Phục hồi hệ sinh thái bền vững
Hệ sinh thái đóng vai trò quan trọng đối với cuộc sống của con người, cung cấp cho chúng ta những lợi ích vô giá như: Ổn định khí hậu, lọc không khí, cung cấp oxy, cung cấp nguồn nước, thức ăn... Ngoài ra, các hệ sinh thái còn là nơi cư trú của các loài động vật hoang dã.
Ngày Môi trường thế giới 5-6 năm nay có chủ đề “Phục hồi hệ sinh thái” cho thấy sự cần thiết của việc bảo tồn, phát triển các hệ sinh thái, qua đó gìn giữ bền vững môi trường sống của con người. Là một trong những địa phương sở hữu nhiều hệ sinh thái đặc thù, song tỉnh ta cũng là nơi đang chịu nhiều tác động tiêu cực của biếnđổi khí hậu và việc khai thác tài nguyên thiếu bền vững. Do đó, việc tăng cường bảo tồn, hạn chế sự suy thoái của các hệ sinh thái, góp phần cải thiện sinh kế của người dân và giảm rủi ro thiên tai đang được tỉnh, ngành và các địa phương quan tâm.
Chương trình trồng 1 tỷ cây xanh vì một Việt Nam xanh theo Đề án của Thủ tướng Chính phủ đã trở thành phong trào thi đua sôi nổi của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong từng khu dân cư nông thôn, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở trên địa bàn tỉnh. Bà Sầm Thị Hải, dân tộc Tày, thôn Làng Dịa, xã Bình Xa (Hàm Yên) phấn khởi cho biết, năm nay ngoài trồng rừng sản xuất theo kế hoạch, bà con tham gia với thôn, xã trồng cây xanh lấy bóng mát theo các trục đường thôn. Theo bà Hải, mỗi cây xanh được trồng xuống là thêm 1 sự sống, quê bà sẽ trong lành hơn.
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 5, toàn tỉnh trồng mới 7.373/10.350 ha rừng, đạt 71,2% kế hoạch. Đồng chí Mai Thị Hoàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, phát triển trồng rừng, mở rộng diện tích cây phân tán, cây bóng mát ở khu vực đô thị duy trì bảo vệ nghiêm ngặt diện tích rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và động vật hoang dã, Tuyên Quang đã từng bước phục hồi được hệ sinh thái rừng tương đối đa dạng, bền vững.
Phục hồi hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái đất, sông, hồ cũng được quan tâm. Các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, giảm thiểu phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật; tái tạo nguồn lợi thủy sản... được duy trì, mở rộng. Đồng chí Phùng Thế Hiệu, Phó Chi cục trưởng Chi cục Môi trường cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, một số hệ sinh thái, đặc biệt hệ sinh thái sông, hồ đang bị đứng trước nguy cơ nghèo kiệt. Tình trạng xâm lấn, xả thải rác vào hệ thống sông, hồ, sử dụng kích điện để đánh bắt thủy sản... vẫn tồn tại ở nhiều địa phương trong tỉnh.
Ứng phó với thực trạng này, ngành Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố áp dụng giải pháp dựa vào thiên nhiên, thúc đẩy việc thực hiện các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững; tăng cường các hoạt động kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, kiểm soát loài ngoại lai xâm hại; bảo tồn hiệu quả các loài, nguồn gen; thực hiện các dự án trồng cây xanh; khai thác đúng mức, đúng cách các loài thủy sản; tổ chức thu gom rác trong môi trường, phục hồi thảm thực vật trên mặt nước và sống trong nước... để hệ sinh thái của tỉnh được phục hồi 1 cách bền vững nhất.