Phát triển ồ ạt cá lồng ở Nam Sách: Tiềm ẩn nhiều hệ lụy

Việc tăng trưởng 'nóng' số lượng lồng nuôi cá và sự buông lỏng quản lý của ngành chức năng, chính quyền địa phương ở huyện Nam Sách đang gây ra nhiều hệ lụy.

Phát triển lồng nuôi cá dày đặc trên các khúc sông đã và đang gây ra nguy cơ mất an toàn

Phát triển lồng nuôi cá dày đặc trên các khúc sông đã và đang gây ra nguy cơ mất an toàn

Huyện Nam Sách được coi là vựa cá lồng lớn nhất khu vực miền Bắc. Cùng với hiệu quả kinh tế mang lại, việc tăng trưởng "nóng" số lượng lồng nuôi và sự buông lỏng quản lý của ngành chức năng, chính quyền địa phương đang gây ra nhiều hệ lụy.

Nuôi tự phát

Sông Kinh Thầy đoạn qua xã Nam Tân dài chưa đầy 5 km nhưng có tới hơn 1.000 lồng nuôi cá. Các lồng cá nối tiếp nhau và lấn chiếm tới hơn 1/3 lòng sông. Đây là địa phương đầu tiên trong tỉnh phát triển nghề nuôi cá lồng và cũng là nơi có số lồng cá nhiều nhất tỉnh. Nghề nuôi cá lồng đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây. Vì thế, số lượng các lồng cá tăng nhanh, dày đặc trên khúc sông này. Nhiều hộ trong xã còn sang cả các xã khác để đặt lồng nuôi.

Ông Hoàng Văn Toan, Chủ tịch UBND xã Nam Tân cho biết: "Do phát triển tự phát nên không một chủ hộ nuôi cá nào làm theo quy chuẩn do ngành nông nghiệp hướng dẫn. Cũng chưa có hộ nào trong xã có giấy chứng nhận nuôi cá lồng bè do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) cấp".

Không chỉ ở Nam Tân, trên sông Kinh Thầy đoạn qua xã An Bình (Nam Sách) cũng có rất nhiều lồng nuôi cá. Năm 2018, anh Nguyễn Văn Tuấn ở thôn Đa Đinh, xã An Bình đầu tư 20 lồng nuôi cá đặt ngay trong phạm vi bảo vệ kè An Bình. Ở khu vực này có hơn 100 lồng nuôi cá của 10 hộ dân. Mặc dù vị trí đặt lồng bè trong phạm vi bảo vệ kè, vi phạm Luật Đê điều nhưng Công ty CP Quản lý bảo trì đường thủy nội địa số 7 vẫn cho phép các hộ nuôi.

Ô nhiễm nguồn nước

Trước đây, để được nuôi cá lồng trên các tuyến sông, người dân phải có đơn đề nghị và được chính quyền địa phương đồng ý bằng văn bản. Sau đó, các hộ phải xin phép các đơn vị quản lý đê điều, đường sông... Từ năm 2019, theo Nghị định 26/2019/NĐ-CP của Chính phủ, hồ sơ đăng ký nuôi thủy sản lồng bè chỉ bao gồm đơn đăng ký, giấy phép hoạt động nuôi thủy sản, sơ đồ mặt bằng vị trí lồng nuôi có xác nhận của chủ hộ. Theo Chi cục Thủy sản, tất cả hộ nuôi cá lồng ở huyện Nam Sách đều chưa đủ điều kiện để cấp giấy chứng nhận theo quy định. Do phát triển tự phát nên các lồng cá đều vượt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nuôi cá lồng do Bộ NNPTNT quy định. Chỉ tính riêng ở khu vực xã Nam Tân, số lồng bè vượt quy chuẩn cho phép đến 20 lần. Các dự án nuôi cá lồng dễ dàng được chính quyền địa phương chấp thuận vì ngoài mục đích phát triển kinh tế của các hộ còn giúp chính quyền địa phương giải quyết được nạn khai thác cát trái phép.

Theo Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách, trên địa bàn huyện hiện có 25 điểm vi phạm hành lang đê điều gồm các vi phạm về dựng lán trại, làm dốc ở thân đê, nuôi cá lồng trong phạm vi bảo vệ kè... Hạt Quản lý đê có trách nhiệm báo cáo cấp trên và kiến nghị chính quyền địa phương xử lý nhưng hiệu quả không cao, thậm chí vi phạm ngày càng tăng. Vào mùa mưa bão, các lồng cá có nguy cơ cản trở dòng chảy làm ảnh hưởng đến khu vực bãi đê hoặc kè ở khu vực lân cận.

Không chỉ vi phạm hành lang đê điều, cản trở dòng chảy, nguy cơ ô nhiễm môi trường do các lồng nuôi cá gây ra khá rõ. Ước tính mỗi lồng nuôi 3 tấn cá thì lượng thức ăn khoảng 60 kg cám/lần, tùy từng loại cá. Tần suất cho cá ăn mỗi ngày cũng từ 2 - 3 lần. Như vậy, lượng cám đổ xuống sông mỗi ngày có thể lên đến cả trăm tấn. Ngoài ra chưa kể lượng thuốc kháng sinh, thuốc chữa bệnh cho cá cũng khá lớn. Lượng thuốc bị hòa tan vào nước, thức ăn dư thừa lắng đọng xuống đáy lồng, phân cá, rồi cá chết không được xử lý đúng cách có thể làm ô nhiễm nước sông.

Ngoài những hệ lụy trên, việc phát triển nuôi cá lồng còn ảnh hưởng tới giao thông đường thủy bởi nhiều đoạn lòng sông nhỏ nhưng lồng bè chiếm tới hơn 1/3. Vụ va chạm giữa tàu thủy với lồng nuôi cá của anh Nguyễn Xuân Khanh ở phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) vào ngày 24.3 vừa qua là một ví dụ.

Phát triển cá lồng là thế mạnh của huyện Nam Sách nhưng cần hướng tới phát triển bền vững. Ngoài lợi ích kinh tế, ngành chức năng cần hướng dẫn các hộ nuôi bảo đảm đúng các quy chuẩn nuôi cá lồng, tránh ảnh hưởng đến đê điều, giao thông đường thủy và môi trường.

TRẦN HIỀN

Chỉ từ năm 2011 đến nay, số lượng các lồng nuôi cá ở huyện Nam Sách đã tăng từ vài chục lên hơn 2.400 lồng, chiếm 2/3tổng số lồng nuôi cá trong tỉnh. Hầu hết các xã có sông lớn chảy qua đều phát triển nghề nuôi cá lồng. Ngoài xã Nam Tân, các xã Hiệp Cát, Thái Tân, An Bình, Nam Hưng, An Sơn, Minh Tân... đều có từ 100 - 600 lồng nuôi cá.

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/phat-trien-o-at-ca-long-o-nam-sach-tiem-an-nhieu-he-luy-133097