Phú Tân chủ động phòng, chống thiên tai

Với diễn biến thiên tai bất thường, huyện Phú Tân đang tăng cường các giải pháp ứng phó, phòng ngừa sát với điều kiện thực tế, bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng của người dân.

Sau các đợt nắng nóng gay gắt, hạn hán kéo dài đầu năm, gần đây, liên tiếp xảy ra mưa lớn, sạt lở đất cục bộ tại một số địa phương trên địa bàn huyện. Thời gian qua, UBND huyện, Ban Chỉ huy Ứng phó biến đổi khí hậu - Phòng, chống thiên tai và Phòng thủ dân sự huyện (gọi tắt là Ban Chỉ huy huyện) đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã, thị trấn tăng cường đảm bảo an toàn về người, tài sản trong hoạt động giao thông thủy và phòng, tránh sạt lở đất vào mùa mưa lũ. Cùng với đó, triển khai công tác ứng phó mưa, giông, lốc, sét trên địa bàn huyện, triển khai công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn những tháng cuối năm 2024; việc xử lý các sự cố về đê bao, cống bọng trên địa bàn trong mùa mưa lũ; triển khai việc tổ chức ngưng/xả lũ vụ thu đông năm 2024. Qua đó, theo dõi sát tình hình, chủ động chỉ đạo, tổ chức triển khai công tác phòng, chống thiên tai từ sớm, từ xa và chủ động khắc phục ngay khi xảy ra, góp phần khắc phục hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Phát quang cây xanh đảm bảo an toàn mùa mưa bão

Phát quang cây xanh đảm bảo an toàn mùa mưa bão

Tuy nhiên, thiên tai vẫn diễn ra ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng tài sản của Nhân dân, công trình cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất - kinh doanh và đời sống của người dân. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến cuối tháng 7/2024, trên địa bàn huyện xảy ra 5 vụ mưa giông, làm 53 căn nhà sập, tốc mái, ước thiệt hại 664 triệu đồng; sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch xảy ra 12 vụ, tổng chiều dài 664m. Mới đây, ảnh hưởng cơn bão số 3 và số 4, mưa lớn kéo dài tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ngập úng, sạt lở đất, ảnh hưởng sản xuất nông nghiệp của người dân… Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới, Chủ tịch UBND huyện Phú Tân Nguyễn Thị Tuyết Minh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị là thành viên Ban Chỉ huy cấp huyện, UBND các xã, thị trấn tiếp tục tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến thiên tai, triển khai quyết liệt kịp thời, hiệu quả các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện là Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy huyện có nhiệm vụ theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, đảm bảo an toàn hệ thống đê bao và công trình thủy lợi, nhất là các tuyến đê xung yếu, cống dưới đê bị hư hỏng, xuống cấp, bảo vệ sản xuất nông nghiệp. Đơn vị còn chủ trị, phối hợp các cơ quan liên quan chỉ đạo vận hành hệ thống công trình kiểm soát lũ Bắc Vàm Nao theo đúng quy trình để phục vụ công tác chống lũ và điều tiết lũ. Những ngày qua, gắn với nhiệm vụ chỉnh trang nông thôn, các địa phương, ngành chuyên môn tổ chức ra quân dọn dẹp hành lang lộ giới, chặt mé cây xanh đảm bảo thông thoáng, an toàn, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp… Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp tục cập nhật kịp thời cảnh báo đất bờ sông theo định kỳ, đột xuất nhằm cập nhật hiện trạng, diễn biến nguy cơ sạt lở tại các đoạn sông được cảnh báo, đề xuất giải pháp ứng phó, khắc phục sự cố.

Với phương châm “bốn tại chỗ”, các xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần chủ động, kịp thời, quyết liệt nhất để đảm bảo an toàn tính mạng, giảm thiểu thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước. Cùng với công tác tuyên truyền, các địa phương thường xuyên rà soát, hướng dẫn tổ chức, hộ gia đình, cá nhân gia cố, chằng chống, tu sửa nhà ở, nhà máy, xí nghiệp, công trình công cộng để tăng độ vững chắc. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng tránh đuối nước, nhất là đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em, học sinh. Để bảo vệ sản xuất vụ thu đông, các xã, thị trấn tăng cường tuần tra, kiểm tra bảo vệ các tuyến đê, tiểu vùng sản xuất, trong đó có các địa phương đã thực hiện tốt, như: Tân Hòa, Bình Thạnh Đông, Phú Xuân.

Trước đó, thực hiện kế hoạch xả lũ vụ thu đông của UBND huyện, các địa phương nằm trong tiểu vùng ngưng sản xuất và tiến hành xả lũ đã kiểm tra các tuyến đê, đảm bảo vững chắc. Công tác thông tin đến người dân được thực hiện xuyên suốt. Ngoài ra, các hội, đoàn thể địa phương tổ chức tuyên truyền sâu để người dân phối hợp tốt, không xuống giống trồng trọt trong vùng xả lũ; các hộ dân có đất trồng cây ăn trái chủ động trong việc che chắn, tránh gây thiệt hại cho vườn cây. Đối với các diện tích người dân tự phát chuyển đổi từ đất lúa sang rau màu, cây ăn trái ngoài quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi sản xuất, cây trồng của địa phương, UBND huyện yêu cầu các xã, thị trấn kiểm tra, tuyên truyền, khuyến cáo Nhân dân chủ động đầu tư gia cố đê bao, bờ bao đảm bảo chống lũ, chủ động ứng phó thiên tai bảo vệ sản xuất cho phần diện tích của mình.

Hiện nay, các xã, thị trấn đã xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, chuẩn bị các phương án ứng phó lũ, đề phòng tình huống từ thượng nguồn nước đổ về do mưa bão bất thường… Ngoài ra, địa phương còn chủ động bố trí ngân sách triển khai công tác phòng, chống, khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai theo quy định.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phu-tan-chu-dong-phong-chong-thien-tai-a406499.html