Phát triển sản phẩm OCOP khu vực miền núi

Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, tỉnh Phú Thọ đã có 139 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh, gồm 47 sản phẩm đạt 4 sao và 92 sản phẩm 3 sao, trong đó có nhiều sản phẩm thuộc các huyện miền núi. Các sản phẩm OCOP khu vực miền núi đã mở ra cơ hội phát triển nông nghiệp địa phương, giúp người dân phát triển kinh tế theo hướng gia tăng giá trị nông sản, đồng thời quảng bá văn hóa vùng Đất Tổ.

Sản phẩm gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung được nâng hạng sản phẩm OCOP 4 sao, trở thành một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện Yên Lập.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, thời gian qua, các huyện miền núi đã chủ động xây dựng kế hoạch, nỗ lực, tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm tham gia Chương trình OCOP bằng những giải pháp cụ thể như: Định hướng tư vấn nâng cấp, hoàn thiện các sản phẩm theo hướng chuẩn hóa chất lượng; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng; hỗ trợ tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm… Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), cơ sở sản xuất khu vực miền núi đã tập trung đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, các quy định trong an toàn thực phẩm và môi trường. Trong đó, một số sản phẩm của HTX, làng nghề, nghề truyền thống như: Nếp Gà Gáy Mỹ Lung, thịt chua Thanh Sơn, chè Cẩm Mỹ, chè Long Cốc, bưởi Đoan Hùng... đều đã đạt tiêu chuẩn chứng nhận OCOP hạng 3 sao, 4 sao.

Huyện Thanh Sơn phấn đấu hết năm 2022 lũy kế có ít nhất 23 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Để đạt được mục tiêu đó, thời gian qua, huyện đã tập trung nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện chương trình, phát huy sức mạnh của các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội với thực hiện chương trình theo từng nội dung cụ thể. Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, huyện tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, các tổ chức kinh tế tham gia; khuyến khích các chủ thể OCOP tham gia hoạt động liên kết, xúc tiến thương mại tại các diễn đàn kết nối cung cầu, thực hiện kết nối trên nền tảng công nghệ số, hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản; tổ chức đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP đảm bảo chặt chẽ, khách quan, đúng quy định; tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về đánh giá, phân hạng sản phẩm và duy trì điều kiện, chất lượng sản phẩm của các chủ thể, sản phẩm OCOP.

Sản phẩm thịt chua của Công ty cổ phần và Thương mại TruongFoods đạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Chị Nguyễn Thị Cẩm Mỹ - Giám đốc HTX chè xanh Cẩm Mỹ, xã Tất Thắng, huyện Thanh Sơn chia sẻ, để phát triển thương hiệu chè xanh Cẩm Mỹ, HTX cùng với bà con xã viên mạnh dạn đưa các giống chè mới, chất lượng cao như Kim Tuyên, VN15... trồng thử nghiệm tại địa phương. Quy trình sản xuất chè xanh được thực hiện khép kín, từ chế biến đến kinh doanh theo đúng quy định, hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cùng với đó, bà con xã viên thực hiện làm cỏ bằng tay, sử dụng bón phân hữu cơ… nên sản phẩm chè xanh Cẩm Mỹ có chất lượng cao, hiện giá bán các sản phẩm chè đạt 250.000 - 600.000 đồng/kg.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Yên Lập đăng ký với tỉnh có 19 sản phẩm đạt OCOP. Ông Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp cho biết: “Năm nay, HTX dự định thu mua khoảng 100 tấn lúa của bà con nhằm cung cấp ra thị trường từ 60 đến 70 tấn gạo. Cũng từ năm 2022, HTX cùng với xã viên đưa mô hình sản xuất gạo nếp Gà Gáy hữu cơ vào thực hiện và đã cho sản phẩm với chất lượng thơm ngon hơn, dẻo hơn. Từ những năm sau, chúng tôi tiếp tục tập trung sản xuất mô hình hữu cơ này để đem đến sản phẩm chất lượng tốt nhất tới thị trường”.

