Trồng lúa hữu cơ ở ĐBSCL: Thuận lợi và khó khăn

Ông Lê Văn Đông, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Trà Vinh cho biết trồng lúa hữu cơ 100% là chuyện khó, tuy nhiên tại Trà Vinh hiện có hàng trăm hecta đất canh tác hữu cơ với mô hình 'Con tôm ôm cây lúa' rất thành công.

Trồng lúa hữu cơ ở Trà Vinh - Ảnh: La Quốc Yên

Trồng lúa hữu cơ ở Trà Vinh - Ảnh: La Quốc Yên

Thuận lợi và khó khăn khi trồng lúa hữu cơ

Cũng theo ông Lê Văn Đông, do đặc điểm ưu việt của vùng đất cù lao ở Trà Vinh ven sông Tiền và sông Hậu nên nông dân các xã cù lao từ năm 2013 đã bắt đầu canh tác hữu cơ để thực hiện mô hình “Con tôm ôm cây lúa”. Việc áp dụng quy trình trồng lúa hữu cơ không chỉ cải thiện chất lượng sản phẩm mà còn góp phần tăng cường sức khỏe cho cả người tiêu dùng và môi trường.

Lúa hữu cơ là sản phẩm từ cây lúa được trồng và sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, nghĩa là không sử dụng hóa chất tổng hợp như phân bón hóa học và thuốc trừ sâu. Quy trình sản xuất lúa hữu cơ yêu cầu phải có khu vực trồng trọt được khoanh vùng rõ ràng, tách biệt với các khu vực sản xuất không hữu cơ để đảm bảo an toàn cho sản phẩm. Đất canh tác và nguồn nước cũng cần đảm bảo không có ô nhiễm từ hóa chất và chất thải.

Thu hoạch lúa hữu cơ ở Trà Vinh - Ảnh: V.K.K

Thu hoạch lúa hữu cơ ở Trà Vinh - Ảnh: V.K.K

Trồng lúa hữu cơ ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có những thuận lợi và khó khăn riêng, đòi hỏi người nông dân phải kiên trì và nhẫn nại cũng như hiểu biết nhiều về khoa học và quy trình.

Về thuận lợi, việc canh tác lúa hữu cơ giúp tăng cường sự bền vững cho nông nghiệp, giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, góp phần cải thiện chất lượng sản phẩm và môi trường. Các mô hình như giảm phát thải và quy trình VietGAP được triển khai phổ biến tại nhiều tỉnh đã cho thấy kết quả khả quan với năng suất lúa tăng, chi phí sản xuất giảm. Hơn nữa, việc sản xuất lúa hữu cơ cũng mang tiềm năng xuất khẩu cao, khi mà nhu cầu về thực phẩm hữu cơ trên thị trường ngày càng tăng.

Tuy nhiên, trồng lúa hữu cơ lại gặp nhiều khó khăn. Trước tiên một vùng trồng lúa hữu cơ phải có sự đồng thuận canh tác của nông dân. Năng suất lúa thường không cao bằng canh tác sử dụng phân bón vô cơ, thường chỉ đạt khoảng 50 - 80% năng suất. Câu hỏi cơ quan nào chứng nhận lúa hữu cơ để sản phẩm thuận lợi đi vào thị trường cũng là một trăn trở của bà con.

Bên cạnh đó, việc tiêu thụ sản phẩm lúa hữu cơ cũng còn bấp bênh, gây áp lực tài chính cho nông dân. Người tiêu dùng vẫn còn thói quen sử dụng nông sản truyền thống, dẫn đến thị trường tiêu thụ bị hạn chế. Hơn nữa, sự thiếu hụt về kỹ thuật quản lý cỏ dại cũng là cái khó cho nông dân. Sự hỗ trợ từ chính quyền trong việc chuyển đổi từ canh tác vô cơ theo hình thức hữu cơ cũng là thách thức lớn trong việc tổ chức sản xuất lúa.

Trúng mùa lúa hữu cơ ở cù lao Trà Vinh - Ảnh: La Quốc Yên

Trúng mùa lúa hữu cơ ở cù lao Trà Vinh - Ảnh: La Quốc Yên

Những mô hình thành công về trồng lúa hữu cơ

Hiện nay có những doanh nghiệp làm cầu nối như: Tổ chức sản xuất, bao tiêu, phân phối sản phẩm nên giá bán gạo hữu cơ, gạo ST24, ST25 canh tác hữu cơ hoặc hướng hữu cơ thường cao hơn gạo thông thường khoảng 50 - 100%. Cụ thể, gạo ST24 hữu cơ hiện có giá từ 50.000 - 80.000 đồng/kg, trong khi gạo thông thường có giá dao động từ 13.000 - 36.000 đồng/kg tùy loại.

Gạo hữu cơ do doanh nghiệp hợp tác sản xuất, bao tiêu được phân phối qua nhiều kênh khác nhau, bao gồm cửa hàng bán lẻ, siêu thị, và các nền tảng trực tuyến. Một ví dụ là cửa hàng An Bình Phát tại TP.HCM, nơi cung cấp gạo hữu cơ với hình thức mua hàng trực tuyến và giao tận nhà, rất thuận tiện cho người tiêu dùng có nhu cầu. Ngoài ra, người tiêu dùng cũng có thể mua gạo hữu cơ tại các trang thương mại điện tử chuyên cung cấp nông sản sạch và an toàn, hoặc các siêu thị.

