Phát triển kinh tế từ nghề chế biến long nhãn

Kế thừa nghề truyền thống của gia đình, bà Nguyễn Thị Mỵ ở xã Hồng Nam (thành phố Hưng Yên) đã có hơn chục năm làm nghề chế biến long nhãn. Đến nay, với vai trò là Giám đốc Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hồng Nam, bà đã xây dựng thành công cơ sở sản xuất và chế biến nông sản đạt chuẩn HACCP - một tiêu chuẩn quan trọng trong ngành công nghiệp thực phẩm; là điều kiện bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm tin cậy và uy tín trên toàn thế giới.

Bà Nguyễn Thị Mỵ tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức

Bà Nguyễn Thị Mỵ tham gia cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức

Trước đây, trung bình mỗi năm gia đình bà sấy 40 – 60 tấn nhãn quả tươi và cung cấp ra thị trường từ 4 đến 6 tấn long nhãn. Nhận thấy lợi ích từ việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể, năm 2022 bà Mỵ làm thủ tục thành lập Hợp tác xã sản xuất, thương mại và dịch vụ nông nghiệp Hồng Nam gồm 10 thành viên. Với vai trò là Giám đốc hợp tác xã, bà đã lãnh đạo, chỉ đạo hợp tác xã đổi mới phương thức hoạt động, thực hiện trồng, chăm sóc nhãn theo tiêu chuẩn VietGap. Gia đình bà và một số thành viên của hợp tác xã đã đầu tư nhà xưởng khép kín rộng gần 200m2 với đầy đủ máy móc, trang thiết bị phục vụ cho việc sấy nhãn bằng điện.

Bà Mỵ cho biết: Nhãn tươi nhập về được chọn lọc kỹ để loại bỏ những quả hỏng, sau đó đưa vào rửa sạch bằng máy. Lao động bóc long phải khử khuẩn tay, mặc trang phục bảo hộ và đeo khẩu trang trước khi vào làm việc ở phòng kín, có điều hòa nhiệt độ. Long nhãn bóc xong được đưa vào máy sấy điện. Sau khi sấy xong, sản phẩm được để nguội và bảo quản trong phòng lạnh. Công nghệ này có nhiều ưu điểm hơn so với phương pháp sấy truyền thống như: Giữ được giá trị dinh dưỡng của sản phẩm; không bụi bẩn, không phụ thuộc thời tiết; không bị nhiễm khói như sấy bằng lò than; không gây ô nhiễm môi trường; sản phẩm bảo quản được lâu hơn… Vì vậy, sản phẩm long nhãn ôm hạt sen của gia đình bà được thị trường ưa chuộng. Mỗi năm, sau khi trừ các khoản chi phí, thu nhập từ vườn nhãn rộng 1,5 mẫu và lợi nhuận của hợp tác xã, gia đình bà thu lãi gần 300 triệu đồng, tạo việc làm thời vụ cho hơn 20 lao động địa phương.

Vừa qua, bà Nguyễn Thị Mỵ đã đoạt giải khuyến khích cuộc thi “Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo và chuyển đổi xanh” năm 2024 do Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tổ chức với dự án khởi nghiệp xây dựng cơ sở sản xuất và chế biến nông sản gắn với phát triển và nâng cao giá trị sản phẩm đặc sản nhãn lồng Hưng Yên.

Hồng Ngọc

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/phat-trien-kinh-te-tu-nghe-che-bien-long-nhan-3176164.html