Phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa, thể thao đồng bộ, hiện đại, bản sắc
Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa công bố Quy hoạch mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045 theo Quyết định số 991/QĐ-TTg của Chính phủ, gồm 6 nội dung chính là: Phạm vi, đối tượng quy hoạch; quan điểm, mục tiêu phát triển; phương hướng phát triển; danh mục dự án ưu tiên đầu tư; giải pháp thực hiện quy hoạch; tổ chức thực hiện. Quy hoạch là cơ sở để hoàn thiện cơ sở vật chất nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển thể chất con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Quy hoạch hướng đến mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa quốc gia đồng bộ, hiện đại, bản sắc, hướng đến xây dựng hình ảnh quốc gia gắn với tiếp thu tinh hoa văn hóa của thời đại; phát triển mạng lưới cơ sở thể thao quốc gia đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu tập luyện và hưởng thụ của Nhân dân; phát triển mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao gắn với cơ chế thị trường, là nguồn lực phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế thể thao. Tầm nhìn đến năm 2045, mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao quốc gia phát triển cân đối, phân bố không gian hợp lý, trở thành thương hiệu, đại diện cho nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc; hình thành những công trình mang đậm bản sắc văn hóa, có tính biểu tượng, trở thành những dấu ấn lịch sử và di sản dành cho tương lai.
Cụ thể, sẽ nâng cấp, mở rộng, hoàn thiện mạng lưới bảo tàng, thư viện, cơ sở điện ảnh, cơ sở nghệ thuật biểu diễn, cơ sở triển lãm văn hóa nghệ thuật, mạng lưới trung tâm văn hóa, thể thao, cơ sở nghiên cứu đào tạo chuyên ngành... đồng bộ, hiện đại. Riêng về mạng lưới trung tâm văn hóa, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, bố trí đủ nhân lực và kinh phí hoạt động để bảo đảm 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm văn hóa, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm văn hóa - thể thao; 100% thôn, bản có Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn.
Đổi mới phương thức tổ chức, vận hành, nâng cao chất lượng hoạt động và hiệu quả sử dụng của các Trung tâm văn hóa thể thao phù hợp với tình hình thực tiễn của các ngành, các địa phương, theo hướng đa năng, tổng hợp, đáp ứng nhu cầu của người dân. Quan tâm hỗ trợ, đầu tư các thiết chế văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên; các Trung tâm văn hóa Việt Nam tại nước ngoài nơi có đông cộng đồng người Việt Nam sinh sống và làm việc.
Lâm Đồng hiện có 2 công trình nằm trong Danh mục thuộc mạng lưới quy hoạch thiết chế văn hóa, thể thao quốc gia là Khu Liên hiệp văn hóa - thể thao tỉnh (gồm Trung tâm Huấn luyện Thể thao quốc gia Đà Lạt) và Di tích quốc gia đặc biệt Khu khảo cổ Cát Tiên. Bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở của tỉnh đã và đang hoàn thiện cả về số lượng và chất lượng; cấp tỉnh có: Bảo tàng tỉnh, Thư viện tỉnh, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật, Nhà văn hóa Lao động, Trung tâm hoạt động Thanh Thiếu nhi, quảng trường Lâm Viên và Nhà hát Hoa dã quỳ; 11/12 huyện, thành có Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Nhà văn hóa, có 3 nhà thi đấu đa năng trên 1.000 chỗ ngồi; có 137/142 thiết chế văn hóa, thể thao xã, phường, thị trấn, đạt tỷ lệ 93% với diện tích xây dựng trên 53.000 m2; có 1.321/1.367 thôn, tổ dân phố có nhà sinh hoạt cộng đồng đạt tỷ lệ 88,6%; 12 thư viện huyện, 28 thư viện xã; trên 1.143 sân tập thể thao. Nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao có nhiều thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong thời gian tới, Lâm Đồng tiếp tục xây dựng kế hoạch đầu tư bảo tồn phát huy giá trị Di tích cấp quốc gia đặc biệt khu Khảo cổ Cát Tiên; đẩy mạnh tiến độ công trình Khu liên hợp văn hóa, thể thao tại Phường 7, TP Đà Lạt. Với dự án Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Đà Lạt của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm chủ đầu tư, hiện đang xây dựng Nhà thi đấu đa năng 2.000 chỗ ngồi sẽ tiếp tục hoàn thiện, sớm đưa công trình vào khai thác, sử dụng, nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh.
Để triển khai có hiệu quả các quy hoạch, tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung thực hiện các giải pháp sau: Hướng dẫn các huyện, thành phố chủ động bố trí quỹ đất phù hợp để thu hút đầu tư công trình thiết chế văn hóa, thể thao; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, thực sự có hiệu quả thiết thực. Chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển ngành; tăng cường bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ, khai thác hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, nguồn lực văn hóa, thể thao của tỉnh góp phần xây dựng văn hóa, con người Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng với yêu cầu phát triển bền vững đất nước.