Phạt tù cán bộ ngân hàng tiếp tay cho đối tượng lừa đảo
Chiều 16/6, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã mở phiên tòa và tuyên án phạt hai bị cáo: Nguyễn Thị Trà Lý (sinh năm 1965, nguyên cán bộ ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi nhánh Phú Xuyên, Phòng Giao dịch Phú Minh) 11 năm tù, Lê Văn Mạnh (sinh năm 1973, trú tại xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) 7 năm tù về tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản' theo quy định tại Điều 174 – Bộ luật Hình sự năm 2015.
Theo cáo trạng, tháng 7/2018, ông Lê Văn M. (sinh năm 1963, trú ở huyện Phú Xuyên, Hà Nội) làm đơn tố cáo em họ ông là Lê Văn Mạnh dùng Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông để thế chấp ngân hàng.
Quá trình điều tra đã xác định, trong thời gian từ 1/2007 - 9/2009, bị cáo Lý (là cán bộ tín dụng của chi nhánh ngân hàng Agribank Phú Xuyên, Phòng Giao dịch Phú Minh) đã cùng Mạnh tạo lập hồ sơ để vay vốn dưới hình thức có tài sản bảo đảm của bên thứ ba, nhằm cho Mạnh vay rồi chiếm đoạt tiền của ngân hàng nơi bị cáo Lý làm việc.
Cụ thể, vào tháng 1/2007, do có nhu cầu vay vốn để làm ăn, Mạnh gặp ông M. mượn sổ đỏ của gia đình ông M., nói là làm tin để vay tiền của người khác, không thế chấp để vay vốn tại các tổ chức tín dụng. Ông M. đồng ý và giao cho Mạnh sổ đỏ. Có được sổ đỏ trong tay, Mạnh đến ngân hàng Agribank chi nhánh Phú Xuyên, Phòng Giao dịch Phú Minh, gặp bị cáo Lý và nhờ làm thủ tục vay 90 triệu đồng. Bị cáo Lý tiếp nhận thông tin và sổ đỏ đứng tên ông M. rồi lập giấy đề nghị vay vốn, phương án sản xuất kinh doanh, đơn yêu cầu đăng ký bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất ngày 12/1/2007... theo biểu mẫu quy định của ngân hàng rồi giao cho Mạnh ký. Mạnh ký giả mạo chữ ký ông M. (ở bên bảo lãnh trong đơn yêu cầu đăng ký bảo lãnh và hợp đồng bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất) rồi đưa cho vợ ký vào mục bên được bảo lãnh và giao lại cho bị cáo Lý.
Bị cáo Lý không đến gặp ông M. để kiểm tra xem ông có đồng ý đưa sổ đỏ của mình bảo lãnh khoản vay cho Mạnh hay không, cũng không thẩm định tài sản thế chấp là nhà đất để xin xác nhận hồ sơ vay của Mạnh. Thậm chí, bị cáo Lý còn nhờ người khác ký giả chữ ký của vợ ông M. ở bên bảo lãnh rồi gặp Chủ tịch UBND xã xin xác nhận.
Hoàn thành hồ sơ khống xong, bị cáo Lý trình cấp trên phê duyệt hồ sơ vay vốn và ký hợp đồng tín dụng.
Sau khi được giải ngân 90 triệu đồng, Mạnh tiếp tục vay ngân hàng thêm hai lần nữa là vay 100 triệu đồng và vay 500 triệu đồng. Mạnh dùng tiền vay lần sau để trả nợ gốc và lãi của khoản vay trước.
Theo cáo trạng, toàn bộ ba khoản vay trên dù có hành vi gian dối về mặt thủ tục nhưng đều đã tất toán nên không gây thiệt hại cho ngân hàng.
Sau những lần trót lọt trên, tháng 9/2009, hai bị cáo Lý và Mạnh tiếp tục lập hồ sơ để Mạnh vay 500 triệu đồng của Phòng Giao dịch Phú Minh, thuộc chi nhánh Phú Xuyên của Agribank. Bị cáo Lý đã tạo dựng hợp đồng bảo lãnh, hợp đồng thế chấp gian dối.
Biết khoản vay không có bảo đảm theo quy định, nhưng cán bộ ngân hàng này vẫn hoàn thiện thành hồ sơ có tài sản bảo đảm về mặt hình thức để làm căn cứ cấp tín dụng cho Lê Văn Mạnh vay 500 triệu đồng theo hợp đồng tín dụng ngày 15/9/2009.
Lần này, đến hạn Mạnh không thực hiện nghĩa vụ trả nợ mà chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên của Agribank.
Đến ngày 18/4/2019, phía ngân hàng có công văn yêu cầu Mạnh thanh toán số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, gồm cả tiền gốc và lãi. Ngân hàng cũng đề nghị cơ quan điều tra làm rõ hành vi vi phạm của Mạnh và cá nhân liên quan.
Theo lời khai của ông M. và vợ, cả hai không hề ký bất cứ văn bản nào đồng ý cho Mạnh thế chấp sổ đỏ mang tên ông M. để vay tiền ngân hàng.