Phát triển kinh tế ở xã biên giới Mường Cai
Mường Cai là xã biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Sông Mã, xuất phát điểm kinh tế thấp, trình độ dân trí không đồng đều, đời sống khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Với sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, của cấp ủy, chính quyền các cấp, đồng bào nơi đây đang nỗ lực vượt khó vươn lên phát triển kinh tế.
Mường Cai có 15 bản, 1.193 hộ với 6.147 nhân khẩu, gồm 6 dân tộc: Thái, Mông, Sinh Mun, Khơ Mú, Kinh, Lào cùng sinh sống. Công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân được cấp ủy, chính quyền xã xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Ông Quàng Đình Khải, Chủ tịch UBND xã Mường Cai thông tin: Để có định hướng phát triển kinh tế phù hợp cho từng vùng, xã đã rà soát, xác định rõ các tiểu vùng với địa hình, khí hậu và dân trí phù hợp để triển khai nguồn vốn hỗ trợ giống cây trồng, vật tư, công cụ phục vụ sản xuất; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng và chăm sóc cho người dân. Đối với các bản vùng thấp, gần trung tâm xã đã vận động nhân dân phát triển cây ăn quả, cải tạo vườn tạp, nuôi lợn, dê, gia cầm; các bản vùng cao xây dựng các mô hình chăn nuôi đại gia súc, trồng rừng, phát triển cây sơn tra. Đến nay, toàn xã có 372 ha cây ăn quả (cam, quýt, xoài, nhãn), 246 ha cây sơn tra, đàn trâu trên 400 con, đàn ngựa 2.650 con, đàn lợn 3.500 con, đàn dê 350 con.
Mô hình phát triển kinh tế của ông Lò Văn Ngọc, bản Mường Cai, với 2 ha nhãn ghép cải tạo bằng giống nhãn chín sớm; đàn trâu, bò hơn 10 con; 4 ao nuôi cá, tổng diện tích 5.000 m². Ông Ngọc chia sẻ: Được cán bộ huyện, xã tuyên truyền, hỗ trợ, gia đình đã thay đổi tư duy sản xuất, đưa cây nhãn vào trồng, kết hợp với chăn nuôi. Từ mô hình kinh tế VAC, trung bình mỗi năm gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng, cuộc sống đầy đủ.
Đối với các bản vùng cao của xã Mường Cai, ngoài việc tập trung chăn nuôi đại gia súc thì cây sơn tra đang được chính quyền xã khuyến khích người dân đưa vào trồng với mục tiêu kép vừa bảo vệ rừng, vừa tạo sinh kế cho người dân. Hiện, toàn xã có 246 ha cây sơn tra, tập trung ở các bản: Huổi Khe, Háng Lìa, Huổi Mươi, Huổi Co, Phiêng Piềng, Huổi Hưa, Pá Vẹ, Xia Kia, Co Phường, trong đó 68 ha đang cho thu hoạch, sản lượng hơn 200 tấn/năm. Hỗ trợ bà con tiêu thụ quả sơn tra, xã Mường Cai liên hệ với Công ty TNHH thuốc nam Nguyễn Kiều thu mua toàn bộ quả sơn tra cho bà con với giá 3.000 đồng/1kg tại vườn.
Phấn khởi khi quả sơn tra tìm được đầu ra, anh Sồng Pả Chỏ, Trưởng bản Xia Kia, nói: Bản hiện có 40 ha cây sơn tra, được xã kết nối với Công ty TNHH thuốc nam Nguyễn Kiều và Viện Nghiên cứu y dược cổ truyền hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản và tiêu thụ quả sơn tra giúp người dân yên tâm sản xuất.
Hỗ trợ người dân có vốn phát triển sản xuất, các đoàn thể của xã còn nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho hơn 630 hộ hội viên vay vốn với tổng dư nợ trên 26 tỷ đồng; 89 hộ vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, dư nợ trên 22 tỷ đồng. Phát huy hiệu quả nguồn vốn, xã thường xuyên kiểm tra, giám sát các hộ sử dụng vốn đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo vươn lên làm giàu.
Để đạt mục tiêu năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 10%, xã đạt 11/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, xã Mường Cai tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tập trung giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, triển khai các nguồn vốn hỗ trợ đúng đối tượng, hướng tới giảm nghèo bền vững.