Phát triển sản phẩm bảo vệ môi trường theo hướng tái đầu tư

Bằng việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng mẫu mã, mở rộng sản xuất, các cá nhân, đơn vị lan tỏa trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT) ra cộng đồng từ các sản phẩm tái chế.

Người dân sản xuất túi lưới giảm nhựa ở làng chài An Phú. Ảnh: CTV

Người dân sản xuất túi lưới giảm nhựa ở làng chài An Phú. Ảnh: CTV

Khẳng định giá trị trên thị trường

Sản phẩm nước lau sàn sinh học Đồng Din vừa đạt chứng nhận sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cấp tỉnh. Đây đồng thời cũng là sản phẩm nước tẩy rửa sản xuất theo hướng tái chế từ rác thải hữu cơ tham gia vào hệ thống sản phẩm làng nghề. Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Đồng Din (huyện Phú Hòa), cho biết: Xu hướng tiêu dùng hiện nay là sử dụng các sản phẩm gần gũi với tự nhiên như nước rửa chén hữu cơ, nước giặt organic, nước lau sàn sinh học… Đáp ứng nhu cầu thị trường, HTX tận dụng các phế phụ phẩm từ cây khóm trong quá trình sản xuất bánh, nước ép khóm… để sản xuất nước lau sàn sinh học. Sản phẩm có thành phần 100% rác thải hữu cơ được ủ lên men theo công nghệ hiện đại nên khi thải ra môi trường không gây ảnh hưởng đến nguồn nước mà còn có khả năng diệt 80% bọ gậy, lăng quăng nhờ lượng vi khuẩn hiếu khí có trong sản phẩm. Đồng thời, sản phẩm dùng hương hoa tự nhiên nên có mùi rất dễ chịu và tốt cho hệ hô hấp.

Sản phẩm thùng ủ phân hữu cơ được Trường cao đẳng Công Thương Miền Trung nghiên cứu công nghệ. Trong các đợt tuyên truyền BVMT, Sở TN-MT đã phối hợp với các hội đoàn thể để đưa sản phẩm này tới tay người dân nhằm nâng cao ý thức phân loại rác. Hiện sản phẩm này được nhiều doanh nghiệp tiếp cận. Bà Đỗ Thị Phượng, Giám đốc Công ty Công nghệ sinh học và môi trường Anviet, cho biết: Chúng tôi tiếp nhận công nghệ sau đó sản xuất và tiêu thụ trên thị trường. Với mục tiêu BVMT nên đơn vị tận dụng thùng ủ đã qua sử dụng, kết hợp công nghệ ủ hiếu khí thay vì ủ men, chi phí nhờ đó cũng giảm theo. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng đi khắp cả nước như Hưng Yên, Bình Thuận, Đồng Nai, Thái Nguyên… Thời gian tới, đơn vị tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng cao nhất nhu cầu khách hàng để sản phẩm trở nên gần gũi trong mỗi gia đình.

Vừa hoàn thành đơn hàng hơn 22.000 túi lưới cho Ủy ban MTTQ TP Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), tổ sản xuất của anh Phan Xuân Danh ở xã An Phú (TP Tuy Hòa) đang gấp rút làm cho xong đơn hàng với khoảng 5.000 sản phẩm cho các sở, ban ngành trong tỉnh và chuẩn bị ký hợp đồng cung cấp sản phẩm với UBND TP Hội An, tỉnh Quảng Nam theo chương trình không sử dụng túi ni lông để BVMT. Anh Phan Xuân Danh cho biết: Các mảnh lưới rác từ làng chài An Phú sau khi tái chế thành sản phẩm túi lưới được những cá nhân yêu môi trường trong cả nước đón nhận. Túi lưới đã vượt qua nhiều sản phẩm khác để tham gia vào các dự án BVMT của các tổ chức môi trường quốc tế như WWF. Sở dĩ túi lưới dễ tới tay người tiêu dùng hơn là vì sản phẩm có thời gian sử dụng lâu và nguyên liệu để làm lưới cá cũng là nhựa tái chế.

Mang thông điệp bền vững

Anh Phan Xuân Danh chia sẻ thêm: Sản phẩm ban đầu có tên túi lưới làng chài sau đổi thành túi lưới giảm nhựa để thông điệp BVMT tới gần hơn với cộng đồng. Mục tiêu lớn nhất khi sản xuất sản phẩm là góp phần lan tỏa hành động hạn chế rác thải nhựa, phân loại để tái chế rác chứ không mang tính thương mại.

Còn bà Đỗ Thị Phượng cho biết: Việc đưa sản phẩm BVMT ra thị trường là cách doanh nghiệp muốn góp sức mình cùng địa phương cũng như cả nước thực hiện việc phân loại, biến rác thải thành tài nguyên. Nếu gia đình nào cũng có thùng ủ rác này thì BVMT trở thành ý thức thường trực trong mỗi cá nhân.

Theo Sở TN-MT, các phong trào BVMT chỉ phát huy hiệu quả thực tế khi các sản phẩm thân thiện với môi trường mang lại giá trị thiết thực và thay thế được các sản phẩm gây ô nhiễm. Có vậy mới thay đổi được thói quen của mỗi người, nâng cao được ý thức của cả cộng đồng về vấn đề môi trường.

Theo Sở TN-MT, các phong trào BVMT chỉ phát huy hiệu quả thực tế khi các sản phẩm thân thiện với môi trường mang lại giá trị thiết thực và thay thế được các sản phẩm gây ô nhiễm. Có vậy mới thay đổi được thói quen của mỗi người, nâng cao được ý thức của cả cộng đồng về vấn đề môi trường.

MINH DUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/82/270638/phat-trien-san-pham-bao-ve-moi-truong-theo-huong-tai-dau-tu.html