Phát triển nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, chính quyền địa phương và người dân bản địa, các nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đang dần được quan tâm khôi phục, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, đồng thời hình thành sản phẩm du lịch độc đáo và hấp dẫn, khẳng định sự gắn kết giữa phát triển kinh tế với bảo tồn và phát triển trang phục truyền thống.

Ngoài giá trị về địa chất địa mạo, cảnh quan và đa dạng sinh học, Cao Bằng còn có một kho tàng di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng đồ sộ và phong phú, trong đó có nghề thủ công truyền thống với khoảng 112 nghề. Đặc biệt, tỉnh còn lưu giữ được các nghề thủ công truyền thống độc đáo, đặc sắc liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số, nổi bật như nghề dệt thổ cẩm, nghề nhuộm vải chàm, nghề in hoa văn bằng sáp ong trên vải, nghề chạm khắc bạc.

Trong quan niệm truyền thống của người Tày, Nùng, người con gái phải biết quay tơ, dệt vải và màu chàm được sử dụng làm màu đặc trưng cho trang phục. Hiện nay, người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa) còn lưu giữ tốt nhất nghề nhuộm vải chàm. Chị Lục Thị Hoài, xã Phúc Sen (Quảng Hòa) chia sẻ: Người dân chặt cây chàm và cây sản thành khúc, ngâm 2 - 3 ngày trong máng nước đến khi cây rữa ra hòa tan với nước tạo thành cao chàm lắng dưới đáy. Dùng cao chàm hòa với nước vôi trong tạo thành nước nhuộm. Vải thô được nhuộm khoảng 15 phút thì vớt lên phơi khô; để vải chàm đẹp, sáng, bóng và bền màu, tấm vải được nhuộm lại nhiều lần… Tại xã Phúc Sen hiện còn khoảng trên 30 hộ lưu giữ nghề nhuộm vải chàm, rải rác tại các xóm: Khào, Tiến Minh, Phja Chang. Tấm áo chàm vẫn được nhiều người dân nơi đây sử dụng thường ngày và được khách du lịch lựa chọn. Theo đó, nghề nhuộm chàm có thêm hướng đi mới vừa tạo ra giá trị kinh tế, vừa giúp người Nùng An lưu giữ, bảo tồn các giá trị riêng có của dân tộc.

Về dệt thổ cẩm, hiện nay chỉ còn xóm Luống Nọi, xã Ngọc Đào (Hà Quảng) còn lưu giữ. Làng nghề còn lưu giữ khoảng 30 khung cửi dệt nên những sản phẩm thổ cẩm với bố cục, họa tiết đa dạng, đặc sắc. Mỗi tấm vải thổ cẩm được dệt đều trải qua nhiều công đoạn như: quay sợi, tạo hoa văn, dệt vải. Bà con dân tộc Tày sử dụng sợi bông nhuộm chàm và len màu sắc rực rỡ để dệt thổ cẩm. Điều đặc biệt của nghề dệt thổ cẩm của người Tày Cao Bằng chính là cách tạo hình từ mặt trái để hoa văn hiện lên trên mặt phải của tấm thổ cẩm. Các mẫu hoa văn là sự kết hợp hài hòa giữa đường nét tinh xảo, màu sắc bắt mắt và hình thù độc đáo. Các màu sắc sáng - tối, nóng - lạnh được xử lý rất khéo léo trên nền chủ đạo là màu chàm tạo nên một bản sắc riêng của văn hóa truyền thống Tày khó nhầm lẫn với cách trang trí hoa văn của các dân tộc khác. Nghề dệt thổ cẩm đòi hỏi sự kiên trì, đôi bàn tay khéo léo cũng như sự sáng tạo của các nghệ nhân. Bà Nông Thị Thược là một trong rất ít phụ nữ Cao Bằng còn giữ được nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Biết đệt vải từ khi còn nhỏ, năm 2014, bà được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam công nhận là Nghệ nhân Làng nghề Việt Nam.

