Phục hồi, chăm sóc cây ăn quả sau thu hoạch
Hiện nay, huyện Sông Mã hiện có 10.678 ha cây ăn quả các loại, thời điểm này hầu hết đã hoàn tất việc thu hoạch. Chăm bón phục hồi cho cây ăn quả được người sản xuất quan tâm để nâng cao tỷ lệ ra hoa, đậu quả cho mùa vụ tiếp theo.
Cây ăn quả ở Sông Mã chủ yếu là nhãn, xoài, được trồng tập trung nhiều tại các xã dọc theo dòng sông Mã từ Chiềng Khương đến Chiềng Cang, Chiềng Khoong, Nà Nghịu, Huổi Một. Trong đó, nhiều nhất là nhãn với 7.500 ha, sản lượng năm nay đạt 75.000 tấn quả, giá trị trên 1.000 tỷ đồng; xoài 1.815 ha, sản lượng đạt trên 12.000 tấn quả, giá trị hàng hóa đạt trên 73 tỷ đồng. Thời điểm này, nhiều diện tích xoài, nhãn đã thu hoạch xong và đang chuyển sang giai đoạn chăm sóc, phục hồi.
Bà Đinh Thị Hảo, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện, thông tin: Mỗi loại cây trồng có đặc điểm riêng, nên việc chăm sóc, phục hồi sau thu hoạch cũng có quy trình, kỹ thuật khác nhau. Để việc chăm sóc hiệu quả, đúng quy trình kỹ thuật, tăng năng suất, chất lượng, Trung tâm đã ban hành hướng dẫn quy trình chăm sóc cây nhãn, xoài; cử cán bộ chuyên môn phụ trách bám nắm cơ sở để kịp thời hỗ trợ nông dân về kỹ thuật chuyên môn.
Ông Phạm Quang Đức, Chủ tịch UBND xã Huổi Một, cho hay: Xã có hơn 671 ha cây ăn quả. Chúng tôi đã phân công cán bộ chuyên môn thường xuyên kiểm tra, theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng phát triển của cây trồng; hướng dẫn nông dân quy trình làm cỏ, bón phân, cắt tỉa cành, phun thuốc trừ sâu, tưới nước để cho cây phục hồi, phát triển tốt. Phối hợp Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về quy trình, kỹ thuật chăm sóc cây trồng cho nông dân.
Với hơn 2 ha cây ăn quả, chủ yếu là nhãn T6 (nhãn chín sớm) và xoài Đài Loan, vụ năm nay, gia đình ông Vũ Văn Dũng, bản Khương Tiên, xã Chiềng Khương, thu lãi hơn 200 triệu đồng. Bắt đầu từ tháng 7, sau thu hoạch, gia đình ông tập trung cắt tỉa cành, bón phân và tưới nước cho cây. Ông Dũng cho biết: Việc chăm sóc tốt cây trồng sau vụ thu hoạch sẽ quyết định đến năng suất, chất lượng của vụ tiếp theo. Hiện nay, toàn bộ diện tích cây ăn quả bắt đầu đâm trồi, nảy lộc. Thời điểm này, tôi tiếp tục cắt tỉa cành lộc mọc quá dày. Từ tháng 10 đến tháng 12, tỉa thưa lộc và xử lý ra hoa; tháng 1 đến tháng 3 tỉa thưa hoa và phun các loại phân bón tăng tỷ lệ đậu quả.
Quá trình chăm sóc phải dựa vào đặc điểm, giai đoạn để tiến hành các quy trình phù hợp. Đơn cử như cây nhãn, ngay sau thu hoạch phải làm cỏ, cắt tỉa cành. Từ tháng 10 -11, khi cây ra lộc, cắt tỉa những cành lộc mọc quá dày và xử lý ra hoa; tháng 12 đến tháng 1 năm sau, tập trung làm sạch cỏ xung quanh gốc theo hình chiếu của tán cây để hạn chế cạnh tranh dinh dưỡng và sâu bệnh gây hại, tạo cho cây ra hoa và đậu quả tốt nhất.
Với cây xoài, từ tháng 7 đến tháng 9, cắt bỏ các cành trong tán, cành tăm và cành trên đỉnh, tạo cho tán bó độ thông thoáng. Tùy theo độ tuổi của cây để có lượng phân bón phù hợp (cây 4-5 năm tuổi bón 10-15kg phân hữu cơ, 2-3 kg NPK/gốc; cây từ 10-12 năm tuổi bón 20kg phân hữu và 4 - 5kg phân NPK/gốc), sau bón phân tiến hành tưới nước. Từ tháng 10 - 12 làm cỏ, kích thích ra chồi non và phòng trừ sâu bệnh để đến tháng 1-2 năm sau cây ra hoa.
Sau thời kỳ mang quả, cây thường bị suy yếu, nên cần được chăm sóc đúng cách để hồi phục, phòng sâu bệnh. Khi cây ra lộc tiếp tục cắt tỉa (trên mỗi cành 1-2 lộc to, khỏe); sau đợt lộc ổn định cắt bỏ những cành sâu, cành vượt và cành không có lá. Tăng cường làm sạch cỏ xung quanh gốc, bón phân cân đối để bổ sung nguồn dinh dưỡng cho cây; tổ chức phun thuốc phòng bệnh theo định kỳ. Chăm sóc phục hồi cây ăn quả sau thu hoạch là việc làm cần thiết để cây trồng phát triển, tăng năng suất, chất lượng vụ quả tiếp theo, sản phẩm tốt đáp ứng yêu cầu của thị trường.