Tiền Giang: Sẵn sàng cho Cuộc thi Tìm hiểu công tác cải cách hành chính năm 2024

Tiền Giang xác định công tác cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm thúc đấy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thời gian qua, Tiền Giang đã triển khai đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số CCHC (PAR Index), từng bước hiện đại hóa nền hành chính.Tỉnh đã tăng cường thông tin, tuyên truyền công tác CCHC một cách sâu rộng, thiết thực bằng nhiều hình thức. Nhiệm vụ trọng tâm trong quý IV năm 2024 là tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu công tác CCHC (gọi tắt là Cuộc thi). Để hiểu rõ hơn về Cuộc thi, Phóng viên Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hồ Vũ Bảo, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, thành viên Ban Tổ chức Cuộc thi.

* Phóng viên (PV): Cuộc thi Tìm hiểu công tác CCHC tỉnh Tiền Giang năm 2024 có ý nghĩa, tầm quan trọng như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Hồ Vũ Bảo: Cán bộ, công chức, viên chức là một mắt xích, chủ thể quan trọng trong quá trình CCHC. Đội ngũ này có nhiệm vụ tổ chức thực thi chính sách, pháp luật, quản lý các lĩnh vực của đời sống xã hội, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước.

Đồng thời, với mục tiêu hướng đến xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, góp phần tinh gọn thủ tục, bộ máy, rút ngắn thời gian giải quyết công việc, giảm phiền hà cho nhân dân; không ngừng nâng cao ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 311 ngày 21-8-2024 về tổ chức Cuộc thi Tìm hiểu công tác CCHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Cuộc thi có ý nghĩa quan trọng, nhằm nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh về đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC.

Cuộc thi Tìm hiểu công tác CCHC năm 2024 diễn ra từ ngày 4 đến hết ngày 24-11

Theo Thể lệ Cuộc thi Tìm hiểu công tác CCHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Cuộc thi được tổ chức hằng tuần và diễn ra trong vòng 3 tuần. Thời gian tổ chức Cuộc thi chính thức từ ngày 4 đến hết ngày 24-11, cụ thể: Tuần thứ nhất từ ngày 4 đến 10-11; tuần thứ hai từ ngày 11 đến 17-11; tuần thứ ba từ ngày 18 đến 24-11.
- Các thí sinh tham gia dự thi trên hệ thống phần mềm có địa chỉ https://www.thitructuyen.tiengiang.gov.vn hoặc tham dự thi tại ứng dụng TienGiangS”.
- Cuộc thi được tổ chức 1 vòng thi tính điểm và mỗi tài khoản thí sinh dự thi chỉ được đăng ký và dự thi 1 lần thi duy nhất. Nếu đã đăng ký và thi trong tuần này thì không được đăng ký dự thi các tuần khác.
- Thí sinh dự thi trả lời 40 câu hỏi trắc nghiệm trên phần mềm ứng dụng tích hợp trong website, App TiengiangS, trong thời gian tối đa 30 phút. Kết quả thi trắc nghiệm điểm thi được phần mềm chấm tự động và được hiển thị ngay sau khi thí sinh dự thi hoàn thành phần thi gồm: Số câu hỏi trả lời đúng và thời gian hoàn thành phần thi.

* Những lưu ý dành cho thí sinh:
- Thí sinh tham gia dự thi phải khai báo chính xác thông tin cá nhân, bao gồm: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, chọn nơi cư trú và đơn vị công tác, số Căn cước công dân, số điện thoại. Trong đó, số Căn cước công dân là căn cứ để xác thực đúng đối tượng dự thi, số điện thoại để Ban Tổ chức Cuộc thi liên hệ.
- Những thí sinh đăng ký thông tin không đúng xem như không hợp lệ sẽ không được trao giải và khen thưởng.
- Tất cả thông tin về Cuộc thi được đăng tải trên website Cuộc thi trước 7 ngày. Trong quá trình tham gia dự thi, nếu thí sinh phát hiện thể lệ Cuộc thi có sai sót hoặc bị lỗi liên quan kỹ thuật phần mềm, đề nghị thông tin đến Thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi (thông qua Tổ kỹ thuật và Thư ký giúp việc - Số điện thoại: 094 534 1616; 094 747 0719) để được xem xét, giải quyết.
- Tài liệu tham khảo, website liên quan đến Cuộc thi được đăng trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Tiền Giang (https://www.tiengiang.gov.vn/) và trang thông tin điện tử của Sở Nội vụ (https://sonoivu.tiengiang.gov.vn/), Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang (https://stttt.tiengiang.gov.vn/)
Cuộc thi sẽ được tổng kết và trao giải dự kiến vào đầu năm 2025.
P.V

Đồng thời, phát huy tính năng động, tích cực của cán bộ, công chức, viên chức tham gia thực hiện Chương trình tổng thể CCHC Nhà nước giai đoạn 2021 - 2030, góp phần xây dựng nền hành chính dân chủ, chuyên nghiệp, hiện đại, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, có năng lực kiến tạo phát triển, liêm chính, phục vụ nhân dân.

