Phát triển kỹ năng mềm cho học sinh

Chương trình ngoại khóa không đặt nặng việc có thành tích, mà hướng các em đến với một sân chơi để có thể phát triển thêm những kỹ năng mềm của bản thân. Điều này đã được các em học sinh cảm nhận.

Học sinh lớp 10A5, 11A13 và 12A2 với các sản phẩm “Giác kế đa năng 4.0” tham gia chương trình ngoại khóa “Toán học với đời sống” .

Học sinh lớp 10A5, 11A13 và 12A2 với các sản phẩm “Giác kế đa năng 4.0” tham gia chương trình ngoại khóa “Toán học với đời sống” .

Thời gian qua, song song với chương trình học chính khóa, Trường THPT Tây Ninh (thành phố Tây Ninh) đã có nhiều hoạt động ngoại khóa “học mà chơi, chơi mà học” dành cho các em học sinh. Các hoạt động không chỉ tiếp thêm sự hào hứng trong học tập mà còn giúp phát triển kỹ năng mềm cho học sinh.

Từ lý thuyết đến thực tiễn

Buổi sáng đầu tuần, trong giờ sinh hoạt dưới cờ, một nhóm học sinh lớp 11A13 trình bày những lợi ích của Toán học và ứng dụng của môn Toán thông qua việc xây dựng giác kế đa năng. Đây là chiếc giác kế đa năng đoạt giải Nhất trong chương trình ngoại khóa “Toán học với đời sống: Giác kế đa năng” được tổ Toán tổ chức cho các khối lớp của trường.

Giác kế truyền thống là một bảng đo góc 360 độ dùng đo góc thẳng đứng hoặc đo góc theo phương nằm ngang của một vật. Tuy nhiên, với chiều cao của một tòa nhà, đỉnh tháp hay chiều ngang một con sông lớn, để đo được chúng một cách chính xác, không thể dùng phương pháp thủ công, mà cần một dụng cụ đo góc và dùng công thức toán học để tính. Đây là chủ đề được các thầy cô trong tổ Toán đặt ra đối với các em học sinh trong chương trình ngoại khóa.

Từ những kiến thức đã học, nhóm học sinh lớp 11A13 do em Trần Trung Hiếu làm trưởng nhóm tạo nên một giác kế đa năng 4.0 có thể đo chiều ngang, chiều cao mọi góc độ. Đó là một thiết bị gồm thước đo độ, ống nhòm, tia laser và chiếc điện thoại thông minh có cài đặt chương trình đo góc được đặt trên một chân máy ảnh có thủy kế.

“Chúng em được học về giác kế từ năm lớp 6, khi đó chỉ là dùng để đo góc trên mặt đất hoặc đo chiều cao của cây. Trong quá trình làm giác kế đa năng, chúng em nhận thấy, nếu chỉ dùng thước đo góc sẽ có sai số và hạn chế góc nhìn, nên kết hợp một ứng dụng đo góc được tích hợp trên điện thoại iPhone để tăng độ chính xác khi đo. Từ việc kết hợp giác kế truyền thống cùng những kiến thức toán học và công nghệ thông tin, chúng em tạo ra giác kế đa năng 4.0”- Trung Hiếu giới thiệu.

Một giác kế đo chính xác, cần có dụng cụ xác định điểm đo chính xác, và ở đây, nhóm của Hiếu đã chọn tia laser xanh. “Lúc đầu làm giác kế, chúng em chọn tia laser màu đỏ. Nhưng qua trao đổi với các anh chị lớp 12, chúng em mới biết tia laser xanh phù hợp với độ nhạy cực đại của mắt người, giúp dễ nhìn hơn tia laser đỏ. Thông tin này tụi em chưa được học, nhờ các anh chị giúp cho giác kế của nhóm hoàn thiện hơn”- Trần Hiếu Xuân Khánh, lớp 11A13 chia sẻ thêm về chiếc giác kế đa năng đoạt giải Nhất trong chương trình ngoại khóa môn Toán lần này.

Thầy Nguyễn Thanh Tâm- giáo viên Toán của Trường THPT Tây Ninh cho biết, chương trình ngoại khóa “Toán học với đời sống” là một sân chơi mà ở đó, các em học sinh hiểu rõ hơn những ứng dụng của toán học trong đời sống, chứ không đơn thuần là những công thức, con số khó nhớ. “Là hoạt động ngoại khóa, nên chúng tôi hướng các em tìm đến sự sáng tạo, học hỏi lẫn nhau.

Thầy cô chỉ cung cấp các kiến thức cơ bản, còn các em sẽ tự tìm hiểu, ứng dụng những kiến thức đã học vào trong đời sống. Việc tham gia lớp ngoại khóa sẽ giúp học sinh vừa học được cả lý thuyết và thực hành, vừa thể hiện sự tìm tòi, khả năng học hỏi của các em”- thầy Tâm chia sẻ.

Nhóm các bạn lớp 11A13 đang sử dụng “Giác kế đa năng 4.0” đo đạc.

Nhóm các bạn lớp 11A13 đang sử dụng “Giác kế đa năng 4.0” đo đạc.

Có thêm nhiều kỹ năng

Chương trình ngoại khóa không đặt nặng việc có thành tích, mà hướng các em đến với một sân chơi để có thể phát triển thêm những kỹ năng mềm của bản thân. Điều này đã được các em học sinh cảm nhận.

