Phiên chợ cuối năm

Dưới làn mưa bụi lây phây, không khí chuẩn bị đón Xuân đang đến gần. Khắp các phố xá, khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, các quầy hàng, cửa hiệu đều trang hoàng rực rỡ, mở rộng cửa phục vụ người dân đi mua sắm.

Trước đây, vào thời bao cấp, cuộc sống bộn bề khó khăn, hàng hóa khan hiếm, cho nên mỗi gia đình công nhân, viên chức được cấp phát chế độ tem phiếu hưởng tiêu chuẩn mua gói hàng Tết đơn sơ. Thông thường, gói hàng Tết gồm những thứ thiết yếu như: hộp mứt, cân đường kính, gói mì chính, chai rượu... Hộp mứt ngày ấy được bọc bìa giấy mộc mạc in hình cành đào. Rượu mơ, rượu chanh đóng trong chai thủy tinh đã là quý lắm rồi. Ở các công ty, cơ quan, đơn vị, mọi người thường tụ tập gói bánh chưng, chia quà Tết. Tại nhiều làng quê, người dân các xóm chung nhau mổ lợn, trâu, bò, đánh bắt cá rất rôm rả.

Chợ phiên cuối năm luôn là niềm háo hức, mong đợi của cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Từ ngày rằm tháng Chạp trở đi, chợ bắt đầu đông vui, náo nhiệt. Hàng hóa phần lớn mang tính chất “tự cung, tự cấp”, từng cá nhân mang sản vật đến trao đổi, mua bán, từ bức hoành phi, câu đối viết hoặc dán trên giấy mầu, hoa giả, các loại bánh, mứt, kẹo tự làm, đến các loại hoa quả: bưởi, bòng, phật thủ, thực phẩm, rau, dưa. Không ít gia đình chuẩn bị từ trước đó vài tuần, thậm chí vài tháng để có thể góp mặt trong những phiên chợ rộn ràng. Mấy mươi năm trước, ngoài hoa đào, quất cảnh truyền thống, các nhà vườn tập trung trồng một số loại hoa thân thuộc như thược dược, vi-ô-lét, lay-ơn, đồng tiền... Sau đó, mấy thứ hoa này không còn được mến mộ nhiều, nhưng gần đây, trào lưu tìm về không khí Tết xưa lại quay trở lại. Hoa thược dược, vi-ô-lét, lay-ơn lại được nhiều người ưa chuộng. Các gia đình còn “vỗ béo” cho đàn gà, lợn để có thể xuất chuồng đúng dịp cuối năm. Nhà tôi ngày đó, năm nào bố mẹ cũng phân công mấy anh em thay nhau chăm sóc đàn gà, hôm mẹ gánh đôi lồng gà ra chợ Tết, chúng tôi nhìn theo không khỏi bùi ngùi.

Chợ những ngày cuối năm thường họp sớm và nghỉ muộn hơn thông lệ. Nhớ lại, có lần, tranh thủ tuần lễ các con được nghỉ học trước Tết, mẹ dắt chị em tôi đến “xí chỗ” ở chợ từ sáng tinh mơ, khi trời buốt giá. Chị em tôi hì hụi đóng cọc tre, treo lên đó những cành táo ta trĩu quả để bán cho các gia đình mang về treo trong nhà lấy may. Một buổi chợ, tôi chạy đi, chạy về vài ba lượt lấy thêm hàng cho mẹ và chị bán. Ngoài táo, nhà tôi còn bán su hào, hành củ và cả cây mùi già để mọi người mua về đun nước tắm tất niên.

Giờ đây, đời sống người dân đều được cải thiện, cho nên các gia đình không còn quá lo lắng tích cóp tiền sắm Tết như xưa. Bước chân vào bất kể cửa hàng mặt phố, khu chợ, trung tâm thương mại hay hội chợ lớn nhỏ, trong thời gian ngắn, người ta có thể sắm đủ chủng loại hàng hóa dồi dào. Thậm chí, nếu quá bận bịu thì giao dịch qua mạng, nhân viên giao hàng tận nơi. Tuy nhiên, hòa vào dòng người hồ hởi đi sắm Tết vẫn luôn mang lại niềm hân hoan khó tả. Không đơn thuần là việc trao đổi hàng hóa lạnh lùng, những phiên chợ nhộn nhịp, lấp lánh đủ sắc mầu tạo không gian kết nối cộng đồng gần gũi, thân thiện. Bởi vậy, một số doanh nghiệp, đơn vị còn có sáng kiến tổ chức những phiên chợ ấm áp tình người dành cho công nhân lao động, hoặc cho những người kém may mắn để ai ai cũng có thể được hưởng niềm vui rộn ràng, háo hức chào đón mùa xuân mới.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/42793102-phien-cho-cuoi-nam.html