Phụ nữ người Mông ở Sa Pa thay đổi tư duy quản lý tài chính

Xưa kia người Mông ở Sa Pa (Lào Cai) thường không có thói quen tích lũy, dẫn đến gặp phải những 'điểm rơi' tài chính trong năm. Nhưng đến nay, mọi thứ đã thay đổi, phụ nữ người Mông đã quản lý tài chính theo hướng bền vững, tạo ra sự ổn định trong cuộc sống gia đình.

 Phụ nữ người Mông ở Sa Pa có nhiều thay đổi trong tư duy quản lý kinh tế gia đình

Phụ nữ người Mông ở Sa Pa có nhiều thay đổi trong tư duy quản lý kinh tế gia đình

Xưa kia tài chính kinh tế không ổn định

Người Mông ở Sa Pa xưa kia thường có thói quen phóng khoáng, kiếm được bao nhiêu họ thường không tính đến việc tích lũy tài chính theo kiểu “của để dành” như các nhóm dân tộc khác. Lại thêm phong tục tập quán, tín ngưỡng tộc người vốn hay tổ chức các nghi lễ cúng bái rất tốn kém. Dẫn đến việc chi phí hàng năm là rất lớn, không còn nguồn tích lũy trong gia đình.

Chị Hạng Thị Cở, ở xã Hoàng Liên, thị xã Sa Pa, cho hay: “Ngày xưa thì không nghĩ đến tích lũy tiền cho gia đình, kiếm được bao nhiêu thì chi tiêu bấy nhiêu, nuôi con lợn con gà thì chỉ để làm cúng thôi. Đến mùa gieo trồng là không còn tiền. Mua hạt giống và phân bón cũng phải đi vay vốn, đến mùa thu hoạch mới có tiền để trả người cho vay. Nên cuộc sống lúc đấy nhiều lúc có khó khăn”.

Người phụ nữ Mông bên khung dệt vải

Người phụ nữ Mông bên khung dệt vải

Với lối tư duy cũ, bởi quan niệm sống tự cung tự cấp đã ảnh hưởng không nhỏ đến cách nghĩ, cách làm của cộng đồng người Mông nơi đây. Có nhiều thì tiêu nhiều, có ít tiêu ít, không bận tâm đến suy tính lâu dài.

Bà Hạng Thị Mỷ, ở xã Hoàng Liên, chia sẻ: “Ngày xưa phụ nữ Mông không nhiều người giữ tiền, tất cả đều do người chồng quản lý, người vợ chỉ biết ăn và đi làm, chăm sóc con cái. Đến mùa vụ cần chi tiêu đầu tư thì phụ thuộc người chồng, nên họ không quyết định được”.

Bà Phùng Tiểu Yến, chuyên gia phát triển cộng đồng, cho hay: “Cách đây khoảng hơn chục năm, khi làm khảo sát đánh giá kinh tế hộ của người Mông ở Sa Pa, chúng tôi nhận thấy những vai trò quản lý kinh tế hộ của người phụ nữ là rất mờ nhạt. Cách chi tiêu của họ cũng không hợp lý, dẫn đến hàng năm đều có “điểm rơi” kinh tế. Tức là cạn kiệt tài chính trong mùa giáp hạt, dẫn đến việc phải đi vay mượn để đầu tư. Từ đó tạo ra cái vòng luẩn quẩn giữa vay nợ và trả nợ trong năm.

Đổi thay tư duy quản lý tài chính gia đình

Cho đến nay, phụ nữ người Mông ở Sa Pa đã chủ động hơn trong việc quản lý tài chính, và phân bổ nguồn vốn đầu tư cho lao động sản xuất của gia đình, theo hướng ổn định và bền vững hơn.

Bà Lý Mẩy Pham, Chủ tịch Hội LHPN xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa, cho biết: “Phụ nữ người Mông ở Sa Pa bây giờ rất chủ động trong việc quản lý tài chính của gia đình. Bởi từ khi làm du lịch, họ đều phải tính toán, cân đối nguồn vốn để buôn bán, để mua nguyên liệu sản xuất hàng hóa. Nên họ đều hình thành những thói quen quản lý tài chính cho riêng mình. Lâu dần trở thành một thói quen để thích nghi với cuộc sống”.

Chị em người Mông ở Sa Pa xuống chợ

Chị em người Mông ở Sa Pa xuống chợ

Ngày nay phụ nữ người Mông không chỉ biết cách quản lý chi tiêu bền vững, họ tính toán các khoản chi phí đầu tư cho sản xuất, cho nguyên liệu sản xuất hàng hóa thủ công bán cho khách du lịch theo hướng bền vững. Hầu như không còn chuyện đi vay mượn nợ khi vào vụ giáp hạt như ngày xưa nữa.

Chị Nguyễn Thị Vân, một chủ cửa hàng kinh doanh ở phố Cầu Mây, thị xã Sa Pa, chia sẻ: “Lớp phụ nữ trẻ người Mông bây giờ họ tiếp cận với công nghệ hiện đại rồi. Tiền bạc không còn sử dụng bằng tiền mặt nữa, họ để trong tài khoản ngân hàng, sử dụng chi tiêu bằng cách chuyển khoản trên điện thoại”.

Như vậy, cho đến nay, bài toàn quản lý tài chính hộ gia đình với chị em người Mông đã có nhiều đổi thay theo hướng tích cực. Từ đó giúp chị em chủ động hơn trong vai trò vị thế là người quản lý và quyết sách nguồn tài chính của gia đình họ. Ngày nay tư duy của họ đã khác biệt hoàn toàn với tư duy thụ động ngày nào.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phu-nu-nguoi-mong-sa-pa-thay-doi-tu-duy-quan-ly-tai-chinh-20231007005244204.htm