Phát triển mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững

TP Hồ Chí Minh là địa phương đi đầu cả nước trong công tác chăm lo đời sống, giúp đỡ hộ nghèo.

Kết quả đó khẳng định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự chung tay của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) các cấp trong hỗ trợ, phát triển mô hình giảm nghèo bền vững.

Bám sát chủ trương, huy động mọi nguồn lực

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020, xác định: “Đẩy mạnh các biện pháp giảm nghèo bền vững, rút ngắn khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư, giữa nội thành và ngoại thành. Nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân, chăm lo cả về vật chất và tinh thần cho người nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Chương trình “Giảm nghèo bền vững” giai đoạn 2016-2020, bình quân 1%/năm”. Bám sát chủ trương đó, Thành ủy, UBND thành phố (TP) quyết liệt chỉ đạo huy động nguồn lực chăm lo đời sống cho nhân dân, người lao động, đặc biệt là hộ nghèo. Đồng chí Võ Thị Dung, Phó bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh, khẳng định: "Chủ trương của Thành ủy là phải giảm nghèo bền vững. Muốn vậy, cấp ủy, chính quyền các cấp phải có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo công tác giảm nghèo, chăm lo người nghèo, tiến hành thường xuyên, bền bỉ chứ không làm theo kiểu mùa vụ".

 Một hộ nghèo ở xã Đa Phước được hỗ trợ nuôi tôm thẻ chân trắng vươn lên thoát nghèo.

Một hộ nghèo ở xã Đa Phước được hỗ trợ nuôi tôm thẻ chân trắng vươn lên thoát nghèo.

Từ chỉ đạo của Thành ủy, các cấp, các ngành theo chức năng, nhiệm vụ triển khai kế hoạch hỗ trợ giảm nghèo. Trong đó, Ủy ban MTTQ TP thể hiện rõ vai trò nòng cốt tham mưu, đề xuất các giải pháp huy động mọi nguồn lực chung tay vì người nghèo; hướng dẫn chuyên môn cho Ủy ban MTTQ 24 quận, huyện tiến hành khảo sát danh sách hộ nghèo theo hai tiêu chí về thu nhập và mức độ thiếu hụt; kết hợp chăm lo giảm nghèo bền vững gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”…

Sau hơn hai năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP, tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố đã giảm đáng kể; đặc biệt là sự bứt phá của quận 5 và quận 6 vừa được công nhận không còn hộ nghèo theo chuẩn TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020 (vượt kế hoạch 3 năm). Theo Bí thư Quận ủy quận 6 Lê Văn Tân, để nâng cao hiệu quả vận động các tổ chức, cá nhân đồng lòng thực hiện chủ trương của TP, Quận ủy quyết liệt yêu cầu các ban, ngành liên quan chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động vì người nghèo, tổ chức thực hiện cụ thể, phù hợp với tình hình của từng phường. Đặc biệt, Quận ủy chủ trương xã hội hóa công tác chăm lo đời sống người nghèo thông qua việc huy động tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, tạo điều kiện cho người nghèo có việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.

Phát huy, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả

Từ chủ trương lãnh đạo của cấp ủy và sự hỗ trợ của đoàn thể các cấp, ở các địa phương trên địa bàn TP xuất hiện nhiều mô hình hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo. Nổi bật là xã Đa Phước (Bình Chánh). Cuối năm 2017, Đa Phước được đánh giá là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể so với đầu năm, từ 4,87% xuống còn 2,1%; hộ cận nghèo từ 13,1% xuống còn 5,8%. Đồng chí Hà Tấn Lộc, Bí thư Đảng ủy xã cho rằng, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy xã còn có sự góp sức rất lớn của MTTQ thông qua việc triển khai mô hình “Giúp nhau thoát nghèo bền vững”. Nghị quyết của Đảng ủy xã đầu năm 2017 tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo đạt chuẩn nông thôn mới. Theo đó, MTTQ xã bàn bạc, thống nhất phối hợp với trung tâm dạy nghề mở lớp đào tạo nghề miễn phí, giới thiệu việc làm, hỗ trợ phương tiện làm ăn kết hợp với tập huấn kỹ thuật trồng rau theo tiêu chuẩn VietGap và nuôi tôm thẻ chân trắng cho nông dân, hộ nghèo. Chị Nguyễn Thị Phương Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Đa Phước, cho biết: “Để có đất cho hộ nghèo canh tác, chúng tôi chủ động liên hệ với chủ đầu tư có đất chưa khai thác để thuê, mượn đất giao cho hộ nghèo, rồi đề nghị ngân hàng hỗ trợ vốn, bộ phận khuyến nông hỗ trợ kỹ thuật, chính quyền địa phương liên hệ tiêu thụ sản phẩm đầu ra… Vậy là hộ nghèo chỉ cần bỏ công sức chăm bón, canh tác là có thu nhập”. Điển hình như gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng (ấp 5), được MTTQ xã đỡ đầu hỗ trợ kinh phí cải tạo đầm dừa nước nuôi tôm thẻ chân trắng, thu nhập mỗi năm gần 150 triệu đồng.

Phát huy vai trò của MTTQ, Quận ủy Tân Phú đã chỉ đạo triển khai Mô hình “Tổ dân phố nghĩa tình”. Mô hình thực hiện ở 11 phường trong toàn quận, lấy MTTQ phường và Ban Công tác mặt trận 68 khu phố làm nòng cốt vận động nhân dân tích cực tham gia. Đồng chí Nguyễn Thành Chung, Bí thư Quận ủy Tân Phú, cho biết: “Với phương châm “lấy sức dân chăm lo cho dân trên tinh thần tự nguyện, tự giác và ý thức trách nhiệm vì cộng đồng”, Quận ủy chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, MTTQ chung tay chăm lo cho người nghèo bắt đầu từ tổ dân phố. Mọi người sống trách nhiệm, nghĩa tình với nhau để xây dựng khu dân cư đoàn kết, ấm no, hạnh phúc”.

Mỗi quận, huyện triển khai, nhân rộng một vài mô hình hiệu quả, giải quyết việc làm cho người nghèo tạo thành phong trào sâu rộng, thực hiện thắng lợi nghị quyết lãnh đạo của Thành ủy và cấp ủy địa phương… Theo bà Triệu Lệ Khánh, Phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hồ Chí Minh, từ sự đồng thuận về chủ trương lãnh đạo, đa dạng, linh hoạt huy động nguồn lực, áp dụng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp nên công tác chăm lo cho người nghèo thực sự phát huy hiệu quả, giúp hộ nghèo ổn định cuộc sống, thoát nghèo bền vững.

Bài và ảnh: HOÀNG THÀNH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/phat-trien-mo-hinh-giam-ngheo-hieu-qua-ben-vung-531116