Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan thảo luận tại nghị trường Quốc hội

BHG - Ngày 4.11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về đánh kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT – XH năm 2025. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Phó Trưởng đoàn ĐBQH Hà Giang Lý Thị Lan phát biểu thảo luận. Ảnh: CTV

Phát biểu thảo luận tại phiên họp, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH khóa XIV đơn vị tỉnh Hà Giang Lý Thị Lan thông tin, trước Kỳ họp thứ 8, qua các cuộc tiếp xúc cử tri có thể thấy một bầu không khí phấn khởi, toàn hệ thống chính trị đang có sự chuyển mình mạnh mẽ, tinh thần vượt lên chính mình, đáp ứng vào kỳ vọng và tầm nhìn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước bước vào kỷ nguyên mới. Tham gia ý kiến vàokết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT – XH năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KT - XH năm 2025, Phó Trưởng đoàn Lý Thị Lan nêu 3 nội dung:

Thứ nhất, đại biểu đề nghị làm rõ hơn về lĩnh vực tiên phong chiến lược toàn diện để kịp thời triển khai những chuyển động mới của đất nước. Đại biểu cho biết, năm 2024, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục là điểm sáng, các hoạt động đối ngoại cấp cao diễn ra sôi động, cục diện đối ngoại không ngừng được mở rộng, nâng cao vị thế, uy tín của đất nước. Việc triển khai đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế gắn với phát huy các động lực tăng trưởng của nền kinh tế; triển khai các thỏa thuận hợp tác song phương, đa phương cụ thể hóa các khuôn khổ đã được nâng cấp, góp phần thực hiện các mục tiêu phục hồi tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế và phát triển bền vững của đất nước...

Để tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, nắm bắt thời kỳ lịch sử với quan điểm chỉ đạo đối ngoại là trọng yếu và thường xuyên, phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp trong toàn hệ thống chính trị nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đảng là hết sức cấp bách. Đại biểu kiến nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện quy chế thống nhất quản lý và triển khai các hoạt động đối ngoại, phát huy cao nhất mối quan hệ giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; phối hợp hiệu quả giữa các trụ cột và các lĩnh vực đối ngoại; Nâng cao hiệu quả và chiều sâu trong các lĩnh vực ngoại giao, kinh tế và văn hóa đối ngoại theo hướng hoạt động đối ngoại hỗ trợ bộ, ngành, địa phương khơi dậy động lực phát triển kinh tế, nắm bắt cơ hội. Hoạt động đối ngoại phải thực sự mang bản sắc dân tộc và thời đại, phát huy sức mạnh mềm để nâng cao uy tín, vị thế quốc gia trên trường quốc tế.

Thêm vào đó, cần quan tâm tăng cường nguồn lực cho đối ngoại để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới như đào tạo nguồn nhân lực, nhất là năng lực khoa học công nghệ và trình độ ngoại ngữ của đội ngũ cán bộ làm công tác đối ngoại. Đảm bảo ngân sách cho hoạt động của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và chế độ chính sách cho cán bộ ngoại giao lên mức ngang với các nước ở trong khu vực có thu nhập tương đương.

Thứ hai,đại biểu cho biếtthời gian gần đây, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, tình trạng sạt lở đất tại khu vực vùng núi phía Bắc ở mức báo động. Mặc dù công tác phòng, chống, ứng phó trước, trong và sau bão đã được Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, người dân chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng những thiệt hại do cơn bão gây ra vẫn hết sức nặng nề. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Quyết định 1262 năm 2023 phê duyệt đề án cảnh báo sớm sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam, thời gian tiến hành từ 2025 đến 2030 với nguồn ngân sách chủ yếu từ Bộ, ngành và các địa phương trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét. Tuy nhiên, với tình hình diễn biến phức tạp về nguy cơ sạt lở hiện nay, để đảm bảo hiệu quả, đồng bộ trong hệ thống cảnh báo lũ quét và sạt lở đất tại Việt Nam, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phải có một chiến lược rõ ràng và đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và đầu tư nguồn lực thỏa đáng để hoàn thiện hệ thống bản đồ cảnh báo quốc gia chung trên cả nước. Trong đó, trước mắt, cần thường xuyên cập nhật bản đồ hiện trạng và điều chỉnh bản đồ phân vùng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá tỷ lệ 1/50.000; chuyển giao kết quả trước mùa mưa bão hàng năm cho các địa phương để các địa phương có căn cứ xây dựng phương án di dời, sắp xếp dân cư, đồng thời phục vụ công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng; tăng cường công tác điều tra, khảo sát chi tiết tỷ lệ 1/10.000 những xã, thôn, bản có nguy cơ trượt lở, lũ quét cao, lắp đặt các thiết bị quan trắc để cảnh báo sớm nguy cơ trượt lở, lũ quét.

Thứ ba, đại biểu cho biết tại tỉnh Hà Giang, thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần, là điểm mới hình thành sau chiến tranh biên giới phía Bắc nên chưa được điều tra, khảo sát kỹ, hiện ở vị trí cheo leo, hiểm trở, diễn biến trượt lở đất rất phức tạp với nhiều khối trượt và vị trí trượt; các điểm trượt lở hầu hết vẫn đang hoạt động mạnh, nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản của nhân dân. Vì vậy cử tri tỉnh Hà Giang tha thiết đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sớm hỗ trợ tỉnh Hà Giang trong việc xây dựng đề án đánh giá nguy cơ sạt lở và di dời thị trấn Cốc Pài, huyện Xín Mần và nguồn lực đảm bảo để có thể chuyển đến vị trí khu tái định cư mới để người dân ổn định cuộc sống và yên tâm lao động sản xuất.

Duy Tuấn (tổng hợp)

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202411/pho-truong-doan-chuyen-trach-doan-dbqh-ha-giang-ly-thi-lan-thao-luan-tai-nghi-truong-quoc-hoi-1753868/