Phù Yên xây dựng nếp sống văn minh trong đồng bào Mông

Thực hiện Đề án số 12-ĐA/HU ngày 24/11/2023 của Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Yên về 'Tuyên truyền, vận động thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang vùng đồng bào Mông của ba xã Suối Bau, Suối Tọ, Kim Bon, giai đoạn 2023 - 2025' bước đầu làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong xây dựng đời sống văn hóa mới của nhân dân các xã.

Một góc trung tâm xã Kim Bon, huyện Phù Yên.

Một góc trung tâm xã Kim Bon, huyện Phù Yên.

Đồng bào Mông ở huyện Phù Yên chiếm 11,2% dân số toàn huyện, tập trung ở các xã Kim Bon, Suối Tọ và Suối Bau. Địa hình của ba xã chủ yếu là đồi núi cao, đất đai bị rửa trôi, bạc màu, trong đó 1/3 diện tích là đồi núi trọc. Tỷ lệ hộ nghèo cao, chiếm 41,2%.Nhiều hủ tục lạc hậu, tồn tại trong đời sống nhân dân, như: Người chết để lâu ngày, không cho vào áo quan; tổ chức ăn uống trong đám tang tốn kém, kéo dài nhiều ngày... Hơn nữa, việc giết mổ nhiều gia súc phục vụ ăn uống trong những tổ chức đám tang, hoặc đám cưới, vượt quá khả năng, nên nhiều hộ nghèo bị kiệt quệ về kinh tế, mang món nợ lớn sau khi tổ chức đám cưới, đám tang cho người thân.Đồng chí Nguyễn Viết Hưng, Bí thư Huyện ủy Phù Yên, cho biết: Đề án đề ra mục tiêu tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc Mông loại bỏ dần đối với những hủ tục lạc hậu, không còn phù hợp, gây lãng phí về tiền của. Làm thay đổi căn bản các tập tục trong việc cưới, việc tang, trong đó có kế thừa nét riêng, đặc trưng của phong tục tập quán tích cực, tiến bộ trong cộng đồng, dòng họ. Gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, nâng cao chất lượng môi trường văn hóa, giá trị đời sống tinh thần, xây dựng diện mạo đời sống mới lành mạnh... Phấn đấu đến năm 2025 giảm cơ bản các tập quán lạc hậu, hình thành những nếp sống văn minh phù hợp với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Cán bộ Đoàn xã Suối Tọ, huyện Phù Yên tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới.

Cán bộ Đoàn xã Suối Tọ, huyện Phù Yên tuyên truyền, vận động nhân dân xây dựng nếp sống mới.

Thực hiện Đề án số 12, Ban Thường vụ Huyện ủy ban hành quyết định thành lập tổ công tác về các bản của ba xã Kim Bon, Suối Tọ, Suối Bau nắm tình hình thực tế. Huyện ủy phân công Ban Dân vận Huyện ủy chủ trì, phối hợp cùng Tổ công tác và Đảng ủy ba xã tổ chức quán triệt, triển khai các nội dung của đề án lồng ghép trong các hội nghị cán bộ chủ chốt xã, sinh hoạt chi bộ bản, họp bản; tổ chức cho nhân dân ký cam kết thực hiện.Đồng thời, tổ chức đoàn đại biểu gồm 40 người, trong đó, 8 cán bộ cấp huyện, 32 bí thư đảng ủy, bí thư chi bộ, trưởng bản, trưởng ban công tác mặt trận, già làng, người có uy tín, trưởng dòng họ ba xã vùng Đề án đi học tập kinh nghiệm tại thôn Bản Phố, xã Bản Phố, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai - Đây là xã tiên phong và là địa phương thực hiện thành công nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang của đồng bào Mông.

Tổ công tác 2532 thực hiện đối thoại, vận động nhân dân xã Suối Bau thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại.

Tổ công tác 2532 thực hiện đối thoại, vận động nhân dân xã Suối Bau thực hiện nếp sống văn minh, hiện đại.

Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo ba xã hướng dẫn các bản đưa nội dung thực hiện nếp sống mới trong việc cưới, việc tang vào quy ước, hương ước để nhân dân thực hiện. Ông Vàng A Lử, Trưởng ban công tác mặt trận bản Suối On, xã Kim Bon, chia sẻ: Thực hiện nếp sống văn hóa trong tổ chức việc cưới, việc tang, bản Suối On đã nhiều lần tổ chức họp dân bản để thống nhất. Theo đó, trong các đám hiếu, người chết được đưa vào áo quan và không để trong nhà quá 48 giờ đồng hồ; hạn chế việc giết mổ gia súc. Đối với đám cưới, nhân dân thống nhất bỏ tục lệ thách cưới; tổ chức đơn giản, tiết kiệm theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình.Quá trình thực hiện Đề án số 12-ĐA/HU, Đảng ủy ba xã Suối Bau, Suối Tọ, Kim Bon còn đề cao vai trò của trưởng dòng họ trong việc tuyên truyền, giáo dục người thân, anh em dòng tộc. Ông Thào Páo Dua, Trưởng dòng họ Thào, bản Suối Cáy, xã Suối Bau, chia sẻ: Được cán bộ huyện, xã thường xuyên phân tích về hậu quả của các hủ tục lạc hậu, cũng như tuyên truyền về những lợi ích của việc thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang. Là trưởng dòng họ, gia đình tôi gương mẫu thực hiện tốt để anh em làm theo. Giờ đây, các gia đình trong dòng họ từng bước xóa bỏ các hủ tục trong việc cưới, việc tang, chuyển sang thực hiện theo hướng tiết kiệm, văn minh.

Bí thư Chi bộ các bản thuộc xã Suối Bau, huyện Phù Yên ký cam kết thực hiện Đề án số 12-ĐA/HU.

Bí thư Chi bộ các bản thuộc xã Suối Bau, huyện Phù Yên ký cam kết thực hiện Đề án số 12-ĐA/HU.

Theo đánh giá của Ban Dân vận Huyện ủy và Tổ công tác của Ban Thường vụ Huyện ủy, hiện nay, việc tổ chức đám cưới tại ba xã diễn ra trang trọng, tiết kiệm. Đối với việc tang, giảm bớt chi tiêu lãng phí, đảm bảo vệ sinh môi trường, sức khỏe người thân, cộng đồng. Hầu hết các gia đình đưa người chết vào áo quan, thời gian tổ chức tang lễ diễn ra trong khoảng 48 giờ. Việc giết mổ gia súc giảm xuống còn 1-2 con trâu, bò… Ông Sa Đức Toàn, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, cho biết: Chúng tôi tham mưu với Ban Thường vụ Huyện ủy tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tại ba địa phương. Đồng thời, đánh giá những kết quả đã đạt được trong thực hiện Đề án cũng như các nội dung bản cam kết “5 có, 5 không” trong đồng bào dân tộc Mông; chỉ rõ những mặt còn hạn chế, đề ra giải pháp khắc phục. Đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm cơ bản các tập quán lạc hậu, hình thành nếp sống văn minh phù hợp với đời sống văn hóa.Sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân sẽ từng bước xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, thay đổi nếp nghĩ cách làm trong việc cưới, việc tang của đồng bào dân tộc Mông của ba xã Kim Bon, Suối Tọ, Suối Bau, huyện Phù Yên, chuyển biến theo hướng văn minh, hiện đại, góp phần xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/phu-yen-xay-dung-nep-song-van-minh-trong-dong-bao-mong-9nDspJXIR.html