Phước Chỉ - Đi lên từ gian khó Bài cuối: Phát huy quyền làm chủ của Nhân dân

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTGQ) xây dựng nông thôn mới (NTM), xã Phước Chỉ tập trung mọi nguồn lực, gặt hái những kết quả đáng khích lệ. Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, đời sống người dân ổn định và từng bước nâng cao.

Ông Hồ Văn Bưu- Trưởng ấp Phước Mỹ (thứ 2 từ trái qua) trao đổi về những đổi thay của ấp Phước Mỹ.

Ông Hồ Văn Bưu- Trưởng ấp Phước Mỹ (thứ 2 từ trái qua) trao đổi về những đổi thay của ấp Phước Mỹ.

Được công nhận xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020, chỉ sau 3 năm, xã Phước Chỉ tiếp tục đạt chuẩn NTM nâng cao, là địa phương thứ hai của thị xã Trảng Bàng đạt danh hiệu này. Hiện nay Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã Phước Chỉ tiếp tục nỗ lực giữ vững và nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao, tập trung đầu tư, phấn đấu, chuẩn bị sẵn sàng cho quá trình xây dựng xã NTM kiểu mẫu khi có chủ trương.

Huy động sức mạnh toàn dân

Mục tiêu chung của Chương trình MTQG xây dựng NTM được Đảng ta xác định là: Xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước hiện đại; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn nông nghiệp với phát triển nhanh công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị theo quy hoạch; xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; an ninh trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng được nâng cao.

Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ cho biết, quán triệt quan điểm đó, địa phương xác định mục tiêu cuối cùng thực hiện Chương trình xây dựng NTM là nâng cao đời sống người dân. Do đó, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý xây dựng NTM của xã đã triển khai, tuyên truyền vận động một cách cụ thể, thiết thực nhất để người dân hiểu rõ mục tiêu xây dựng NTM, tích cực tham gia thực hiện các tiêu chí theo quy định.

Nhờ đó, quá trình xây dựng NTM của xã Phước Chỉ đạt thành tựu khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản bảo đảm. Nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Hệ thống chính trị ở nông thôn củng cố và tăng cường, dân chủ cơ sở được phát huy; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn giữ vững.

Hệ thống nước lọc tại Chốt dân quân thường trực ấp Phước Mỹ.

Hệ thống nước lọc tại Chốt dân quân thường trực ấp Phước Mỹ.

Với phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, xã Phước Chỉ đã huy động trên 468 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM, trong đó có trên 11,3 tỷ đồng do người dân và các tổ chức, cá nhân đóng góp. Địa phương có sự phát triển, thay đổi rõ nét về cơ sở hạ tầng giao thông nông thôn, điện, đường, trường, trạm được quan tâm đầu tư.

Các tuyến đường trung tâm của xã đều nhựa hóa, đường giao thông liên ấp, nội đồng nâng cấp láng nhựa, sỏi đỏ, phún, đá dăm, tạo điều kiện cho người dân đi lại dễ dàng. 3/4 trường học có cơ sở vật chất đạt chuẩn mức độ 1, 1/4 trường đạt mức độ 2; cộng đồng học tập cấp xã được đánh giá tốt; 11/11 ấp đạt chuẩn văn hóa….

Cùng với việc tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, xã Phước Chỉ phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp, xây dựng nhiều mô hình phù hợp với điều kiện thực tế. Bên cạnh đó, địa phương phát triển nhiều mô hình doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động với mức thu nhập ổn định.

Từ thành công xây dựng NTM năm 2020, Phước Chỉ tiếp tục giữ vững danh hiệu NTM trong giai đoạn 2021- 2023, tiến tới xây dựng NTM nâng cao, được cấp trên công nhận vào cuối năm 2023. Tổng nguồn lực xây dựng NTM nâng cao của xã Phước Chỉ hơn 81,4 tỷ đồng, trong đó, ngân sách Thị xã hỗ trợ trên 24,4 tỷ đồng, ngân sách xã hơn 51,5 tỷ đồng, Nhân dân và doanh nghiệp đóng góp gần 5,5 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ Nguyễn Văn Minh cho biết, Phước Chỉ là xã thuần nông, trước khi xây dựng NTM, đời sống của Nhân dân vô cùng khó khăn, nhất là 4 ấp ven sông Vàm Cỏ Đông. Qua xây dựng NTM và NTM nâng cao, người dân được thụ hưởng nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế hộ gia đình. Đến hết năm 2024, thu nhập bình quân đầu người tăng cao, năm 2020 đạt bình quân gần 60 triệu đồng/người/năm; đến năm 2024 tăng lên trên 85 triệu đồng/người/năm; xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 0,22%.

Sức sống mới trên vùng đất anh hùng

Có thể nói những thành tựu đạt được trong xây dựng NTM nâng cao trên các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho thấy Phước Chỉ đang chuyển mình vươn lên để hội nhập và phát triển. Đó là minh chứng cho sự quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân trong xã. Những giá trị to lớn từ kết quả xây dựng NTM, NTM nâng cao tạo nên diện mạo mới, sức sống mới cho vùng đất biên giới này. Thêm một lần nữa khẳng định xây dựng NTM là chủ trương đúng đắn của Đảng, một chủ trương hợp lòng dân.

Chất lượng môi trường sống được nâng lên, số hộ sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn quốc gia đạt trên 81%. Toàn xã có 10 công trình cấp nước tập trung hoạt động hiệu quả. Ấp Phước Mỹ tiếp giáp Campuchia, là vùng biên giới còn nhiều khó khăn nhất của xã, hiện nay 100% hộ dân của ấp có nước sạch sử dụng.

