Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu

Công tác phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được tỉnh quan tâm thực hiện. Cùng với việc bình chọn, tôn vinh sản phẩm, công tác hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm công nghiệp nông thôn có chất lượng tốt đã góp phần thúc đẩy phát triển các sản phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao.

TÔN VINH SẢN PHẨM

Công tác bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh được tổ chức 2 năm một lần. Năm 2021, toàn tỉnh có 157 bộ hồ sơ sản phẩm của 81 cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu. Qua bình chọn có 143 sản phẩm đạt giải.

Bà Nguyễn Thị Tịnh - Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất nước mắm Thanh Quốc (TP. Phú Quốc) cho biết: “Được sự quan tâm của Nhà nước, những năm qua, công ty được hỗ trợ kinh phí khuyến công để ứng dụng máy móc tiên tiến vào khâu đóng chai tự động, cùng với máy móc sẵn có của doanh nghiệp giúp tăng sản lượng và năng suất lao động gấp nhiều lần. Năm 2021, sản phẩm nước mắm Thanh Quốc được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp huyện và cấp tỉnh”.

Năm 2021, huyện Gò Quao hoàn thành giải ngân 4 đề án hỗ trợ khuyến công cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Cùng với đó, công nhận 30 sản phẩm và nhóm sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu gồm 11 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 15 sản phẩm nông lâm thủy sản và thực phẩm, 4 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm khác.

Đến nay, huyện Giồng Riềng đã tổ chức 5 lần bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu với tổng cộng 51 sản phẩm, bộ sản phẩm được công nhận cấp huyện. Ngoài ra, huyện có 25 sản phẩm đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, 2 sản phẩm cấp khu vực và 2 sản phẩm cấp quốc gia. Để phát triển thêm các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, Giồng Riềng tập trung thực hiện công tác tuyên truyền về lĩnh vực khuyến công; tiếp tục hỗ trợ máy móc, trang thiết bị đến doanh nghiệp, hộ kinh doanh phục vụ sản xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, hỗ trợ các cơ sở đào tạo nghề gắn kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

MỞ RỘNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ

Đối với ông Lưu Thành Lập - chủ cơ sở mắm cá lưỡi trâu Hai Lập, ngụ xã Thạnh Yên (U Minh Thượng), vấn đề chất lượng sản phẩm và thị trường tiêu thụ được ông quan tâm hàng đầu. “Cơ sở sản xuất mỗi năm 9 tấn mắm cá lưỡi trâu. Nguồn nguyên liệu đầu vào được lựa chọn rất kỹ lưỡng, chất lượng. Quy trình sản xuất tuy được làm thủ công nhưng vẫn đảm bảo an toàn thực phẩm”, ông Lập cho biết.

Cuối năm 2021, cơ sở sản xuất mắm cá lưỡi trâu của ông Lưu Thành Lập bắt đầu khôi phục sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm sau thời gian dài bị ảnh hưởng dịch COVID-19. Thị trường tiêu thụ sản phẩm được mở rộng khắp các huyện trong tỉnh, đồng thời mở rộng đại lý tại các tỉnh Tây Nam bộ và TP. Hồ Chí Minh. “Sắp tới, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang sẽ hỗ trợ xây dựng phòng trưng bày sản phẩm tại địa phương, giúp người tiêu dùng dễ dàng tham quan và lựa chọn sản phẩm. Tôi dự định cung ứng sản phẩm vào các siêu thị trên địa bàn tỉnh, nếu khả thi thì đây sẽ là cơ hội lớn để đẩy mạnh sản xuất”, ông Lập nói.

Ông Lưu Thành Lập giới thiệu sản phẩm mắm cá lưỡi trâu đến với người tiêu dùng.

Ông Lưu Thành Lập giới thiệu sản phẩm mắm cá lưỡi trâu đến với người tiêu dùng.

Việc phát triển các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu giúp các cơ sở sản xuất nâng cao uy tín, thuận lợi trong quảng bá, tiếp cận thị trường mới và thúc đẩy công nghiệp nông thôn địa phương phát triển. Công ty Trách nhiệm hữu hạn sản xuất nước mắm Thanh Quốc hiện sản xuất 9 loại sản phẩm nước mắm với dung tích và độ đạm khác nhau, đang được bán lẻ tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Úc.

Với sản lượng 1 triệu lít nước mắm/năm, giá trị của sản phẩm được nâng lên rõ rệt khi vận hành máy móc tiên tiến trong sản xuất. Bà Nguyễn Thị Tịnh cho biết: “Thời gian tới, công ty tiếp tục mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Mỹ và EU. Đồng thời, mở rộng nhà xưởng theo đúng tiêu chuẩn, áp dụng thêm công nghệ vào sản xuất, cắt giảm những chi phí không cần thiết; đẩy mạnh quảng bá sản phẩm trên các phương tiện truyền thông”.

Để có thêm nhiều sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu có chất lượng hơn nữa, thời gian tới, tỉnh ta tiếp tục quan tâm thực hiện hỗ trợ trang thiết bị, máy móc tiên tiến, dây chuyền sản xuất hiện đại cho các doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Kiên Giang sẽ tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hội chợ triển lãm, trưng bày sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bài và ảnh: THANH NHÃ

Nguồn Kiên Giang: http://baokiengiang.vn//kinh-te/phat-trien-san-pham-cong-nghiep-nong-thon-tieu-bieu-8776.html