Đối với người phụ nữ Dao Tiền, hoa văn độc đáo, tinh tế trên trang phục chứa đựng nhiều điều đặc sắc về dân tộc này. Đặc biệt, kỹ thuật in sáp ong vẫn được đồng bào Dao Tiền tại xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình) gìn giữ, tạo dấu ấn riêng của dân tộc Dao Tiền trong cộng đồng. Ngoài ra, nghề chạm khắc bạc còn được số ít hộ đồng bào Dao ở 2 xã Hưng Đạo, Vũ Minh (Nguyên Bình) duy trì. Thổ cẩm, nhuộm vải và chạm khắc bạc truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Tày, Nùng, Dao và một số dân tộc khác ở Cao Bằng.

Áo chàm được người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa) sử dụng thường ngày và được khách du lịch lựa chọn.

Áo chàm được người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa) sử dụng thường ngày và được khách du lịch lựa chọn.

Những năm gần đây, cùng với những chính sách về hỗ trợ phát triển nghề, nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, thực hiện nhiều hoạt động nhằm phát triển các nghề truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số như: Phát triển nghề, ngành nghề truyền thống gắn với các hoạt động về văn hóa và du lịch cộng đồng; khuyến khích đưa các sản phẩm của các làng nghề, làng nghề truyền thống quảng bá, bán tại các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch trọng điểm như Khu du lịch thác Bản Giốc, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó…, nơi thu hút rất nhiều khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu; trong khuôn khổ các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, tại các gian hàng và hội chợ xúc tiến thương mại, giới thiệu các sản phẩm OCOP trên địa bàn trong và ngoài tỉnh, khuyến khích các chủ thể tham gia bán hàng mặc trang phục truyền thống…, đưa bản sắc văn hóa dân tộc vươn xa hơn để các cộng đồng khác, các khách tham quan cùng chiêm ngưỡng, đồng thời tạo không gian, môi trường văn hóa thân thiện đầy bản sắc nhằm thu hút khách tham quan đến mua sản phẩm.

Các nghề thủ công truyền thống liên quan đến trang phục dân tộc thiểu số đã được đưa vào khai thác và quảng bá du lịch tỉnh nói chung, giới thiệu hình ảnh Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng nói riêng trong và ngoài nước như: xưởng dệt Dao Tiền xã Hoa Thám (Nguyên Bình) thuộc tuyến phía Tây “Khám phá Phja Oắc - Vùng núi của những đổi thay”; dệt thổ cẩm Luống Nọi nằm trên tuyến phía Bắc “Hành trình về nguồn cội”; nghề nhuộm vải chàm của người Nùng An xã Phúc Sen (Quảng Hòa); nghề in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền xóm Hoài Khao, xã Quang Thành (Nguyên Bình); nghề thêu của người Lô Lô xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc (Bảo Lạc)… Những năm gần đây, nhu cầu của khách du lịch tăng cao, để bắt kịp xu hướng của thị trường, tại các làng nghề liên quan đến trang phục dân tộc, người dân bản địa đã nghiên cứu, thiết kế thêm nhiều dạng hoa văn mới để dệt lên túi xách, khăn, mặt gối, mặt chăn, ga, thảm trải ghế, trải giường, váy dân tộc… nhằm da dạng các sản phẩm du lịch.

Việc gắn nghề thủ công truyền thống với phát triển du lịch bước đầu thành công ở một số nơi (như làng dệt thổ cẩm của người Tày xóm Luống Nọi), nhưng có nơi chưa gắn với thị trường tiêu thụ (như nghề in hoa văn bằng sáp ong của người Dao Tiền). Người dân chưa coi đây là nghề chính tạo ra thu nhập mà chỉ tranh thủ những lúc nông nhàn do thị trường tiêu thụ tuy ổn định nhưng tốc độ tiêu thụ ít. Để thực sự góp phần đáng kể vào hoạt động du lịch, từ đó nâng cao giá trị kinh tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ công tác tuyên truyền đến đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực… Trong đó, cần quan tâm đa dạng sản phẩm và nâng cao sức hấp dẫn, tính cạnh tranh, xây dựng thương hiệu sản phẩm để khách du lịch có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm với các sản phẩm du lịch làng nghề; quan tâm xây dựng không gian trình diễn và trưng bày phù hợp để thu hút khách du lịch…

Xuân Thương

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/phat-trien-nghe-thu-cong-truyen-thong-lien-quan-den-trang-phuc-dan-toc-thieu-so-3170404.html