thành đầu năm 1987. Ngoài nhiệm vụ chính cho sản xuất điện năng (công suất 400MW), hồ Trị An với diện tích mặt hồ 323km² còn có nhiệm vụ điều tiết nước tưới tiêu cho nông nghiệp và đặc biệt là phát triển du lịch - một tiềm năng đang đợi đánh thức.

Du khách dạo chơi trên đảo Đồng Trường bằng xe điện

Du khách dạo chơi trên đảo Đồng Trường bằng xe điện

Có đến Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường mới thấy cái bao la, mênh mang của sông nước Trị An và cảm nhận được sự tinh khiết của không gian thiên nhiên nơi đây. Từ năm 2017, Công ty Cường Thuận đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để biến nơi đây thành điểm đến lý thú cho du khách khi tham quan vùng lòng hồ Trị An.

Trong quyết định của UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt quy hoạch phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai đến năm 2020, tầm nhìn 2030, đảo Ó - Đồng Trường và vùng lòng hồ Trị An được xác định nằm trong không gian phát triển du lịch của tỉnh. Lãnh đạo UBND huyện Vĩnh Cửu kỳ vọng, các dự án đầu tư vào du lịch sẽ giúp du lịch - dịch vụ - thương mại phát triển và cải thiện thu nhập của hàng chục ngàn người dân sống ở quanh vùng lòng hồ Trị An.

Từ thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu), du khách sẽ được những chiếc ca nô cao tốc đưa vi vu trên mặt hồ Trị An để đến đảo Ó - Đồng Trường. Từ xa, 2 đảo hiện lên với màu xanh nổi bật. Khi đặt chân lên đảo, du khách bị quyến rũ bởi tiếng chim hót vang cùng những tán cây rừng, có thể thả bộ để ngắm những vườn lan rừng đang khoe sắc. Đêm đến, du khách ngủ lại trong những căn nhà nghỉ xinh xắn, thưởng thức không gian tĩnh mịch về đêm, để sáng mai thức dậy ngắm nhìn ánh bình minh óng ánh trên mặt hồ xanh.

Theo Ban Quản lý khu du lịch, tính đến nay, khu du lịch đã được đầu tư khoảng 300 tỷ đồng với nhiều dịch vụ phục vụ du khách như khu nhà nghỉ Bangalow với 41 phòng, sân golf 4 lỗ, sân tennis, hồ bơi cho người lớn và trẻ em, sân khấu ngoài trời, hệ thống các nhà hàng, ống trượt nước. Ngoài ra, du khách cũng có thể thuê thuyền để ngao du trên mặt hồ xanh biếc, kết hợp tìm hiểu nghề nuôi cá lồng bè ở La Ngà, Mã Đà.

Cùng với quần thể rừng tự nhiên được bảo vệ khá tốt, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai sẽ là cơ sở để du khách đến trải nghiệm các tour du lịch sinh thái đi thuyền trên mặt hồ, đi bộ xuyên rừng khám phá những cây cổ thụ 2-3 người ôm, khám phá Bàu Sấu, hay tham quan 3 di tích lịch sử truyền thống là căn cứ Trung ương Cục miền Nam, địa đạo Suối Linh, căn cứ Khu ủy miền Đông Nam bộ…

Cùng với đó, du khách có thể đi thuyền xem ngư dân đánh bắt cá trên hồ, tham quan các làng cá lồng bè và được thưởng thức các món ăn dân dã từ nguồn thủy sản nước ngọt đặc trưng của vùng hồ Trị An. Từ TPHCM hay từ TP Biên Hòa, du khách có thể thuê thuyền máy, ca nô cao tốc để đến với hồ Trị An tham quan thêm các làng trồng bưởi truyền thống như Tân Triều (Biên Hòa), Bạch Đằng (Tân Uyên, Bình Dương). Nghĩa là từ lợi thế về kết nối với các con sông Đồng Nai, La Ngà, sông Bé… với các làng nghề truyền thống về nông nghiệp - thủ công mỹ nghệ, vùng lòng hồ Trị An có thể là điểm đến của các tour liên kết, liên tuyến du lịch canh nông - đường bộ - đường sông hấp dẫn.

QUANG PHÚ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phat-trien-du-lich-vung-long-ho-tri-an-632943.html