Phòng ngừa dịch bệnh trên thủy sản nuôi khi mùa mưa đến

Người dân thu hoạch tôm nuôi ở vùng hạ lưu sông Bàn Thạch (TX Đông Hòa). Ảnh: ANH NGỌC

Hiện đang bước vào mùa mưa, thời tiết bất lợi, môi trường nước tại các vùng nuôi trồng thủy sản có khả năng xấu hơn. Để chủ động ứng phó, Sở NN-PTNT đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc phối hợp với các địa phương chủ động kiểm tra, hướng dẫn người nuôi thủy sản tăng cường các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh trên thủy sản nuôi và có giải pháp ổn định vùng nuôi.

Thời tiết tiếp tục bất lợi

Theo Sở NN-PTNT, các loại dịch bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp thường xảy ra. Nguyên nhân do môi trường nuôi ngày càng ô nhiễm, hầu hết hệ thống cấp thoát nước chưa riêng biệt, sử dụng nước cấp trực tiếp từ bên ngoài vào ao nên không kiểm soát được mầm bệnh. Ngoài ra, thời tiết không thuận lợi cũng ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường nuôi và sức đề kháng của tôm nuôi. Người nuôi chưa tuân thủ các biện pháp kỹ thuật, khuyến cáo, hướng dẫn của ngành chức năng…

Từ đầu năm đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Phúc ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) đã thả nuôi 2 vụ tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 2ha tại vùng nuôi hạ lưu sông Bàn Thạch. Mặc dù tôm nuôi không bị bệnh nhưng chậm lớn, năng suất thấp; trừ các khoản chi phí thì cả hai vụ nuôi lãi gần 30 triệu đồng. “Gia đình dự định thả nuôi vụ 3, nhưng còn lưỡng lự vì mùa mưa đang đến, môi trường nước vùng nuôi cũng không đảm bảo…”, ông Phúc nói.

Theo Phòng Kinh tế TX Đông Hòa, vùng nuôi tôm nước lợ của thị xã tập trung chủ yếu ở khu vực hạ lưu sông Bàn Thạch với diện tích khoảng 920ha, trong đó khoảng 110ha được nuôi theo phương thức thâm canh, diện tích còn lại nuôi theo phương thức bán thâm canh. Tính đến đầu tháng 9/2021, diện tích thả nuôi tôm trên địa bàn khoảng 900ha, đến nay đã thu hoạch khoảng 800ha, với tổng sản lượng khoảng 3.200 tấn, năng suất bình quân gần 4 tấn/ha.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT, từ đầu năm đến nay, người dân trên địa bàn tỉnh đã thả nuôi khoảng 2.450ha thủy sản các loại, trong đó nuôi tôm hơn 1.960ha, cá các loại 230ha, thủy sản khác khoảng 260ha. Ông Nguyễn Văn Lâm, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y (Sở NN-PTNT), cho biết: Từ đầu năm đến nay, các vùng nuôi tôm nước lợ trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định, tình hình bệnh trên tôm nuôi chỉ xảy ra rải rác trong quá trình nuôi. Cụ thể, tổng diện tích tôm nuôi bị bệnh đến nay hơn 60,5ha (chiếm 3% so với diện tích thả nuôi, giảm 46% so với cùng kỳ năm 2020); trong đó có hơn 40ha tôm nuôi bị bệnh hoại tử gan tụy cấp, số diện tích còn lại tôm nuôi bị bệnh đốm trắng. Tỉnh đã hỗ trợ thuốc sát trùng Sodium Chlorite 20% cho các địa phương để tổ chức tiêu độc, khử trùng môi trường vùng nuôi và xử lý, khống chế các ổ dịch, ngăn ngừa lây lan. Chi cục Chăn nuôi và thú y đang phối hợp với các địa phương tiếp tục triển khai công tác phòng chống dịch bệnh trên thủy sản nuôi.

Tăng cường quản lý vùng nuôi

Theo UBND TX Đông Hòa, tình hình nuôi tôm nước lợ trên địa bàn thị xã thời gian qua gặp không ít khó khăn, đa số các vùng nuôi chưa được đầu tư bài bản, hiện nay người dân chủ yếu nuôi theo kiểu truyền thống, bán thâm canh nên năng suất không cao. Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Hòa, cho biết: Mặc dù các vùng nuôi chưa được đầu tư bài bản nhưng hàng năm thị xã cũng dành một số kinh phí, cử cán bộ chuyên môn phối hợp với địa phương triển khai cụ thể từng hoạt động của từng vụ nuôi. Nhờ vậy, tình hình dịch bệnh trên tôm trong những năm qua ở TX Đông Hòa có chiều hướng giảm dần. Cụ thể, năm 2019, diện tích tôm nuôi bị bệnh khoảng 97ha (chiếm 9,14% diện tích thả nuôi); đến năm 2020, diện tích tôm nuôi bị bệnh là 83,5ha (chiếm 8,38% diện tích thả nuôi); còn đến tháng 9/2021, diện tích tôm nuôi bị bệnh là 47,5ha (chiếm 5,27% so với diện tích thả nuôi).

Ông Ngô Xuân Lai, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp (Sở NN-PTNT), cho biết: Qua lấy mẫu quan trắc, hiện nay tại các vùng nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có một số chỉ tiêu nằm ngoài ngưỡng giới hạn cho phép. Theo dự báo, từ nay đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh có mưa, người nuôi nên thường xuyên theo dõi sức khỏe tôm nuôi, đồng thời theo dõi các thông số môi trường nước như nhiệt độ, độ mặn, pH, ôxy hòa tan… để có phương pháp xử lý kịp thời. Riêng tại các vùng nuôi thuộc TX Đông Hòa đang có các chỉ số môi trường vượt ngưỡng giới hạn cho phép, trong đó độ mặn nhiều vùng nuôi rất thấp, người nuôi cần bón vôi xung quanh ao trước và sau khi có mưa nhằm ổn định pH, cần cấp nước vào ao lắng, xử lý và cân bằng độ mặn thích hợp trước khi cấp vào ao nuôi. Đối với các vùng nuôi tôm hùm, hầu hết các vùng nuôi đang có lượng ôxy hòa tan thấp hơn ngưỡng giới hạn cho phép, người nuôi cần duy trì lồng nuôi tại tầng giữa hoặc cách đáy khoảng 1,5-2m để tránh thiếu ôxy cục bộ cho tôm nuôi.

Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT, sở đang chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiếp tục phối hợp với các địa phương giám sát, nắm bắt thông tin tình hình dịch bệnh thủy sản nuôi để kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ hóa chất sát trùng xử lý, khống chế ổ dịch triệt để tránh lây lan. Các địa phương cần tiếp tục quan tâm đến hoạt động nuôi trồng thủy sản, thường xuyên cử cán bộ chuyên môn xuống địa bàn, phát hiện sớm và xử lý kịp thời, có hiệu quả đối với các ổ dịch bệnh phát sinh trên thủy sản nuôi. Địa phương cũng cần có biện pháp mạnh, xử lý nghiêm đối với các trường hợp xả thải ao nuôi thủy sản bị bệnh ra môi trường mà chưa xử lý làm lây lan dịch bệnh.

ANH NGỌC

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/264272/phong-ngua-dich-benh-tren-thuy-san-nuoi-khi-mua-mua-den.html