Phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường

Một trong những giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh sẽ triển khai thực hiện trong nhiệm kỳ 2020-2025 là phát triển kinh tế đi đôi với bảo vệ môi trường. Đây cũng là vấn đề được nhiều bạn đọc (BĐ) Báo Đồng Nai quan tâm.

Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kiểm tra việc một công ty ở H.Trảng Bom có dấu hiệu chôn chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên của công ty. Ảnh: Đình Biên

Lực lượng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh kiểm tra việc một công ty ở H.Trảng Bom có dấu hiệu chôn chất thải chưa qua xử lý trong khuôn viên của công ty. Ảnh: Đình Biên

Đồng Nai là tỉnh phát triển công nghiệp nên nhiều BĐ rất đồng tình với giải pháp được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa mới đưa ra là kiểm soát tốt các tác động đến môi trường của các dự án được cấp phép, chủ động phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các dự án lớn, công nghệ phức tạp, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.

* Quan tâm khắc phục tồn tại, hạn chế

Theo đánh giá của ngành chức năng, trong thời gian qua, mặc dù hoạt động bảo vệ môi trường đã được các ngành chức năng của tỉnh quan tâm thực hiện; trên địa bàn tỉnh không còn những “điểm nóng” phức tạp về ô nhiễm môi trường nhưng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Cụ thể như: vẫn còn tình trạng các cơ sở sản xuất xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý ra môi trường; việc đầu tư, đổi mới công nghệ xử lý chất thải tại các khu xử lý rác thải còn chậm; ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn hạn chế...

Trước thực trạng này, BĐ Phan Văn Hết, cán bộ hưu trí (ngụ P.Bửu Long, TP.Biên Hòa), từng công tác nhiều năm trên lĩnh vực quản lý môi trường cho biết, Đồng Nai là tỉnh sớm nhận ra và kiên quyết từ chối các dự án không đáp ứng tiêu chí về bảo vệ môi trường; đồng thời xử lý khá mạnh tay đối với các công ty xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo BĐ Phan Văn Hết: “Nỗ lực quản lý, giám sát các chất thải công nghiệp là cần nhưng chưa đủ. Vấn đề là, tỉnh nên khuyến khích, hỗ trợ các nhà máy, doanh nghiệp hoạt động lâu năm đổi mới dây chuyền sản xuất để hạn chế phát sinh nước thải, xử lý và tái sử dụng nước thải, giảm phát thải khí thải, giảm lượng rác thải công nghiệp, nhất là rác thải công nghiệp nguy hại... với chủ trương lượng chất thải xả ra môi trường càng ít càng tốt”.

Bên cạnh môi trường công nghiệp, hoạt động quản lý môi trường trong sản xuất nông nghiệp cũng đã được triển khai với vùng chăn nuôi khép kín, các mô hình sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ tại các cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu được triển khai đã góp phần bảo vệ môi trường nông thôn cũng như nâng cao chất lượng vật nuôi, cây trồng, tăng năng lực cạnh tranh về chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, một số ý kiến BĐ cho rằng, hoạt động bảo vệ môi trường đối với nước thải chăn nuôi heo và rác thải nông nghiệp vẫn chưa được xử lý đến nơi đến chốn dẫn đến ô nhiễm môi trường ở một số vùng chăn nuôi, sản xuất lớn. Đây là vấn đề lãnh đạo tỉnh cần quan tâm giải quyết trong nhiệm kỳ mới.

* Cần xử phạt mạnh tay

Để môi trường không bị “xâm hại”, nhiều BĐ cho rằng, cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, hoàn chỉnh dần các bộ tiêu chuẩn, trong đó bộ tiêu chuẩn về khí thải đang còn rất nhiều bất cập và đặc biệt xử phạt mạnh tay đối với hành vi gây ô nhiễm môi trường.

BĐ Nguyễn Văn Hải (ngụ xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất) băn khoăn: “Một số cơ sở nuôi heo trên địa bàn xã thải nước thải chăn nuôi gây ô nhiễm nặng nề nhưng vẫn không được xử lý dứt điểm. Mặc dù cán bộ môi trường xã có xuống lập biên bản, yêu cầu cơ sở khắc phục nhưng chủ cơ sở có làm hay không lại thiếu sự giám sát”.

BĐ Nguyễn Văn Hải còn cho biết, mới đây theo dõi các phương tiện truyền thông, ông biết tỉnh có chủ trương dừng hoạt động đối với các trang trại chăn nuôi vi phạm hoạt động xả thải ra môi trường, nhưng ông chưa thấy cơ sở nào bị... dừng hoạt động, trong khi người dân không thể sống mãi trong mùi hôi chất thải chăn nuôi của những cơ sở chăn nuôi này.

Bên cạnh đó, về vấn đề khai thác nước ngầm tràn lan cũng được nhiều BĐ quan tâm. Không ít BĐ tỏ ra lo lắng khi nguồn nước ngầm đã và đang bị khai thác quá ngưỡng cho phép, trong đó có các doanh nghiệp dù đã được cung cấp nước máy nhưng vẫn tiếp tục khai thác nước ngầm sử dụng cho sản xuất để giảm chi trả tiền nước.

BĐ Nguyễn Thị Huệ (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) bày tỏ, qua đọc sách báo, bà được biết nước không phải là nguồn tài nguyên vô tận. Nếu không biết giữ gìn nguồn nước ngầm thì tình trạng giảm sút, thậm chí là biến mất của nguồn nước ngầm sẽ diễn ra nhanh hơn. Chưa kể, nếu không quản lý được tình trạng khai thác tràn lan, khai thác thiếu kiểm soát sẽ còn gây ra tình trạng ô nhiễm nguồn nước ngầm.

Bên cạnh đó, vấn nạn rác thải sinh hoạt cũng đang khiến cộng đồng ngao ngán khi thành phố đâu đâu cũng thấy: rác trên đường phố, dưới sông, suối... từ đô thị đến nông thôn. BĐ Nguyễn Minh Trí (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) nói: “Một đô thị loại I như Biên Hòa nhưng nhiều khu vực vẫn có rác sinh hoạt tồn đọng không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm mất mỹ quan đô thị”.

Nhiều ý kiến BĐ đề xuất, các ngành chức năng cần xử lý mạnh tay hơn với việc các cơ sở sản xuất xả nước thải, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường, cũng như hành vi vứt rác thải sinh hoạt bừa bãi. Song trên hết, vẫn là ý thức của mỗi người dân, doanh nghiệp trong việc giữ gìn môi trường vì đây là một trong những yếu tố quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Phương Liễu

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/bandoc/202010/phat-trien-kinh-te-di-doi-voi-bao-ve-moi-truong-3026356/