Bên cạnh đó, mục đích Cuộc thi là nhằm đổi mới hình thức thông tin, tuyên truyền gắn với bồi dưỡng, trau dồi, bổ sung kiến thức và nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ CCHC, giúp cho cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm sáng tạo, cải tiến lề lối làm việc, hiệu quả hoạt động, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về CCHC trên địa bàn tỉnh; qua đó, tạo sự lan tỏa, hiệu ứng tích cực, đồng thuận xã hội trong việc thực hiện các nhiệm vụ CCHC.

* PV: Đồng chí có thể thông tin thêm về đối tượng, nội dung Cuộc thi cũng như hình thức dự thi sẽ như thế nào?

* Đồng chí Hồ Vũ Bảo: Đối tượng tham gia Cuộc thi: Là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi trở lên hiện đang sinh sống, học tập và làm việc trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Thành viên Ban Tổ chức và các bộ phận giúp việc trực tiếp tham gia vào quá trình tổ chức Cuộc thi không được tham gia Cuộc thi.

Nội dung của Cuộc thi xoay quanh các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác CCHC. Quy định của pháp luật trong các lĩnh vực, gồm cải cách thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, cải cách chế độ công vụ, cải cách tài chính công.

Các nội dung liên quan đến Chỉ số PAR Index, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); tác động của CCHC đối với sự phát triển kinh tế - xã hội.

Các thí sinh tham gia dự thi trên hệ thống phần mềm có địa chỉ https://www.thitructuyen.tiengiang.gov.vn hoặc tham dự thi tại ứng dụng TienGiangS” với hình thức trắc nghiệm trong thời gian quy định. Kết quả thi được phần mềm chấm điểm tự động và được hiển thị sau khi người tham gia hoàn thành phần thi, gồm số câu trả lời đúng và thời gian hoàn thành phần thi. Hình thức thi trực tuyến sẽ đảm bảo tính minh bạch, hiệu quả.

Căn cứ điểm d khoản 13 Điều 2 Nghị quyết 22 ngày 8-12-2023 của HĐND tỉnh Tiền Giang quy định mức chi kinh phí bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Mỗi tuần thi sẽ có 16 giải thưởng, gồm:

- 1 giải Nhất: 3.000.000 đồng + Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi.

- 2 giải Nhì: 2.000.000 đồng/giải + Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi.

- 3 giải Ba: 1.000.000 đồng/giải + Giấy chứng nhận của Ban Tổ chức Cuộc thi.

- 10 giải Khuyến khích: 500.000 đồng/giải; trong đó có 1 giải Khuyến khích cho người tham gia nhỏ tuổi nhất và 1 giải Khuyến khích cho người tham gia lớn tuổi nhất.

* PV: Đến thời điểm này, tiến độ tổ chức Cuộc thi đã thực hiện như thế nào, thưa đồng chí?

* Đồng chí Hồ Vũ Bảo: Ngay sau khi triển khai kế hoạch Cuộc thi, Sở Nội vụ (Cơ quan thường trực Ban Tổ chức Cuộc thi) đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh thành lập Ban Tổ chức Cuộc thi và các bộ phận giúp việc; ban hành Thể lệ Cuộc thi. Sở Nội vụ đã chủ trì và mời các cơ quan, đơn vị liên quan tham gia xây dựng ngân hàng câu hỏi Cuộc thi.

Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức vận hành website, phần mềm để đáp ứng hình thức, nội dung, yêu cầu của Cuộc thi; Viễn thông Tiền Giang phối hợp, hỗ trợ máy chủ (server ảo), địa chỉ IP Public, băng thông và cử cán bộ kỹ thuật tham gia phối hợp để phần mềm thi trực tuyến được vận hành hiệu quả.

Ban Tổ chức Cuộc thi cũng đã triển khai đến các sở, ban, ngành và 11 huyện, thị, thành phối hợp tuyên truyền để cán bộ, công chức, viên chức hiểu về mục đích, ý nghĩa của Cuộc thi và đảm bảo có tối thiểu 30% cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị, địa phương tham gia Cuộc thi.

Phối hợp xây dựng, đăng tải các văn bản, hướng dẫn liên quan đến Cuộc thi trên các chuyên trang, chuyên mục của các cơ quan báo chí, truyền thông của tỉnh để các cơ quan, đơn vị, đối tượng tham gia dự thi nghiên cứu, tham khảo, phục vụ Cuộc thi.

Tăng cường tuyên truyền về Cuộc thi bằng các hình thức phù hợp; phối hợp hướng dẫn kỹ cách đăng nhập thông tin, mật khẩu; nắm bắt thể lệ, nội dung câu hỏi... Qua đó, đưa thông tin về Cuộc thi lan tỏa rộng rãi và thu hút cán bộ, công chức, viên chức hưởng ứng tham gia.

Mong rằng Cuộc thi Tìm hiểu công tác CCHC năm 2024 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang sẽ thu được nhiều đối tượng tham gia, nhất là cán bộ, công chức, viên chức tích cực tham gia để nâng cao năng lực thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch của trung ương, của tỉnh về thực hiện CCHC.

Đổi mới tác phong, lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động và chất lượng phục vụ nhân dân, doanh nghiệp, nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho Cuộc thi đã sẵn sàng.

* PV: Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ PHƯƠNG

(thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/cai-cach-hanh-chinh/202410/tien-giang-san-sang-cho-cuoc-thi-tim-hieu-cong-tac-cai-cach-hanh-chinh-nam-2024-1024415/