Phát triển khu thương mại tự do là động lực tăng trưởng mới của Đà Nẵng

Trong khuôn khổ Hội nghị giao ban Thương vụ tháng 10 diễn ra ngày 31/10, các diễn giả đã bàn luận về các lợi thế, thách thức, đồng thời đề xuất các giải pháp phù hợp trong việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Ngày 31/10, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Trao đổi về Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Vai trò của cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài”.

Tại sự kiện, ông Bùi Quang Hưng – Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã nhắc lại Nghị quyết 136/QH15 được Quốc hội thông qua ngày 26/6 vừa qua về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế chính sách đặc thù của TP Đà Nẵng, trong đó quy định việc thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển Liên Chiểu.

“Đây là bước tiến quan trọng mở ra cơ hội để TP Đà Nẵng trở thành điểm thu hút đầu tư lớn, phát triển các ngành dịch vụ chất lượng cao, qua đó tạo nền tảng nhân rộng mô hình phát triển thương mại tự do thành công trên cả nước,” ông Bùi Quang Hưng đánh giá.

Nhằm hỗ trợ, phối hợp với TP Đà Nẵng trong việc xây dựng, triển khai khu thương mại tự do, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị giao ban thương vụ đặc biệt để trao đổi, đúc rút kinh nghiệm từ quốc tế trong quá trình xây dựng và vận hành khu thương mại tự do dưới góc độ quản lý Nhà nước cũng như chia sẻ của các Thương vụ Việt Nam tại các nước có mô hình khu thương mại tự do thành công.

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Lợi thế, thách thức của TP Đà Nẵng trong phát triển khu thương mại tự do

Tại hội nghị, Trưởng phòng Quản lý Xuất nhập khẩu, Sở Công Thương Đà Nẵng đã chia sẻ thêm về Dự thảo sơ bộ Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng. Theo đại diện TP Đà Nẵng, dự thảo này hiện là những thông tin phác thảo ban đầu, đang được đội ngũ chuyên gia tư vấn, nghiên cứu và tiếp tục cập nhật nội dung.

Theo Dự thảo, mục tiêu phát triển khu thương mại tự do nhằm giúp TP Đà Nẵng trở thành địa bàn có thể chế ưu việt theo thông lệ quốc tế, có sức hấp dẫn cao đối với các nhà đầu tư hàng đầu trong một số lĩnh vực. Đồng thời, thí điểm các chính sách hiệu quả để thu hút các nguồn lực đầu tư; hoàn thiện hạ tầng dịch vụ logistics xanh, chi phí tối ưu, thuận tiện và cạnh tranh để Đà Nẵng trở thành điểm đến cạnh tranh trong hành lang vận tải Thái Bình Dương - Ấn Độ Dương.

Việc phát triển khu thương mại tự do cũng là động lực tăng trưởng mới cho Đà Nẵng đóng góp vào tăng trưởng GRDP, tạo nhiều việc làm thu nhập cao trong môi trường làm việc quốc tế.

Theo đại diện phía Đà Nẵng, việc phát triển mô hình khu thương mại tự do phù hợp với xu thế phát triển của thế giới. Đà Nẵng có những lợi thế riêng về vị trí chiến lược; về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên; về điều kiện kinh tế -- xã hội; nguồn nhân lực...

TP Đà Nẵng đã định vị thương hiệu về phát triển du lịch trên thế giới nên việc quảng bá khu thương mại tự do Đà Nẵng có nhiều thuận lợi, tạo sức hấp dẫn ngay trong giai đoạn đầu. Môi trường đầu tư và kinh doanh của Đà Nẵng nằm ở nhóm đầu cả nước nên tạo được lòng tin, sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, trong quá trình thành lập khu thương mại tự do, Đà Nẵng cũng đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, hệ sinh thái và môi trường tự nhiên là tài sản quý của Đà Nẵng, cần phải đảm bảo sự cân bằng giữa khai thác và bảo tồn. Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể đối mặt với nhiều cạnh tranh do tính tương đồng trong các điều kiện phát triển (vị trí địa lý, tiềm năng du lịch...) từ các thành phố trực thuộc trung ương, các đặc khu kinh tế trong nước và khu vực Đông Nam Á.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp Đà Nẵng phần lớn có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chiếm đến 99%, dòng vốn FDI còn khiếm tốn (chỉ chiếm khoảng 0,5% cả nước).

Theo đại diện TP Đà Nẵng, một trong những thách thức khác của thành phố là diện tích đất hạn chế nên việc hình thành khu thương mại tự do có diện tích liền khoảng là không khả thi. Do đó, các sở ban ngành thành phố đã tiến hành rà soát, nghiên cứu hình thành các phân khu bố trí ở các vị trí khác nhau để đảm bảo khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của thành phố.

Dự kiến, Khu thương mại tự do Đà Nẵng có thể phân thành phân khu sản xuất (diện tích khoảng 559 ha, chiếm 23,8%); phân khu logisitics (diện tích khoảng 180 ha, chiếm 7,7%); phân khu logistics & sản xuất (diện tích khoảng 545 ha, chiếm 24,7%); phân khu thương mại – dịch vụ (diện tích khoảng 545 ha, chiếm 23%).

