Phòng ngừa trẻ em lao động trái quy định pháp luật

Những năm qua, các cấp, các ngành trong tỉnh luôn quan tâm chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi để trẻ em trên địa bàn được chăm sóc, học tập và phát triển toàn diện. Tuy nhiên, qua thống kê của các huyện, thành phố, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có 119.169 trẻ có nguy cơ lao động trái quy định của pháp luật.

Trường THCS Gia Phù, huyện Phù Yên, chú trọng huy động học sinh ra lớp, góp phần giảm thiểu lao động trẻ em.

Trường THCS Gia Phù, huyện Phù Yên, chú trọng huy động học sinh ra lớp, góp phần giảm thiểu lao động trẻ em.

Ông Nguyễn Mạnh Du, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, cho biết: Lao động trẻ em là tình trạng trẻ và người chưa thành niên làm các công việc trái quy định pháp luật về lao động, cản trở hoặc tác động tiêu cực đến sự phát triển thể chất, trí tuệ, nhân cách của trẻ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến trẻ em lao động trái quy định của pháp luật, đó là nhận thức của gia đình và bản thân các em, cũng như người sử dụng lao động còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật, về chính sách liên quan đến lao động trẻ em. Điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, bố mẹ thất nghiệp, ly hôn, ốm đau dài ngày... cũng dẫn đến việc trẻ phải làm việc sớm hoặc phải bỏ học để làm việc phụ giúp gia đình và tự nuôi bản thân.

Để phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái pháp luật, ngày 30/8/2021, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2096/QĐ-UBND, ban hành Kế hoạch triển khai chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trái quy định pháp luật giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Sơn La. Theo đó, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cơ bản để phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em lao động trái pháp luật. Tập trung hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tăng cường truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nâng cao nhận thức, trách nhiệm và nâng cao năng lực của chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan, nhất là người sử dụng lao động về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Phòng ngừa, phát hiện, hỗ trợ, can thiệp lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em ở các cấp, các ngành, nhất là ở cấp cơ sở, chú trọng lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và trong các chuỗi cung ứng phòng, chống tội phạm mua bán trẻ em vì mục đích bóc lột sức lao động.

Đồng thời, phối hợp liên ngành về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, nhằm trao đổi kinh nghiệm, vận động nguồn lực, huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp và cá nhân trong phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.

Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, các huyện, thành phố, các sở, ban, ngành liên quan đã tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực tiếp thông qua các cuộc họp của tổ, bản, tiểu khu. Cung cấp thông tin, kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình. Xây dựng các mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em phù hợp tình hình thực tế, nhất là ở địa bàn, ngành nghề có trẻ em tham gia lao động hoặc có nguy cơ phát sinh lao động trẻ em. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa lao động trẻ em, xử lý nghiêm, kịp thời các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái với quy định của pháp luật.

Ông Lê Tiến Lợi, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh, chia sẻ: Đơn vị đã triển khai đến người sử dụng lao động và người lao động trong các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ hợp tác đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật về lao động trẻ em. Hướng dẫn và triển khai mô hình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em trong các hợp tác xã. Hiện nay, tại các HTX, liên hiệp HTX không có tình trạng trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.

Ông Lê Tiến Quân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: Ngành đã tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, kỹ năng về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho giáo viên, học sinh và phụ huynh. Chỉ đạo các trường học quản lý, nắm tình hình, theo dõi học sinh trong nhà trường. Hỗ trợ trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em, lao động trẻ em được tiếp cận giáo dục phổ thông và triển khai mô hình phòng ngừa, giảm thiểu trẻ em theo chức năng, nhiệm vụ. Đặc biệt, hiện nay, hệ thống giáo dục trên địa bàn tỉnh ngày càng hoàn chỉnh, phát triển, đủ các cấp học, bậc học, với các loại hình công lập, tư thục. Tỷ lệ huy động học sinh ra lớp hàng năm đều tăng, số học sinh bỏ học giảm. Đây là điều kiện quan trọng góp phần phòng ngừa lao động trẻ em.

Với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, tin rằng, tất cả lao động trẻ em và trẻ em có nguy cơ trở thành lao động trẻ em sẽ được phát hiện, can thiệp và hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển.

Hồng Luận

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/phong-ngua-tre-em-lao-dong-trai-quy-dinh-phap-luat-53566