Phong vị ngày Tết

Tết cổ truyền không chỉ là một phong tục mang đậm nét văn hóa của dân tộc, mà đó còn là khoảng thời gian đẹp nhất trong năm; đẹp từ cảnh vật, khí hậu đến cảm xúc, tâm trạng. Thoảng trong gió Xuân ngày Tết là mùi hương của nhang trầm, mùi của bánh chưng, của hoa lá, cỏ cây... khiến lòng người thêm náo nức...

Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những câu chuyện bà và mẹ kể khi gói bánh chưng dịp Tết. Ảnh: Trà Hương

Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những câu chuyện bà và mẹ kể khi gói bánh chưng dịp Tết. Ảnh: Trà Hương

Đối với mỗi người dân Việt Nam, Tết Nguyên đán là khoảng thời gian được mong chờ nhất với biết bao xúc cảm. Tết khởi đầu cho một năm mới với hy vọng về những điều tốt đẹp, an lành, may mắn, thành công. Dù qua thời gian, nhiều nghi lễ truyền thống có phần bị mai một thì Tết Nguyên đán vẫn khẳng định giá trị truyền thống đặc biệt đối với người Việt; là dịp để mọi người trút bỏ những lo toan đời thường, cùng nhau hướng đến những giá trị tốt đẹp, đủ đầy, chúc nhau “vạn sự như ý”, “an khang thịnh vượng”, “đắc tài, đắc lộc”...

Tết mang đến lễ nghĩa, cử chỉ đẹp, tình thân ái... Đặc biệt, Tết là dịp để các thành viên trong gia đình sum vầy, quây quần bên nhau, cùng đón một mùa Xuân mới trong niềm hân hoan, hạnh phúc.

Không khí tất bật, rộn rã của những ngày cuối năm khiến cho ai cũng có cảm giác muốn được mau chóng về nhà, quây quần bên mâm cơm gia đình, tận hưởng sự đầm ấm của những phút giây sum họp. Sau ngày 23 tháng Chạp (Tết ông Công ông Táo), các gia đình bắt đầu dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa để đón Tết. Các tuyến phố rực rỡ cờ, hoa; đường thôn, ngõ xóm được sửa sang, vệ sinh sạch đẹp; nhiều bức tường rào cũ được quét lại sơn... tất cả trở nên mới mẻ và khang trang hơn, tạo nên không khí vui tươi của ngày Tết cổ truyền.

Nói về nét độc đáo của Tết Nguyên đán, có lẽ ai cũng nhớ đến 2 câu đối quen thuộc: "Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh". Chỉ 2 câu thôi nhưng nó chứa đựng đủ đầy màu, mùi, vị của Tết. Đây đều là những “đặc sản” của Tết Việt. Do đó, dù kinh tế có khó khăn tới đâu thì đến Tết, mỗi gia đình vẫn phải mua sắm, chuẩn bị tươm tất, ít nhất là những món cơ bản như bánh chưng, thịt lợn, dưa hành... Dưa hành là món ăn kèm được nhiều người yêu thích.

Để có món dưa hành chín tới, ăn chuẩn vị, không bị hăng, cay, các gia đình thường chuẩn bị từ rất sớm, cách Tết chừng 20 ngày. Riêng đối với bánh chưng, mỗi khi Xuân về, dù bận rộn tới đâu thì mỗi gia đình người Việt cũng không quên chuẩn bị những chiếc bánh chưng thơm ngon để cúng gia tiên, đồng thời dùng làm quà biếu và cũng là món ăn không thể thiếu để mời khách trong những ngày đầu năm mới.

Sẽ không thể có Tết nếu không có bánh chưng và sẽ thiếu Tết nếu không có những khoảnh khắc vui vẻ khi mọi người trong gia đình cùng rửa lá dong, chẻ lạt, gói bánh, hay thức thâu đêm để luộc bánh chưng. Bên ánh lửa bập bùng, tiếng lửa reo tí tách, trong mùi thơm thoang thoảng của gạo nếp, đỗ xanh quyện với thịt mỡ được gói bởi những lớp lá dong, rất nhiều những câu chuyện vui, những mẩu chuyện ý nghĩa về cuộc sống được ông bà, bố mẹ kể cho các thành viên trong gia đình cùng nghe. Nhiều thế hệ đã lớn lên cùng những câu chuyện giản dị và sâu sắc đó, để rồi mang theo suốt cuộc hành trình của mình sau này...

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, chợ hoa thu hút đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo nên nét Xuân cho ngày Tết. Tại đây, ta có thể bắt gặp những cành đào phớt hồng, nụ tầm xuân e ấp, những chậu hoa mai vàng hay những cây quất trĩu quả bên cạnh những chậu hoa hồng, thược dược, hoa ly... đua nhau khoe sắc.

Dạo một vòng quanh các tuyến phố, thoảng trong gió Xuân là mùi hương của nhang trầm. Trong ngày Tết cổ truyền, không thể thiếu vắng mùi hương của nén nhang thơm trên bàn thờ tiên tổ. Mỗi nén nhang được thắp lên, lòng người như lắng đọng, hướng về cội nguồn cầu mong một năm mới bình an, hạnh phúc...

Ba mươi Tết có lẽ là một trong những ngày vui nhất bởi sự háo hức, rộn ràng chuẩn bị cho lễ cúng Tất niên của mỗi gia đình; phố phường vì thế cũng trở nên vắng vẻ hơn.

Đêm Giao thừa, trong không khí thiêng liêng của thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, mùi nhang trầm quyện với mùi hương của bưởi, cam, quýt... thơm ngào ngạt, trong lòng mỗi người lại cảm thấy thanh thản, nhẹ nhàng với những cảm xúc khó nói thành lời...

Những ly rượu vang, những lời chúc tụng, những tiếng cười vui, những bao lì xì... được trao cho nhau nhân dịp đầu năm mới luôn là kỷ niệm đẹp in đậm trong tâm hồn mỗi người...

Một mùa Xuân mới đang tới, sắc Xuân rực rỡ trên khắp các nẻo đường. Đâu đó ngân vang những ca khúc mừng Đảng, mừng Xuân, mừng đất nước đổi mới... Tất cả đang làm nên nét độc đáo của Tết Việt.

Vũ Hồng Hạnh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/thoi-su/73353/phong-vi-ngay-tet.html