Phía sau những án tử...

Từ năm 2018 đến nay, Hà Tĩnh có tất cả 10 tội phạm ma túy lĩnh án tử hình, nhiều hơn số bị cáo phải chịu mức án tử hình từ năm 1991 (khi chia tỉnh) đến năm 2017.

Chỉ tính riêng trong tháng 5/2020, tại TAND tỉnh Hà Tĩnh, đã có 4 bị cáo phải nghe thẩm phán - chủ tọa phiên tòa ra phán quyết cuối cùng: “Loại bỏ vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội!”.

"Sáng 11/5, TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phiên xét xử, tuyên phạt mức án tử hình về hành vi “vận chuyển trái phép chất ma túy” đối với 2 bị cáo người dân tộc Mông là Hạng A Chinh (áo xanh, SN 1996, trú tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa) và Giàng Seo Chỉnh (áo đen, SN 1994, trú tại huyện Bảo Yên, Lào Cai).

"Sáng 11/5, TAND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phiên xét xử, tuyên phạt mức án tử hình về hành vi “vận chuyển trái phép chất ma túy” đối với 2 bị cáo người dân tộc Mông là Hạng A Chinh (áo xanh, SN 1996, trú tại huyện Mường Lát, Thanh Hóa) và Giàng Seo Chỉnh (áo đen, SN 1994, trú tại huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Án tử: Tuyệt đối không được phép sai sót

Tháng 7/2018, lực lượng phòng chống ma túy Hà Tĩnh đã triệt phá thành công Chuyên án 478LV, bắt vụ vận chuyển ma túy qua Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo lớn nhất từ trước đến nay. Cơ quan chức năng phát hiện trong 2 va li hành lý của Kẹo Vi Sệt Chin Đa (tên thường gọi Nơ Bi Hờ, SN 1982, trú huyện Thà Khẹc, tỉnh Khăm Muộn, Lào) chứa 25 kg ma túy tổng hợp dạng đá và 52 bánh heroin.

Qua đấu tranh ban đầu, Chin Đa thừa nhận vận chuyển thuê số ma túy cho một đối tượng từ Thà Khẹc về Hà Tĩnh.

Trong phần tranh tụng, kiểm sát viên Nguyễn Văn Thọ đề nghị mức án tử hình đối với các bị cáo phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán khối lượng ma túy lớn.

Trong phần tranh tụng, kiểm sát viên Nguyễn Văn Thọ đề nghị mức án tử hình đối với các bị cáo phạm tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán khối lượng ma túy lớn.

Phó trưởng phòng 1 (VKSND tỉnh) Nguyễn Văn Thọ nhớ lại, phiên tòa xử Kẹo Vi Sệt Chin Đa chỉ có duy nhất 1 người đến dự, đó là mẹ bị cáo. Bà là người dân tộc thiểu số, dân trí thấp và không biết tiếng Việt.

“Mặc dù pháp luật quy định rất rõ, tội vận chuyển, mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy từ 600g trở lên là nhận án tử hình, nhưng chứng kiến người mẹ với ánh mắt vô thức, cô độc trên hàng ghế dự khán, lạ lẫm với mọi thứ trong hội trường xét xử khiến tôi không khỏi ám ảnh. Đó là cảm giác vô cùng khó tả! Tôi rít một hơi thật sâu, tự trấn tĩnh để tiếp tục làm việc...”, kiểm sát viên Thọ day dứt.

Phiên xử kết thúc, mẹ Kẹo Vi Sệt Chin Đa đã chủ động tìm gặp kiểm sát viên Nguyễn Văn Thọ. Thương cảm trước hoàn cảnh éo le của người mẹ, kiểm sát viên đã hỗ trợ tiền ăn trưa và nhờ người liên hệ tàu xe, đưa bà trở về quê nhà.

Trước khi đề nghị mức án là cả quá trình dài kiểm sát viên Thọ dày công nghiên cứu tài liệu, chứng cứ

Trước khi đề nghị mức án là cả quá trình dài kiểm sát viên Thọ dày công nghiên cứu tài liệu, chứng cứ

“Tôi phải tự trấn an, trách nhiệm của mình là giúp pháp luật được thực thi. Để đưa ra lời đề nghị mức án, đó là quá trình nghiên cứu rất kỹ lưỡng, chi tiết các tình tiết của vụ án. Chỉ khi nghĩ đến hệ lụy to lớn của ma túy đối với đời sống xã hội, chứng kiến các đối tượng gây án vì ngáo đá, không làm chủ được bản thân, tôi mới cảm thấy nhẹ lòng hơn...”, anh Thọ chia sẻ.

