Phát triển thương mại, dịch vụ văn minh, hiện đại

Xác định thương mại, dịch vụ là yếu tố quan trọng, tác động trực tiếp tới sự phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đề ra nhiều nhiệm vụ, giải pháp để hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển đồng bộ cả về số lượng và chất lượng theo hướng chuyên nghiệp, văn minh, hiện đại.

Khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024.

Khách hàng sử dụng thanh toán không dùng tiền mặt khi mua sắm tại Hội chợ thương mại và sản phẩm OCOP Phú Thọ năm 2024.

Đổi mới để nâng cao chất lượng

Từ đầu năm đến nay, hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh có mức tăng trưởng khá, thị trường hàng hóa đa dạng, sức mua của người dân tăng, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng gia dụng... Mạng lưới phân phối hàng hóa phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu, chất lượng dịch vụ được cải thiện. Sự phát triển nhanh chóng về số lượng, quy mô hoạt động của các cửa hàng tiện ích, hệ thống cửa hàng tự chọn, siêu thị, chợ truyền thống... đã góp phần thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh.

Cùng với chú trọng xây dựng mạng lưới thương mại đồng bộ, các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng chuyên doanh đã chủ động đổi mới phương thức quản lý, cách thức bán hàng theo hướng hiện đại hóa để người dân không chỉ dừng lại ở việc mua sắm mà còn được giải trí, vui chơi, thụ hưởng các chính sách ưu đãi... đặc biệt là các chính sách ưu đãi về giá - yếu tố quan trọng để thu hút khách hàng.

Bà Lê Thị Thu Trang - Giám đốc Siêu thị Go! Việt Trì cho biết: “Khi khách hàng đến mua sắm tại siêu thị không chỉ được lựa chọn các sản phẩm hàng hóa đảm bảo chất lượng, đa dạng về chủng loại, có nhiều phân khúc giá từ bình dân tới cao cấp mà còn là dịp để các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ em được thưởng thức, tham quan nhiều sản phẩm, trang trí độc đáo theo mô hình riêng, mang đặc trưng của từng sản phẩm, vùng miền”.

Những năm gần đây, hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển theo hướng hiện đại, gia tăng tiện ích, tiết kiệm thời gian, an toàn trong mua sắm nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số. Điển hình, tại hệ thống cửa hàng Winmart, WinMart+ đã ứng dụng công nghệ số trong quản lý hàng hóa, chăm sóc khách hàng và kinh doanh. Anh Vũ Ngọc Trung - Quản lý Siêu thị Winmart thị xã Phú Thọ cho biết: “Hiện nay, hệ thống siêu thị Winmart đã ứng dụng công nghệ số để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, thanh toán không dùng tiền mặt và sử dụng App VinID để khách hàng mua sắm trực tuyến. Nhờ đẩy mạnh bán hàng, giới thiệu sản phẩm trên nền tảng số, Winmart đã tìm kiếm, mở rộng được đối tượng khách hàng, nguồn hàng được kiểm soát, đảm bảo đầy đủ, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”.

Ngoài tạo sự thuận tiện, khẳng định rõ nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, việc ứng dụng công nghệ số thông qua bán hàng trực tuyến còn là cơ hội để các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ thường xuyên cập nhật tình hình giá cả, cách thức đặt hàng, chi tiết sản phẩm, chương trình khuyến mại, giảm giá, mức ưu đãi dành riêng cho từng khách hàng...

Nhờ thực hiện các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng phục vụ, hoạt động thương mại, dịch vụ những tháng đầu năm có nhiều khởi sắc. Tính chung 5 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ và tiêu dùng của tỉnh ước đạt trên 23.000 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu bán lẻ ước đạt trên 19.000 tỷ đồng, tăng 16%; doanh thu dịch vụ và lưu trú, ăn uống ước đạt gần 2.400 tỷ đồng, tăng 11%; doanh thu dịch vụ lữ hành và dịch vụ khác ước đạt trên 1.500 tỷ đồng, tăng 2,2%... Doanh thu từ hoạt động bán lẻ chiếm trên 80% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh.

Siêu thị Winmart Việt Trì bày bán đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Siêu thị Winmart Việt Trì bày bán đa dạng các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân.

Phát triển đồng bộ, hiệu quả

Phát triển thương mại, dịch vụ không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội mà còn giải quyết việc làm cho người dân địa phương, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, do đó, định hướng phát triển thương mại, dịch vụ của tỉnh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, xác định phải phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là tập trung phát triển thị trường tại các trung tâm đô thị, mở rộng thị trường khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện kết cấu hạ tầng thương mại để củng cố, cải thiện môi trường kinh doanh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng phong phú, đa dạng của Nhân dân, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Phát triển đồng bộ, phân bố hợp lý mạng lưới chợ, hạ tầng thương mại hiện đại, hệ thống kho, cửa hàng xăng dầu trên địa bàn các huyện, thành, thị.

Mục tiêu phấn đấu trong giai đoạn 2021-2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt mức tăng trưởng bình quân 11,5-12%/năm, trong đó tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... chiếm khoảng 30-35%.

Theo đồng chí Đặng Việt Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương, để hoạt động thương mại, dịch vụ của tỉnh tiếp tục tăng trưởng, là “cầu nối” vững chắc giữa sản xuất với tiêu dùng, phát triển tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, Sở tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh triển khai lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh; nghiên cứu bố trí dự trữ các mặt hàng thiết yếu, sắp xếp mạng lưới cung ứng hàng hóa phù hợp đảm bảo cung - cầu cho người dân. Đặc biệt, Sở cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm bình ổn thị trường hàng hóa; tăng cường theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, tránh tình trạng khan hàng, tăng giá đột biến...

Theo số liệu thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 4 trung tâm thương mại, 15 siêu thị, 197 chợ truyền thống. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số hệ thống bán lẻ hoạt động theo chuỗi như: Winmart, Mediamart, Thế giới di động, Điện máy xanh... và trên 20.000 cửa hàng kinh doanh tổng hợp khác trong các khu vực dân cư.

Các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu, ban hành các chính sách hỗ trợ nhằm thu hút đầu tư phát triển thương mại, dịch vụ; tập trung hỗ trợ các nhà đầu tư trong thủ tục pháp lý, bồi thường giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, điện, nước... Khuyến khích các nhà đầu tư trong nước và quốc tế đầu tư xây dựng các loại hình kết cấu hạ tầng thương mại, dịch vụ, mở rộng quy mô vốn kinh doanh bằng các chính sách ưu đãi như: Thuế, tín dụng, đất đai...

Cùng với đó, các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực tổng hợp, phân tích thông tin thị trường, năng lực quản trị, kiến thức an toàn thực phẩm, văn minh thương mại cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh thương mại nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực phân phối, bán lẻ hàng hóa.

Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý trong hoạt động kinh doanh, đặc biệt là tiếp cận, áp dụng các phần mềm, ứng dụng trong phương thức kinh doanh thương mại điện tử trên máy tính, điện thoại di động với các tiện ích như: Truy xuất nguồn gốc, thanh toán không dùng tiền mặt... để khẳng định, nâng cao năng lực cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, hướng đến phát triển thị trường ổn định, bền vững.

Hà Nhung

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/phat-trien-thuong-mai-dich-vu-van-minh-hien-dai-213362.htm