Phụ nữ chung tay bảo đảm an toàn thực phẩm

Các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong cuộc sống hằng ngày.

Từ ngày tham gia tổ phụ nữ sản xuất mỳ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở khu dân cư Tống Buồng, phường Thái Thịnh (Kinh Môn), chị em nâng cao ý thức sản xuất thực phẩm sạch

Từ ngày tham gia tổ phụ nữ sản xuất mỳ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ở khu dân cư Tống Buồng, phường Thái Thịnh (Kinh Môn), chị em nâng cao ý thức sản xuất thực phẩm sạch

Phụ nữ vừa là người sản xuất, vừa là người tiêu dùng nên có vai trò quan trọng trong việc lựa chọn, sản xuất thực phẩm an toàn. Xác định rõ điều này, các cấp Hội Phụ nữ (HPN) trong tỉnh đã có nhiều hoạt động tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) trong cuộc sống hằng ngày.

Hiệu quả các mô hình

Trong nhiều năm qua, các cấp HPN đã xây dựng được 57 mô hình ATVSTP như “Nói không với thực phẩm bẩn”, “Tổ phụ nữ trồng rau an toàn”, “Tổ phụ nữ liên kết sản xuất, kinh doanh bảo đảm ATVSTP”, "Tổ liên kết sản xuất chuyên canh rau, củ, quả an toàn"… với 2.160 thành viên.

Tại thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang) có khoảng 20 hộ sản xuất giò chả, mỗi hộ bán ra thị trường từ 30 - 100 kg giò chả/ngày. Tháng 10.2018, HPN huyện Bình Giang đã thành lập mô hình “Sản xuất giò chả bảo đảm ATVSTP” với 14 thành viên. Thông qua các buổi sinh hoạt, các thành viên được hướng dẫn quy trình sản xuất, chế biến, những phụ gia được phép sử dụng, kinh nghiệm về nguồn cung cấp thực phẩm, tìm đầu ra cho sản phẩm... Qua đó, nhiều hộ thực hiện nghiêm quy định về ATVSTP, chất lượng giò chả ngày càng nâng cao, tiêu thụ tốt hơn. Thu nhập của các hộ cũng được nâng lên, lãi từ 80 - 100 triệu đồng/hộ/năm. Gia đình chị Lê Thị Hòa ở đường Lạc Long Quân đã gần 20 năm làm nghề, mỗi ngày bán được khoảng 100 kg giò chả, mọc, xúc xích. Gia đình chị đã đầu tư hệ thống nồi hơi, bếp từ, máy hút chân không, tủ đông... để sản xuất và bảo quản sản phẩm tốt nhất. Hộ bà Đào Thị Kim ở khu Hạ có gần 30 năm làm nghề giò chả cũng luôn ý thức bảo đảm ATVSTP. "Thực phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của mọi người nên gia đình tôi cũng như các hộ khác luôn chú trọng bảo đảm an toàn cho từng sản phẩm", bà Kim nói.

Tổ phụ nữ sản xuất mỳ bảo đảm ATVSTP ở khu dân cư Tống Buồng, phường Thái Thịnh (Kinh Môn) được thành lập năm 2016 với 40 thành viên. Bình quân mỗi hộ sản xuất, tiêu thụ từ 3,5 - 5 tạ mỳ/ngày. Có 2 hộ sản xuất với quy mô lớn, dây chuyền khép kín, sản lượng lên tới 3,6 tấn/ngày. Tham gia tổ, các thành viên thường xuyên được tuyên truyền kiến thức ATVSTP, dự các hội chợ, quảng bá thương hiệu do các cấp HPN tổ chức. Các hộ cũng cam kết sản xuất bảo đảm ATVSTP như sử dụng nguyên liệu, phụ gia rõ nguồn gốc, an toàn, không sử dụng phẩm màu độc hại, chất phụ gia ngoài danh mục cho phép... Đến nay, tổ phụ nữ sản xuất mỳ bảo đảm ATVSTP đã có 85 thành viên.

Phát huy vai trò

Cùng việc xây dựng các mô hình, các cấp HPN còn chú trọng phát huy vai trò cán bộ, hội viên trong việc giám sát, tuyên truyền nhân dân hiểu rõ về bảo đảm ATVSTP. Từ năm 2017 đến nay, HPN tỉnh đã làm việc với các huyện Gia Lộc, Cẩm Giàng và TP Hải Dương về thực hiện quy định bảo đảm ATVSTP; thực hiện giám sát tại các hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm, cơ sở giáo dục. Các cấp hội phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát 3.323 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, bếp ăn bán trú tại các trường, các hộ nấu rượu, lò giết mổ... Qua kiểm tra, giám sát đã kịp thời nhắc nhở các chủ cơ sở không bảo đảm ATVSTP và kiến nghị đơn vị khắc phục những hạn chế tồn tại.

Các cấp HPN trong tỉnh đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản an toàn, hỗ trợ vốn, kiến thức cho các cơ sở sản xuất, nhất là các HTX, tổ hợp tác, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh do phụ nữ quản lý. Từ năm 2018 đến nay, HPN tỉnh đã tổ chức 14 buổi truyền thông cho 1.498 người tiêu dùng và người trực tiếp chế biến, sản xuất thực phẩm tại các địa phương; phối hợp với Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tổ chức 8 lớp cho 920 hộ sản xuất, kinh doanh, chế biến nông sản thực phẩm...

Phó Chủ tịch HPN tỉnh Phạm Thị Phương cho biết các cấp hội chú trọng xác định các đối tượng cụ thể để có nội dung tuyên truyền về ATVSTP phù hợp. Đối với nhóm chị em sản xuất, kinh doanh, các cấp hội tuyên truyền, vận động họ thực hiện nghiêm quy định bảo đảm ATVSTP, mang tới những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đối với chị em là người tiêu dùng, các cấp hội tuyên truyền các kiến thức để phân biệt, lựa chọn các sản phẩm an toàn cho gia đình... Từ việc tuyên truyền đã góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của hội viên trong bảo đảm ATVSTP.

THANH HOA

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/xa-hoi/phu-nu-chung-tay-bao-dam-an-toan-thuc-pham-151704