Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam

Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc-xin...

Tối 24-8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã tới sân bay Nội Bài (Hà Nội), bắt đầu chuyến thăm Việt Nam từ ngày 24 đến 26-8 theo lời mời của Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân.

Dự kiến trong chuyến thăm, Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ có các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Thông báo của Nhà Trắng cho biết trong các cuộc gặp với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam, bà Harris có khả năng sẽ đề cập những khoản viện trợ về y tế mà Washington có thể dành cho Việt Nam.

Một sự kiện đáng chú ý là ngày 25-8, bà Kamala Harris sẽ khai trương Văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Nam

Văn phòng này sẽ tăng cường năng lực của CDC nhằm đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ người dân Mỹ và người dân trong khu vực thông qua việc ứng phó với các mối đe dọa y tế một cách nhanh chóng hơn, đồng thời xây dựng các kết nối quan trọng nhằm giải quyết những ưu tiên chung về y tế. Ưu tiên ban đầu là điều phối các hoạt động liên quan đến Covid-19 trong khu vực.

Phó Tổng thống Kamala Harris đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) tối 24-8. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Kamala Harris đến sân bay Nội Bài (Hà Nội) tối 24-8. Ảnh: REUTERS

Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ trong giai đoạn 2014-2018, đánh giá việc Mỹ đặt Văn phòng CDC khu vực Đông Nam Á tại Việt Nam thể hiện sự cam kết lâu dài của nước Mỹ đối với khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực y tế.

Việc chọn Việt Nam để đặt văn phòng chứng tỏ quan hệ Việt Nam - Mỹ có độ tin cậy và hợp tác. Mặt khác, điều này cũng cho thấy Việt Nam có đủ năng lực y tế và có tính chất biểu tượng để đặt CDC khu vực. Việc này sẽ không chỉ kết nối được CDC Mỹ với khu vực Đông Nam Á, với Việt Nam mà còn kết nối những nghiên cứu hợp tác, hỗ trợ nhau phòng chống dịch giữa Việt Nam, Mỹ và toàn khu vực Đông Nam Á trong tương lai.

"Tôi hy vọng rằng văn phòng này sẽ nhanh chóng phát huy tác dụng trong việc hợp tác phòng chống Covid-19 trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, khi Đông Nam Á đang là tâm dịch. Đây sẽ là hoạt động có ý nghĩa thiết thực ngay, phù hợp với tính cấp bách của việc chống dịch Covid-19" - ông Phạm Quang Vinh chia sẻ.

Theo Bộ Ngoại giao, hợp tác y tế là điểm sáng của quan hệ hai nước từ năm 2020 đến nay. Hai bên thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực y tế và ứng phó với dịch Covid-19, đặc biệt trong việc hỗ trợ lẫn nhau về trang thiết bị y tế, tiếp cận vắc-xin, chia sẻ kinh nghiệm trong phòng chống dịch bệnh và bảo hộ công dân. Mỹ tuyên bố hỗ trợ Việt Nam 20,9 triệu USD để phòng chống dịch Covid-19. Việt Nam đã nhận từ Mỹ 5 triệu liều vắc-xin Moderna thông qua cơ chế COVAX (đứng thứ 3 Đông Nam Á), hơn 4 triệu liều vắc-xin Pfizer.

Đại sứ Phạm Quang Vinh cho rằng trong chuyến thăm lần này, vắc-xin sẽ là nội dung quan trọng trong trao đổi giữa hai bên và tin rằng Mỹ đã và sẽ tiếp tục cam kết giúp thêm cho Việt Nam. Bên cạnh việc cung cấp trang thiết bị y tế, phân phối vắc-xin, thì chuyển giao công nghệ vắc-xin, kết nối để Việt Nam thành mắt xích trong chuỗi cung ứng và phân phối của vắc-xin và các thiết bị y tế là một nội dung cần quan tâm.

Trước mắt, chuyển giao công nghệ để Việt Nam sản xuất, có thể tự cường vắc-xin. Về lâu dài đưa Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vắc-xin trong khu vực. "Điều này cũng phù hợp với chính sách của Mỹ và của khung ASEAN về tự cường vắc-xin. Vừa giải quyết nhu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện tại, vừa đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng y tế, kinh tế, nâng cao vị thế chính trị của Việt Nam" - đại sứ kỳ vọng.

Washington coi trọng Đông Nam Á

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris hôm 24-8 chỉ trích hành vi ngang ngược của Trung Quốc trên biển Đông trong bài phát biểu về tầm nhìn, cam kết của chính quyền Tổng thống Joe Biden về khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương "tự do và rộng mở". "Bắc Kinh tiếp tục cưỡng ép, hăm dọa và tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn biển Đông. Những tuyên bố phi pháp này đã bị phán quyết của Tòa Trọng tài năm 2016 bác bỏ. Những hành động của Bắc Kinh tiếp tục hủy hoại trật tự dựa trên luật pháp và đe dọa chủ quyền của các nước" - Phó Tổng thống Harris nhấn mạnh khi đang ở thăm Singapore, đồng thời khẳng định Washington đứng về phía các đồng minh và đối tác trước những mối đe dọa này.

Bà Harris cũng nhận định khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có vai trò "đặc biệt quan trọng" đối với an ninh, thịnh vượng Mỹ và Washington tiếp tục thúc đẩy lợi ích tại đó. Theo đài CNBC, Phó Tổng thống Mỹ còn tìm cách trấn an các nước ở châu Á rằng họ sẽ không phải lựa chọn giữa Washington và Bắc Kinh.

Đáng chú ý, bà Harris nêu bật tầm quan trọng của Đông Nam Á đối với quốc phòng và kinh tế Mỹ khi cho biết khu vực này là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư của nền kinh tế hàng đầu thế giới. Sau bài phát biểu, Phó Tổng thống Mỹ đã thảo luận với giới lãnh đạo doanh nghiệp Singapore về các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng.

Cao Lực

Dương Ngọc

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/pho-tong-thong-my-kamala-harris-tham-viet-nam-20210824214337917.htm