Phát triển nguồn nhân lực trong bối cảnh mới

Ngày 1-11, tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam tổ chức Hội thảo: 'Nguồn nhân lực để phát triển bền vững ở Việt Nam'.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Các nhà khoa học trong và ngoài nước tham dự hội thảo.

Dự hội nghị, có GS.TS Đặng Nguyên Anh, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; ông Michael Croft, Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam cùng các nhà khoa học trong và ngoài nước.

Phát triển bền vững là mục tiêu xuyên suốt quá trình phát triển của mọi quốc gia, cùng với đó là nguồn nhân lực được xác định là một trong những nguồn lực quan trọng nhất để phát triển đất nước, nhưng lại chưa được quan tâm phát triển cả về đào tạo kỹ năng, chăm sóc giáo dục sức khỏe tâm hồn, đạo đức một cách đầy đủ. Quan niệm, nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế xã hội ở các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp, người sử dụng lao động nhìn chung còn hời hợt, chưa thấu đáo.

Ở góc độ giáo dục, nhất là nguồn nhân lực được đào tạo, kết quả phổ cập giáo dục đạt kết quả tốt, đánh giá PISA cho kết quả vượt trội, xong kết quả giáo dục sau bắt buộc còn nhiều hạn chế, thiếu hướng nghiệp và thiếu kỹ năng; gia tăng bất bình đẳng, đặc biệt là sự tụt hậu của các dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa.

Tuy vậy, đa số sinh viên không nắm bắt được lĩnh vực công việc của mình, 72% sinh viên thiếu kỹ năng thực hành và kinh nghiệm thực tế, 42% sinh viên thiếu kỹ năng làm việc nhóm. Trong số sinh viên mới ra trường, chỉ có khoảng 15% đáp ứng yêu cầu doanh nghiệp; 80% sinh viên mới tốt nghiệp trong lĩnh vực lập trình máy tính cần phải đào tạo lại. Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng chất lượng đào tạo nghề ở Việt Nam chỉ đạt mức 3,6/7 điểm, xếp thứ 80/100 nước xem xét, gần như thấp nhất trong tất cả các nước Đông - Nam Á, thấp hơn Campuchia (xếp thứ 38)

Tăng cường nhận thức vai trò, tầm quan trọng của nhân lực đối với phát triển kinh tế xã hội ở tất cả các cấp lãnh đạo, các nhà hoạch định chính sách, doanh nhiệp/ người sử dụng lao dộng và người dân. Quán triệt lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về “Trồng người”. Để thực hiện “Trồng người”, cần có nhiều biện pháp, nhưng giáo dục và đào tạo là biện pháp quan trọng bậc nhất. Bởi giáo dục sẽ tạo ra tính thiện, đem lại tương lai tươi sáng cho thanh niên. Phải thay đổi về nhận thức về bằng cấp và thực tài. Mỗi người, mỗi gia đình phải hiểu rất rõ sự khác nhau giữa “muốn học” và “phải học” và “khả năng học”. Phải nhất quán giữa chủ trương và hành động về phát triển nguồn nhân lực, giữa ban hành chính sách và bảo đảm nguồn thực hiện. Coi đầu tư cho con người là là đầu tư phát triển và phải đi trước một bước. Kế hoạch nguồn nhân lực phải là cấu phần quan trọng trong mọi chương trình dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

NGUYỄN NGHĨA

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/42104902-phat-trien-nguon-nhan-luc-trong-boi-canh-moi.html