Phong tặng 8 Nghệ nhân dân gian trong tín ngưỡng thờ Mẫu
Việc phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian nhằm ghi nhận những đóng góp quan trọng của các thanh đồng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.
Tối 7/5, được sự bảo trợ của Ủy ban quốc gia UNESCO của Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với Công ty Nhà Hát Việt tổ chức chương trình "Lên đồng: Đạo và Đời", kết hợp với Lễ phong tặng Nghệ nhân dân gian dân gian.
Chương trình được chia làm 3 phần chính, phần 1: Trình diễn Tứ Phủ; phần 2: Trao giải cho các nghệ nhân dân gian Việt Nam 2016; phần 3: 2 thanh đồng tiêu biểu đại diện trình diễn các giá hầu.
Ở phần 1, vở diễn Tứ Phủ của đạo diễn Việt Tú được trình diễn, đây là công lao của những nghệ sỹ đã đưa thờ Mẫu, hầu đồng vào trong sáng tạo nghệ thuật của mình nhằm giới thiệu với đông đảo công chúng trong nước quốc tế nét đẹp tâm linh độc nhất vô nhị của Việt Nam…. Tứ Phủ, một vở diễn của đạo diễn Việt Tú, Công ty Nhà Hát Việt là một minh chứng rõ rệt cho những thành công đó.
Đồng thời, để ghi nhận những đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc, trong những năm qua Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam phối hợp với Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam xem xét Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và trao tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam cho nhiều Thanh đồng, Cung văn là hội viên Câu lạc bộ Bảo tồn Văn hóa Đạo Mẫu Việt Nam.
Nghệ nhân dân gian là danh hiệu cao quý do Hội văn nghệ dân gian Việt Nam trao cho những người có thành tích đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của văn hóa phi vật thể, giữ vai trò quan trọng trong sáng tạo, sở hữu, bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dân gian ở nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Ca trù, Quan họ, Hát Xoan, Chầu văn…
Theo Công ước quốc tế 2003 Nghệ nhân dân gian là nhân tố quan trọng hàng đầu trong việc bảo tồn và phát huy của mọi hiện tượng văn hóa phi vật thể. Không có nghệ nhân dân gian thì cũng không có văn hóa dân gian. UNESCO coi nghệ nhân dân gian là “Báu vật nhân văn sống” của “Bảo tàng sống của Văn hóa Việt".
Các thanh đồng và cung văn được phong tặng Nghệ nhân dân gian lần này gồm: Thanh đồng Đặng Ngọc Anh, sinh 1972 (32 năm đồng); Thanh đồng Ngô Thị Ngọc Bông, sinh 1960 (25 năm đồng); Thanh đồng Trần Văn Áp, sinh 1965 (37 năm đồng); Thanh đồng Nguyễn Thị Mùi, sinh 1956 (18 năm đồng); Thanh đồng Trần Thị Thanh Hải, sinh 1972 (10 năm đồng); Thanh đồng Lê Đức Hưng, sinh 1972(26 năm đồng); Cung văn Bùi Hữu Quý, sinh 1969 (25 năm Cung văn); Cung văn Bùi Văn Hảo, sinh 1991 (14 năm cung văn).
Mở màn cho phần 3 của chương trình là phần trình diễn của Nghệ nhân dân gian Đặng Ngọc Anh với 3 giá - Hầu đồng theo lề lối miền Bắc - gồm: Giá Chầu Lục – Giá Hoàng Mười và Giá Cô Bé. Nghệ nhân Đặng Ngọc Anh sinh năm 1972 ở Hà Nội, anh đãcó 32 năm thực hành và truyền dạy nghi lễ thờ Mẫu, trình đồng, mở phủ cho hàng nghìn đệ tử.
Anh cũng là người được tín nhiệm nhiều năm liền hầu thánh khai hội ở các đền phủ lớn như: Đền Kiếp Bạc, Phủ Tiên Hương, Đền Mẫu Thượng Ba Vì. Được mời hầu thánh khai mạc các cuộc Liên hoan nghi lễ Chầu văn do Trung tâm tổ chức ở các tỉnh: Hải Dương, Bắc Giang, Hà Nội, Hưng Yên,...
Ngoài ra, trong chương trình còn có sự tham gia của nhiều Nghệ nhân dân gian khác. Nghệ nhân dân gian Ngô Thị Ngọc Bông cũng đã gửi đến quí vị khán giả 2 giá Hầu theo lề lối miền Trung, gồm: Chầu bà Hỏa Phong Thần Nữ và Giá Cô Bơ.
Bà Ngô Thị Ngọc Bông sinh năm 1960 và đã trải qua 25 năm thực hành và truyền dạy nghi lễ thờ Mẫu. Bà nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật, sống và thực hành đúng luật đạo và đời./.
Đến nay nhà nước đã công nhận Tín ngưỡng thờ Mẫu, Hầu đồng là di sản văn hóa phi vật thể của quốc gia. Và đặc biệt, ngày 28/3/2015, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam đã gửi hồ sơ “Tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt” tới tổ chức UNESCO đệ trình là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các chuyên gia UNESCO sẽ cho ý kiến vào tháng 6/2016. Hồ sơ sẽ được UNESCO xem xét đánh giá vào tháng 12/2016 tại kỳ họp thứ 11 của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể (Công ước 2003) tại Ethiopia.