Phát triển vùng nguyên liệu phục vụ chế biến lâm sản

Toàn tỉnh có gần 642.000 ha đất có rừng, trong đó diện tích rừng sản xuất chiếm tới 65%. Diện tích rừng trồng đến nay đạt gần 280.000 ha với các loại cây chủ yếu là keo, luồng, xoan, lát. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào để phát triển hệ thống nhà máy, cơ sở chế biến lâm sản (CBLS), tạo động lực chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tạo thêm việc làm cho người lao động, nhất là khu vực miền núi.

Diện tích trồng vầu tại xã Tam Lư (Quan Sơn).

Tiềm năng lớn là vậy, song việc xây dựng và phát triển được vùng nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp CBLS trên địa bàn tỉnh được đánh giá là chưa tương xứng. Xét về quy mô sản xuất thì đây là lĩnh vực có mức tăng trưởng thấp và chưa bền vững, lợi nhuận thấp, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác bền vững, nhất là lâm sản ngoài gỗ. Bên cạnh đó, diện tích rừng trồng nhỏ lẻ, manh mún, phân tán, rừng trồng sản xuất chủ yếu kinh doanh gỗ nhỏ cung cấp nguyên liệu băm dăm, một số nơi dân tự trồng mật độ quá dày làm cho tăng trưởng của rừng kém, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích rừng chưa cao. Trong khi đó, các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu. Điều này khiến hoạt động CBLS của tỉnh chủ yếu là xuất khẩu nguyên liệu thô, nên giá trị chưa cao.

Để xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu CBLS, ngành nông nghiệp đã và đang định hướng cho các địa phương chú trọng thực hiện các giải pháp về bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng và bảo tồn đa dạng sinh học. Tập trung phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn gắn với chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Cùng với đó, ngành nông nghiệp cũng đã tham mưu cho tỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng bền vững.

Huyện Quan Sơn có tới hơn 54.000 ha rừng luồng, vầu, nứa, nên nơi đây trở thành mảnh đất lý tưởng cho các doanh nghiệp CBLS. Để phát huy lợi thế này, huyện xác định phát triển lâm nghiệp gắn với chế biến là hướng đi bền vững. Vì vậy, địa phương đã chú trọng phát triển vùng nguyên liệu theo chiều sâu. Theo đó, huyện chỉ đạo các xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân quan tâm phục tráng, cải tạo rừng luồng và nứa, vầu. Đồng thời, xây dựng hệ thống quản lý rừng bền vững theo chứng chỉ FSC gắn với xây dựng thương hiệu các sản phẩm lâm nghiệp để khai thác có hiệu quả cao hơn. Huyện cũng chỉ đạo các xã tuyên truyền nâng cao nhận thức thúc đẩy hình thành mô hình quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC, phát triển và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị giữa người trồng rừng và doanh nghiệp chế biến. Cùng với đó, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư đối với các cơ sở sản xuất CBLS quy mô lớn, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Đến nay, Quan Sơn đã phục tráng 2.226 ha, thâm canh được 2.000 ha rừng luồng và các cây họ tre; xây dựng hơn 3.000 ha rừng vầu, luồng, nứa được cấp chứng chỉ FSC, đủ điều kiện xuất khẩu, mở ra cơ hội tiêu thụ với sản lượng lớn và nâng cao giá trị kinh tế cho vùng nguyên liệu. Hiện nay, mỗi năm diện tích rừng luồng cho khai thác trên 8,3 triệu cây. Đây là điều kiện giúp huyện Quan Sơn thu hút 70 doanh nghiệp, cơ sở CBLS vào hoạt động. Các cơ sở này tập trung chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến các sản phẩm từ luồng, vầu, tạo việc làm cho gần 1.800 lao động, với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/người/tháng.

Với 14 doanh nghiệp và hơn 100 cơ sở CBLS nhỏ, lẻ đang đóng chân và hoạt động trên địa bàn, nên CBLS được xem là hoạt động kinh tế mũi nhọn trong phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của huyện Như Xuân. Để CBLS phát triển bền vững, nhiều năm qua Như Xuân luôn tập trung thực hiện các giải pháp phát triển vùng nguyên liệu. Cùng với việc bảo vệ, phát triển diện tích rừng, huyện đã chuyển đổi dần từ trồng rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Đáng chú ý, huyện đã xây dựng và triển khai thực hiện đề án trồng rừng gỗ lớn giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030. Mục tiêu mỗi năm trồng mới 1.000 ha rừng, trong đó có trên 50 ha rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng gỗ nhỏ thành rừng gỗ lớn bình quân đạt 100 ha, phấn đấu đến năm 2025 có 1.600 ha rừng gỗ lớn. Hiện trong số 15.000 ha rừng trồng trên địa bàn huyện Như Xuân đã có hơn 1.000 ha rừng gỗ lớn.

Việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu phục vụ CBLS đã và đang thúc đẩy việc thu hút doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh vào ngành CBLS. Hiện toàn tỉnh có gần 200 doanh nghiệp và hơn 6.000 cơ sở CBLS đang hoạt động. Việc tỉnh quan tâm, chú trọng phát triển nguồn nguyên liệu cũng đã và đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp CBLS mạnh dạn đầu tư theo hướng chế biến sâu, góp phần nâng cao giá trị và phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp.

Bài và ảnh: Hương Thơm

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/phat-trien-vung-nguyen-lieu-phuc-vu-che-bien-lam-san/183727.htm