Ông Hoàng Văn Cường- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Yên Lập cho biết: “Thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm, thời gian qua, huyện Yên Lập đã và đang tập trung xây dựng các sản phẩm OCOP từ đặc trưng, thế mạnh của từng địa phương; tập trung hỗ trợ xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh để phát triển sản phẩm hàng hóa gắn với chuỗi giá trị góp phần mở ra nhiều cơ hội liên kết trong xây dựng chuỗi sản xuất để phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn theo hướng bền vững. Trong đó, tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, HTX ở các địa phương chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Từ đó, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Năm 2022, huyện Yên Lập có thêm 5 sản phẩm OCOP, gồm: Đông trùng hạ thảo khô, Đông trùng hạ thảo mật ong của HTX Nông nghiệp Công nghệ cao Nguyên Phát; rượu Thảo Xuân xã Mỹ Lung; mật ong Phúc An, mật ong hoa hồng; trà hoa hồng tại xã Đồng Lạc và đặc biệt sản phẩm nếp Gà Gáy Mỹ Lung đã được nâng hạng lên 4 sao, đây là một trong những sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện.

Đến thời điểm này, đã có ngày càng nhiều sản phẩm khu vực miền núi đạt chứng nhận OCOP. Mới đây, UBND tỉnh vừa có quyết định phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng và công nhận sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh năm 2022 đợt II. Trong đó, có 37 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, gồm: 12 sản phẩm, nhóm sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 4 sao; 25 sản phẩm đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao.

Đến nay, các huyện miền núi đã và đang tích cực tuyên truyền và khuyến khích các xã, các đơn vị, cơ sở sản xuất phát triển các sản phẩm bảo đảm các tiêu chí, cũng như lợi thế về nguồn gốc, thế mạnh của địa phương. Bước đầu, chương trình OCOP khu vực miền núi đã giải quyết các vấn đề về sản xuất nông nghiệp nông thôn, như: Đẩy nhanh việc tái cơ cấu trong nông nghiệp; ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao trong sản xuất; thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến công… Từ đó, tập thể, cá nhân có thêm điều kiện để tạo ra sản phẩm OCOP cho năng suất cao, chất lượng tốt, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho lao động nông thôn, góp phần quan trọng để các địa phương thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Đến nay, bên cạnh các tiêu chí cơ bản gồm: Sản phẩm có nguồn gốc, có nhãn mác; an toàn vệ sinh thực phẩm; có sự tham gia của cộng đồng; thị trường tiêu thụ ổn định, có tiềm năng mở rộng; gia tăng giá trị kinh tế… các sản phẩm OCOP khu vực miền núi đã thể hiện được đậm nét đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trong đó chủ yếu các sản phẩm OCOP của các huyện miền núi chưa tạo thành hàng hóa tập trung; quy trình chăm sóc, thâm canh áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh chưa đồng bộ; chất lượng mẫu mã một số sản phẩm chưa đồng đều. Để khắc phục những khó khăn, xây dựng được thị trường đầu ra bền vững cho sản phẩm OCOP, cần thực hiện các giải pháp chiến lược, đồng bộ. Đối với các chủ thể, cần thay đổi tư duy sản xuất mùa vụ, chạy theo số lượng. Các ngành chức năng cần làm tốt công tác dự báo, thông tin, quy hoạch, quản lý quy hoạch trong phát triển nông sản hàng hóa, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm OCOP. Đồng thời, sớm hình thành chuỗi sản xuất chặt chẽ, mở rộng thị trường; thực hiện mối liên kết “4 nhà” theo chuỗi giá trị; phát triển đa dạng các kênh phân phối, đưa sản phẩm OCOP của khu vực miền núi vươn xa…

Ông Vũ Quốc Tuấn - Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển Nông thôn cho biết: OCOP là chương trình phát triển kinh tế quan trọng, thúc đẩy sản xuất gắn với phát triển sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn theo hướng gia tăng giá trị, góp phần nâng cao chất lượng nông thôn mới, trong đó trọng tâm của chương trình OCOP là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Thời gian tới, các cấp, các ngành sẽ phải chủ động huy động, lồng ghép các nguồn lực, bố trí kinh phí từ ngân sách địa phương, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể xây dựng, lập hồ sơ, phát triển sản phẩm đạt chuẩn OCOP theo quy định, trong đó có khu vực miền núi. Đồng thời, tập trung tuyên truyền, vận động các chủ thể chú trọng cải thiện chất lượng sản phẩm, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ để các sản phẩm OCOP của khu vực này ngày càng được nhiều người biết đến, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.

Quỳnh Anh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//nong-lam-nghiep/phat-trien-san-pham-ocop-khu-vuc-mien-nui/189589.htm