Ông Hồ Văn Bưu- Trưởng ấp Phước Mỹ chia sẻ, làm trưởng ấp hơn 10 năm, ông chứng kiến sự đổi thay từng ngày của vùng biên giới này. Toàn ấp có 93 hộ với 340 nhân khẩu, hầu hết làm nghề nông, chủ yếu là cây lúa. Trước đây cuộc sống kinh tế của bà con trong ấp rất khó khăn, gần như là nơi nghèo khó nhất của xã.

Đường đi cách trở, mùa khô có thể di chuyển bằng xe honda, nhưng mùa mưa chỉ có đi bộ hoặc ghe, xuồng. Hiện nay được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư đường giao thông đi lại thuận tiện, có thể chạy xe ô tô đến nơi; hệ thống đê bao tiều vùng, kênh thủy lợi vừa tháo phèn vừa dẫn nước tưới quanh năm, nhờ đó năng suất cây lúa tăng lên, đời sống người dân khấm khá hơn.

Đặc biệt, tỉnh đầu tư cụm dân cư tập trung với đầy đủ cơ sở hạ tầng thiết yếu, diện tích 52.596m2, tổng mức đầu tư hơn 24 tỷ đồng, đã có 87 hộ dân xây nhà ở kiên cố trong cụm dân cư. Đời sống người dân ấp Phước Mỹ đã khá lên từng ngày.

Ông Dương Văn Lượng phấn khởi khi được sử dụng nước lọc miễn phí.

Ông Dương Văn Lượng, sinh năm 1953, cư dân ấp Phước Mỹ từ năm 1979 nhớ lại: “Hồi chú Ba Ốm (Nguyễn Văn Chắc) làm Phó Bí thư Tỉnh ủy, khoảng năm chín mươi mấy, chú rất quan tâm đời sống người dân ở đây, chú thường vào thăm và mua cho ấp một cái máy phát điện lớn lắm, chạy bằng dầu, người dân mừng lắm, vì thời đó đâu có điện, điều kiện còn thiếu thốn, nhưng dân thì nghèo quá đâu có tiền mua dầu để chạy máy phát điện. Có lần mê xem bóng đá, cả chục hộ hùn tiền mua dầu, xem có trận bóng mà tốn cả chục giạ lúa nên sau đó không sử dụng nữa”.

Ông Dương Văn Lượng lấy nước lọc từ Chốt dân quân thường trực ấp Phước Mỹ.

Ông Dương Văn Lượng lấy nước lọc từ Chốt dân quân thường trực ấp Phước Mỹ.

Theo ông Lượng, người dân nơi đây rất biết ơn Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh các thời kỳ đều rất quan tâm, chăm lo phát triển vùng đất này. Mỗi giai đoạn đều có sự quan tâm đầu tư khác nhau, cho đến hôm nay, người dân Phước Mỹ rất hạnh phúc khi có đường giao thông thông suốt, có điện lưới quốc gia thắp sáng và sinh hoạt, có đê bao ngăn lũ, có thủy lợi tưới tiêu quanh năm, đặc biệt là “uống nước lọc miễn phí”, mọi thứ đã được Đảng và Nhà nước lo, người dân giờ chỉ tập trung sản xuất để làm giàu.

Hiện nay, tại Chốt dân quân thường trực ấp Phước Mỹ được Bộ CHQS tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh tài trợ lắp đặt hệ thống lọc nước công nghệ hiện đại, người dân trong ấp hằng ngày đến lấy nước sạch từ hệ thống lọc để uống, không phải tốn tiền mua nước bình như ở các địa phương khác, kể cả vùng đô thị.

Ông Nguyễn Văn Minh- Chủ tịch UBND xã Phước Chỉ chia sẻ, cơ sở hạ tầng thiết yếu được hoàn thiện, góp phần phát huy tiềm năng, thế mạnh kinh tế nông nghiệp, xã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, lựa chọn xây dựng mô hình liên kết, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, duy trì và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, định hướng hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để phát triển chuỗi giá trị.

Đê bao tiểu vùng ấp Phước Hòa.

Đê bao tiểu vùng ấp Phước Hòa.

Trên địa bàn có 4 hợp tác xã (HTX) được thành lập và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở địa phương gồm: HTX dịch vụ nông nghiệp Thanh Niên Phước Chỉ (ấp Phước Mỹ); HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa (ấp Phước Hòa); HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Bình (ấp Phước Bình) và HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản Tràm Cát (ấp Phước Trung).

Lãnh đạo xã Phước Chỉ tham quan mô hình nuôi cá lóc của HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản Tràm Cát.

Lãnh đạo xã Phước Chỉ tham quan mô hình nuôi cá lóc của HTX dịch vụ nông nghiệp nuôi trồng thủy sản Tràm Cát.

Các HTX chủ động trong liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp tiêu biều, chất lượng dựa trên thế mạnh sẵn có ở địa phương. HTX dịch vụ nông nghiệp Phước Hòa có hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa chất lượng cao với diện tích hằng năm trên 200 ha; có sản phẩm OCOP gạo ST25 đạt sản phẩm 3 sao.

HTX dịch vụ nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản Tràm Cát đang phát triển mô hình nuôi cá lóc, trê, rô và sản xuất khô cá lóc, cá lóc tươi đóng gói, rau móp muối chua… Mô hình HTX hoạt động hiệu quả làm tiền đề để địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, góp phần nâng cao đời sống người dân.

Ngô Mẫn - Đại Dương

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/bai-cuoi-phat-huy-quyen-lam-chu-cua-nhan-dan-a180639.html