Phục vụ nhân dân từ việc thực hiện văn hóa công vụ

BHG - Thực hiện Đề án Văn hóa công vụ (VHCV) theo Quyết định 1847 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ đã từng bước hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ.

Khách hàng giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh.

Khách hàng giao dịch tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công của tỉnh.

Nhận thức rõ Đề án VHCV có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính và hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị (CQĐV) trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh thường xuyên chỉ đạo các CQĐV nêu cao vai trò, trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ trong công tác chỉ đạo, quán triệt, triển khai Đề án. Theo đó, các CQĐV đã chủ động triển khai Đề án, cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ để tổ chức thực hiện, hoàn thành tốt các nhiệm vụ theo kế hoạch đề ra; coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong quá trình lãnh, chỉ đạo, điều hành. Nhiều CQĐV đưa việc thực hiện văn hóa công sở trở thành tiêu chí thi đua gắn với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cơ sở. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án được tổ chức kiểm tra thường xuyên và đột xuất tại các CQĐV. Qua kiểm tra đã kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những hạn chế, khuyết điểm, từ đó tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện VHCV của đội ngũ CBCCVC trên địa bàn.

Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Mèo Vạc tuần tra, kiểm soát trên địa bàn.

Đội Cảnh sát giao thông Công an huyện Mèo Vạc tuần tra, kiểm soát trên địa bàn.

Cụ thể, về tinh thần, thái độ làm việc của CBCCVC, có thể thấy, đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh đã có sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và đổi mới tác phong, lề lối làm việc; không trốn tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi thực hiện nhiệm vụ; sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được phân công. Đối với người đứng đầu các CQĐV đã thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, lắng nghe và tiếp thu ý kiến đóng góp đúng đắn của cấp dưới, qua đó kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng và giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi cá nhân. Bên cạnh đó, việc giao tiếp, ứng xử của CBCCVC đối với đồng nghiệp và nhân dân được nhiều CQĐV cụ thể hóa và đưa vào nội quy, quy chế làm việc. Trong giao tiếp, ứng xử với nhân dân đã thể hiện sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến, có sự giải thích, hướng dẫn rõ ràng, cụ thể về các quy định liên quan đến công việc; khi giao tiếp qua điện thoại, CBCCVC xưng tên, cơ quan, trao đổi ngắn gọn, tập trung vào nội dung công việc, không ngắt điện thoại đột ngột.

Về thực hiện chuẩn mực đạo đức, lối sống của CBCCVC, các CQĐV đã yêu cầu đội ngũ CBCCVC, người lao động thực hiện ký cam kết không vi phạm các tệ nạn xã hội; nói không với tiêu cực, tham nhũng vặt. Về trang phục, đội ngũ CBCCVC thực hiện mặc trang phục gọn gàng, lịch sự, đúng quy định về trang phục nơi công sở. Việc thực hiện mặc trang phục riêng của ngành ở một số CQĐV được thực hiện nghiêm túc. Một số đơn vị tuy không có quy định riêng về trang phục nhưng đã thống nhất mặc đồng phục riêng khi thực thi công vụ, qua đó góp phần làm tăng tính chuyên nghiệp và tạo nét đẹp riêng của đơn vị mình. Cùng với những kết quả trên, đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh đã chấp hành đúng quy định về thời gian làm việc của CQĐV; sắp xếp và sử dụng thời gian làm việc khoa học, hiệu quả; thực hiện đeo thẻ của CBCCVC trong giờ hành chính đúng quy định…

Có thể khẳng định, sau hơn 3 năm thực hiện Đề án VHCV bước đầu đã có hiệu quả, tạo chuyển biến mạnh mẽ về tinh thần, thái độ làm việc, đạo đức lối sống của đội ngũ CBCCVC trên địa bàn tỉnh, góp phần tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, cũng cần thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế như: Vẫn còn một số cán bộ, công chức cấp xã chưa chấp hành nghiêm kỷ luật lao động và VHCV; việc đeo thẻ công chức chưa được duy trì thường xuyên. Kết quả giải quyết thủ tục hành chính của cấp xã có nơi chưa đáp ứng được sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp; tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính được tiếp nhận và xử lý trực tuyến mức độ 3, 4 còn hạn chế…

Khắc phục những hạn chế trên, đồng thời nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án VHCV, hiện nay, tỉnh tiếp tục quán triệt, chỉ đạo các CQĐV thực hiện nghiêm và tích cực tuyên truyền Đề án VHCV, kỷ luật, kỷ cương hành chính bằng nhiều hình thức; tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan trong việc lãnh đạo, quản lý nhà nước về kỷ luật, kỷ cương đi vào nề nếp. Cùng đó, tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện VHCV; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn của cơ quan nhằm nâng cao hiệu quả xử lý công việc, góp phần xây dựng và hoàn thiện chính quyền điện tử, chính quyền số.

Bài, ảnh: TRẦN KẾ

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/chuyen-muc-cai-cach-hanh-chinh/202204/phuc-vu-nhan-dan-tu-viec-thuc-hien-van-hoa-cong-vu-63f6f41/