Trần Hiếu Xuân Khánh, lớp 11A13 chia sẻ, tham gia hoạt động ngoại khóa giúp em mở rộng mối quan hệ, giúp ích nhiều hơn trong quá trình làm việc nhóm cũng như trong học tập.

Nguyễn Phát Hoài, lớp 10A5 cho biết, tham gia ngoại khóa và cùng làm việc nhóm giúp bạn bè hiểu nhau, vui vẻ, gắn bó nhau hơn. “Đặc biệt, tụi em đã hỗ trợ nhau nhiều hơn trong học tập. Hằng ngày, sau giờ học ở trường, tụi em cùng học nhóm, có khi ở quán nước, có khi đến nhà của bạn học. Tối về, tụi em cùng học qua Zoom hoặc Google Meet. Từ đó, thành tích học của các thành viên trong nhóm được cải thiện. Hoạt động ngoại khóa đã đưa tụi em lại gần với nhau hơn”- Phát Hoài chia sẻ.

Ở mỗi chương trình ngoại khóa, các em sẽ thành lập các nhóm làm việc cùng nhau. Mỗi người phụ trách từng việc khác nhau. “Chúng em không những được ôn lại kiến thức trên lớp mà còn phát triển thêm kỹ năng làm việc nhóm, tự tin hơn khi thuyết trình trước tập thể… Đặc biệt là có nhiều kỷ niệm bên nhau trước khi chia tay tuổi học trò”- em Phan Thành Trọng, lớp 12A2 chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, Trường THPT Tây Ninh đã tổ chức nhiều buổi ngoại khóa ở các tổ chuyên môn khác nhau. Với bộ môn Tiếng Anh là hoạt động thi hát tiếng Anh, thiết kế thời trang từ những vật dụng tái chế; môn Vật lý với hội thi sáng tạo trẻ làm ra “máy bắn đá”… “Ở tổ Sinh - Tin học, chúng tôi cho các em thực hiện những video về câu chuyện “Giữ gìn trường học xanh, sạch, đẹp”.

Thời gian qua, trường học có nhiều bạn xả rác, bỏ ly nhựa bừa bộn khắp nơi. Do đó, chương trình ngoại khóa muốn các em nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường. Đồng thời, để các em kết hợp kiến thức Tin học, tạo ra những sản phẩm độc đáo, ý nghĩa”- cô Lương Hồng Nhung, Tổ trưởng tổ Sinh - Tin học cho biết.

Những poster giới thiệu sách của các em học sinh tham gia chương trình ngoại khóa “Quyển sách của tôi”.

Những poster giới thiệu sách của các em học sinh tham gia chương trình ngoại khóa “Quyển sách của tôi”.

Tổ Ngữ văn với chương trình giới thiệu “Quyển sách tôi yêu”. Học sinh tham gia chương trình dựng một video giới thiệu sách và một poster về quyển sách ấy. Có thể nhận thấy, ngoài những tựa sách có trong chương trình giáo dục ở trường, các bạn học sinh còn giới thiệu nhiều quyển sách về kỹ năng, những câu chuyện nhân văn quanh cuộc sống đời thường như “Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu”, “Trên đường băng”, “Hiện tại kiên trì, tương lai kiên cố”, “Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ”…

Trần Lâm Chi Bảo, đại diện lớp 12A2 giới thiệu quyển sách “Nỗi buồn chiến tranh” của tác giả Bảo Ninh đến mọi người. Chi Bảo cho biết: “Tác phẩm chưa được phổ biến lắm, em thấy chưa thỏa đáng, vì cuốn sách rất đặc biệt. Khi đọc “Nỗi buồn chiến tranh”, ta nhìn thấu bộ mặt thật của chiến tranh, hiểu một thế hệ con người hy sinh vì độc lập dân tộc và cảm ơn hòa bình mà ta đang có. Với ý nghĩa đó, em muốn giới thiệu quyển sách đến đông đảo các bạn, với thông điệp về sự hủy diệt của chiến tranh đối với con người”.

Cô Lê Thị Hà- Tổ trưởng tổ Ngữ văn nói, hoạt động ngoại khóa của tổ nhằm khuyến khích việc đọc sách của học sinh trước tác động của văn hóa nghe - nhìn. Các em tham gia nhiệt tình, có những nhận xét, đánh giá, suy ngẫm kỹ càng về nội dung của sách; rút ra được bài học quan trọng và các bước chọn sách, đọc sách.

“Phần lớn học sinh thời nay đều được trang bị điện thoại, các phần mềm ứng dụng sinh động, hấp dẫn phục vụ cho nhu cầu giải trí tức thời nên rất nhiều học sinh thờ ơ với việc đọc sách, thậm chí không có được quyển sách tâm đắc nhất cho bản thân. Sau hoạt động ngoại khóa, tôi nhận thấy đây là 1 sân chơi bổ ích cần được duy trì và mở rộng”- cô Hà đánh giá.

Theo cô Huỳnh Thị Tuyết Loan- Hiệu trưởng Trường THPT Tây Ninh, năm học 2022-2023, nhà trường lần đầu tiên tổ chức chương trình ngoại khóa theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Hiện nay, các tổ đã tổ chức đầy đủ hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động ngoại khóa với nhiều chủ đề khác nhau gắn với thực tiễn cuộc sống, trang bị thêm cho học sinh kỹ năng sống, kiến thức bổ ích... giúp học sinh phát triển toàn diện hơn.

Ngọc Diêu

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/phat-trien-ky-nang-mem-cho-hoc-sinh-a157310.html