Khu thương mại tự do còn có phân khu thương mại – dịch vụ và kinh tế số, đổi mới sáng tạo (diện tích khoảng 154 ha, chiếm 6,5%); vị trí lấn biển – du lịch, mua sắm miễn thuế, giải trí, thể thao và casino (diện tích lấn biển cho khu thương mại tự do khoảng 300 – 350 ha).

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo TP Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại cùng các Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo TP Đà Nẵng, Cục Xúc tiến thương mại cùng các Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài. Ảnh: Lê Hồng Nhung/Mekong ASEAN

Liên kết vùng, phát triển nguồn nhân lực trong phát triển khu thương mại tự do

Dưới góc độ Thương vụ, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại Indonesia Phạm Thế Cường cho rằng, thành phố Đà Nẵng nên có cơ chế ưu đãi, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng trong việc phát triển khu thương mại tự do. Đồng thời, việc phát triển Khu thương mại tự do Đà Nẵng cần có sự liên kết vùng, giữa các địa phương khác của Việt Nam, đặc biệt gắn kết với các đối tác nước ngoài.

Ông Phạm Thế Cường cũng dẫn một mô hình có thể học hỏi trong khu vực ASEAN, khi Indonesia phối hợp chặt chẽ với Singapore để phát triển Khu thương mại tự do Batam. Hai quốc gia này đã thiết lập nhóm công tác chuyên trách nhằm nhanh chóng giải quyết các vướng mắc, cập nhật thông tin định hướng chính sách đầu tư, dự án kêu gọi đầu tư đối với khu thương mại tự do.

Ban quản lý Khu thương mại tự do Batam cũng thành lập văn phòng đại diện tại Singapore để xúc tiến đầu tư vào khu. Văn phòng này không chỉ xúc tiến kêu gọi đầu tư đối với nhà đầu tư Singapore mà còn nhiều nhà đầu tư nước ngoài có công ty tại quốc gia này.

Để phát triển thành công Khu thương mại tự do Đà Nẵng và từ kinh nghiệm của Indonesia, đại diện Thương vụ Việt Nam tại Indonesia cho rằng, Đà Nẵng cần phải chọn ngành, lĩnh vực kinh tế quy hoạch tại khu thương mại tự do phù hợp với thế mạnh của địa phương, có thể bổ sung thêm lĩnh vực y tế để gắn với du lịch chữa bệnh, tận dụng khai thác nguồn nhân lực y tế có chất lượng của địa phương.

Đối với lĩnh vực thương mại, cần có sự gắn kết thương mại – trung tâm sản xuất – dịch vụ logistics để đảm bảo phát triển bền vững thương mại. Các lĩnh vực kinh tế xanh cũng cần được cân nhắc xem xét quy hoạch để tạo lợi thế cạnh tranh so với các khu thương mại tự do quốc tế khác.

Tham tán Phạm Thế Cường cũng cho rằng, Đà Nẵng phải có cơ chế ưu đãi đầu tư hấp dẫn, khác biệt. Đối với Indonesia, quốc gia này luôn có các cơ chế vượt khung quy định dành cho các nhà đầu tư, các quy chế này không theo chuẩn mực cụ thể, căn cứ vào thỏa thuận trực tiếp của Chính phủ với nhà đầu tư.

Lộ trình thực hiện Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng

Theo Dự thảo sơ bộ, lộ trình thực hiện Đề án Khu thương mại tự do Đà Nẵng bao gồm 4 giai đoạn. Giai đoạn 2024 – 2025, TP Đà Nẵng sẽ hoàn thiện trình thủ tướng chính phủ phê duyệt Đề án thành lập khu thương mại tự do Đà Nẵng, UBND thành phố triển khai công tác quy hoạch, xây dựng các phương án thu hồi đất và tái định cư (đo đạc, kiểm đếm, lập dự án tái định cư...)

Giai đoạn 2025 – 2026, thành phố thực hiện các thủ tục về quy hoạch, trình chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng và phát triển khu thương mại tự do cho các phân khu chức năng; triển khai công tác kêu gọi và lựa chọn nhà đầu tư.

Giai đoạn 2026 – 2029, thành phố thực hiện công tác quy hoạch chi tiết; nghiên cứu đề xuất cơ chế thành lập tổ chức bộ máy quản lý khu thương mại tự do Đà Nẵng; thu hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai đầu tư một số công trình hạ tầng trọng điểm, các công năng chính theo phương án quy hoạch được duyệt để sớm đưa vào hoạt động; thu hút đầu tư theo danh mục ngành nghề kinh doanh.

Giai đoạn sau 2030, thành phố đưa vào hoạt động và tiếp tục hoàn thiện vận hành có hiệu quả khu thương mại tự do; tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện, sửa đổi bổ sung các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

Lê Hồng Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/phat-trien-khu-thuong-mai-tu-do-la-dong-luc-tang-truong-moi-cua-da-nang-35147.html