Dù biết với khối lượng ma túy quá lớn, các bị cáo chỉ có duy nhất một con đường chết, nhưng quá trình tìm hiểu hồ sơ, kiểm sát viên luôn cố gắng tìm ra chứng cứ gỡ tội, nghiêng về phía có lợi cho người bị đưa ra xét xử. Chỉ khi đã xem xét một cách thấu đáo và đầy đủ các tình tiết từ nhỏ đến lớn trong vụ án, kiểm sát viên mới có thể yên tâm với quyết định của mình.

Thấu hiểu và chia sẻ công việc, tòa án cũng cố gắng sắp xếp lịch xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng cách xa nhau để tránh áp lực triền miên cho HĐXX và kiểm sát viên.

Có thể nói, chủ tọa là người đưa ra quyết định cuối cùng dựa trên lời đề nghị của kiểm sát viên sau quá trình tranh tụng, tuy nhiên việc “mở đường” cho HĐXX là áp lực vô cùng nặng nề đối với người thực hành quyền công tố tại phiên tòa.

Trăn trở sau những bản án

HĐXX tuyên án tử hình với bị cáo Hoàng Ngọc Tân (SN 1991, trú thôn Cây Chanh, xã Sơn Tây, Hương Sơn) về hành vi mua bán 6 bánh heroin

HĐXX tuyên án tử hình với bị cáo Hoàng Ngọc Tân (SN 1991, trú thôn Cây Chanh, xã Sơn Tây, Hương Sơn) về hành vi mua bán 6 bánh heroin

Phiên xử Bria Cher Vangchuayang (SN 1994, trú tại Bôlykhămxây, Lào) do VKSND tối cao ủy quyền cho VKSND Hà Tĩnh thực hành quyền công tố và đưa vụ án ra xét xử tại TAND tỉnh Hà Tĩnh vào sáng 22/5 để lại rất nhiều điều cho những người có mặt.

Bria Cher vô cùng thông minh. Trước HĐXX và kiểm sát viên, bị cáo liên tục tự xoay chuyển, đưa ra các chứng cứ nhằm gỡ tội cho mình. Bria Cher là người dân tộc Mông, con trai cả trong gia đình nông nghiệp thuần túy tại bản Vàng Ban (tỉnh Bôlykhămxây). Trước khi phạm tội, Bria Cher là sinh viên Khoa Quản lý giáo dục hệ sau đại học thuộc Đại học Quốc gia Lào; nói tiếng Anh như tiếng mẹ đẻ.

Có học thức, năng lực, những tưởng con đường tương lai của Cher sẽ rộng mở trước mắt. Vậy nhưng, gần 73 triệu đồng hứa hẹn từ người nhờ vận chuyển ma túy đã khiến Cher đánh mất tất cả...

Với khối lượng ma túy lên đến 278,538 kg Methamphetamine, án tử là kết cục duy nhất dành cho Bria Cher.

Nguyễn Văn Đồng (SN 1982, trú tổ dân phố 4, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh) bị TAND TP. Hà Tĩnh tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy vào ngày 19/5.

Nguyễn Văn Đồng (SN 1982, trú tổ dân phố 4, phường Trần Phú, TP. Hà Tĩnh) bị TAND TP. Hà Tĩnh tuyên phạt 12 tháng tù giam về tội tàng trữ trái phép chất ma túy vào ngày 19/5.

Vụ án Bria Cher cho thấy, thực trạng đáng buồn là tội phạm ma túy đang ngày một trẻ hóa, nhiều bị cáo tuổi đời chưa quá 30, là trụ cột chính. Sự sa ngã của các bị cáo này kéo theo vô vàn hệ lụy to lớn đối với gia đình, xã hội.

Từ đây đặt ra trách nhiệm của gia đình trong việc quan tâm, giáo dục, định hướng con em tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, tránh dễ bị lôi kéo, rủ rê, ham vui dẫn tới sa ngã vào con đường ma túy. Cùng với đó, giáo dục con em hiểu sâu sắc tác hại do ma túy gây ra; đồng thời, tăng cường phối hợp với nhà trường, tổ chức đoàn thể có những biện pháp quản lý hợp lý.

Điều trăn trở nhất là các bị cáo phải nhận mức án tử chỉ là tay chân của các đầu nậu buôn ma túy xuyên quốc gia. Việc “chặt đứt” chân rết của chúng chỉ có thể giải quyết được phần ngọn, chưa xử lý dứt điểm phần gốc của vấn đề. Đa phần trong số họ là người dân tộc thiểu số, hoàn cảnh khó khăn, nhận thức pháp luật thấp, dễ bị mua chuộc...

Dương Vinh

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/phap-luat-doi-song/phia-sau-nhung-an-tu/192930.htm