Thu hoạch tôm ở vùng trồng lúa hữu cơ ở Cà Mau - Ảnh: Internet

Thu hoạch tôm ở vùng trồng lúa hữu cơ ở Cà Mau - Ảnh: Internet

Gạo ST24 tại Cà Mau được sản xuất theo quy trình hữu cơ kết hợp với mô hình lúa - tôm, nhằm tạo ra sản phẩm sạch và bền vững. Nông dân trồng lúa phải tuân thủ các hướng dẫn kỹ thuật nghiêm ngặt từ các kỹ sư nông nghiệp, không sử dụng phân bón hóa học hoặc thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, họ sử dụng phân bón hữu cơ và các chế phẩm sinh học để cung cấp dinh dưỡng cho cây lúa.

Hiện nay, xã Trí Lực (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau), nơi sản xuất gạo ST24, đã hình thành các hợp tác xã nông nghiệp nhằm liên kết sản xuất và tiêu thụ, giúp nông dân yên tâm hơn trong sản xuất. Sản phẩm gạo ST24 được các doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn thị trường, dao động từ 8.300 - 9.500 đồng/kg. Mô hình này không chỉ tạo ra giá trị kinh tế cao mà còn giúp nâng cao ý thức bảo vệ môi trường và phát triển bền vững cho ngành lúa gạo của tỉnh Cà Mau, đặc biệt trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Nông dân được nhắc nhở thường xuyên theo dõi sự phát triển của cây lúa và kịp thời báo cho cán bộ kỹ thuật nếu có dấu hiệu sâu bệnh, từ đó có các biện pháp khắc phục phù hợp.

Tại Kiên Giang, có HTX Nam Quý (xã Đông Thái, huyện An Biên) được biết đến với mô hình sản xuất lúa hữu cơ, đạt năng suất 6,5 - 7 tấn/ha. HTX này là một trong những đơn vị nỗ lực áp dụng quy trình sản xuất sạch và bền vững trong việc kết hợp trồng lúa với nuôi tôm. Từ diện tích 23ha ban đầu của HTX, nay đã lên hơn 75ha đất trồng lúa hữu cơ hợp tác với doanh nghiệp bao tiêu thu mua xuất khẩu gạo ST24. Bằng cách áp dụng sản xuất lúa hữu cơ, các xã viên được lợi từ việc 1ha tiết kiệm được 9 triệu đồng tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và tăng thu nhập 36 triệu đồng/ha.

Ông La Quốc Yên, Chủ nhiệm HTX Châu Hưng (Trà Vinh) cho biết: "Trồng lúa hữu cơ ở các xã cù lao Trà Vinh, nông dân sử dụng giống lúa ST25. Một năm canh tác một vụ lúa thôi, con tôm được nuôi chung với ruộng canh tác. Trong đó 1ha đất diện tích canh tác được phân chia như sau: Trồng lúa 7.290m2, còn lại 2.710m2 là đất nuôi tôm. Phân bón là phân hữu cơ 100%, gồm phân bón hữu cơ thương mại bán trên thị trường như phân gà nhập khẩu từ Nhật Bản hay phân bón hiệu Con Voi. Ngoài ra, phân bón hữu cơ nông dân ủ từ rơm rạ, cỏ hay phân động vật như trâu bò gà, phân trùng quế... cũng được người nông dân tận dụng. Khi có sâu rầy thì dùng thuốc trừ sâu sinh học. Nông dân ở đây cũng có cách diệt rầy độc đáo bằng cách cho nước sông vào ruộng ngập luôn đọt lúa. Sâu rầy khi nước ngập sẽ làm mồi cho tôm. Sau 2 -3 giờ người nông dân bắt đầu rút nước cho ruộng trở lại bình thường, không ảnh hưởng cây lúa".

Về hiệu quả của mô hình trồng lúa hữu cơ và mô hình "Con tôm ôm cây lúa", ông La Quốc Yên cho rằng giá gạo hữu cơ hiện nay HTX bao tiêu sản phẩm thu mua cao hơn giá lúa ST25 sản xuất thường trung bình 13.000 đồng/kg. Giá cung ứng cho doanh nghiệp phân phối trung bình 45.000 - 50.000 đồng/kg. Với giá này, nếu canh tác mô hình "Con tôm ôm cây lúa", nông dân thu nhập khoảng 150 triệu đồng/ha/năm. Trong đó, phần thu nhập từ canh tác lúa hữu cơ 90 triệu và thu nhập từ con tôm càng xanh 60 triệu đồng.

Sản phẩm gạo hữu cơ HTX Thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng - Ảnh: V.K.K

Sản phẩm gạo hữu cơ HTX Thương mại và sản xuất dịch vụ Châu Hưng - Ảnh: V.K.K

Nói về canh tác lúa hữu cơ, sinh thời GS-TS Võ Tòng Xuân cho rằng, trước năm 1968, khi chưa có lúa “Thần nông” thì hầu hết nông dân ĐBSCL trồng lúa hữu cơ mỗi năm 1 mùa. Hiện nay, nếu phát động trồng lúa hữu cơ là khôi phục lại truyền thống. Trồng lúa hữu cơ trước đây người nông dân sử dụng phân rơm, phân cỏ, phân trâu, phân bò ủ hoai. Hiện nay ngoài phân hữu cơ kể trên còn có phân hữu cơ sản xuất công nghiệp, thuốc trừ sâu sinh học… Vì vậy canh tác lúa hữu cơ hiện nay rất thuận lợi, đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng và có thể bảo vệ môi trường nếu chúng ta có ý chí và quyết tâm thực hiện.

Vùng trồng lúa hữu cơ HTX Châu Hưng (Trà Vinh) - Clip: La Quốc Yên

Văn Kim Khanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/trong-lua-huu-co-o-dbscl-thuan-loi-va-kho-khan-225140.html