Phương cách nào giúp Vietnam Airlines thoát 'cơn bĩ cực'?Phương cách nào giúp Vietnam Airlines thoát 'cơn bĩ cực'?

Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đang đề xuất Chính phủ hỗ trợ 'tái cấp vốn' với quy mô lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Ngay khi đề xuất này được đưa ra, hàng loạt các câu hỏi được đặt ra: Có xác đáng không? Phương cách nào? Pháp lý ra sao?...

 VNA lỗ 2.545 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Ảnh: Anh Quân

VNA lỗ 2.545 tỉ đồng trong 3 tháng đầu năm nay. Ảnh: Anh Quân

Nhu cầu hỗ trợ của VNA có xác đáng hay không?

Khi doanh nghiệp kêu cứu, dư luận sẽ đặt ngay câu hỏi đầu tiên: nhu cầu đó có xác đáng hay không? Đặc biệt với các doanh nghiệp nhà nước, câu hỏi về tính xác đáng này càng cấp thiết hơn. Lý do cố hữu có lẽ nằm ở tính minh bạch thông tin của cộng đồng doanh nghiệp nhà nước.

Với VNA, câu chuyện có phần khác. VNA là một công ty cổ phần niêm yết trên thị trường chứng khoán HOSE. Do đó, đa phần thông tin về tài chính của hãng này minh bạch, công khai trên thị trường.

Xem xét báo cáo tài chính hợp nhất của VNA ở thời điểm quý 1 năm nay, so sánh với số liệu cuối năm 2019 và cùng kỳ năm ngoái, chúng ta dễ dàng nhận thấy “cơn bĩ cực” của VNA là hiện hữu và vì vậy, nhu cầu “giải cứu” là xác đáng.

Cụ thể, so với cùng kỳ, doanh thu quý 1 năm nay của VNA giảm gần 30%, từ 25.752 tỉ đồng xuống còn 18.973 tỉ đồng; lợi nhuận gộp bán hàng theo đó đã âm (lỗ) 632 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái hãng này đã lãi gần 4.000 tỉ đồng.

Chi phí bán hàng cũng đã giảm từ 1.430 tỉ đồng xuống còn 814 tỉ đồng trong quý 1. Ngoài ra, VNA cũng đã có động thái cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 541 tỉ đồng xuống còn 398 tỉ đồng. Kết hợp tổng thể thu chi, VNA lỗ 2.545 tỉ đồng (trong khi cùng kỳ lãi 1.579 tỉ đồng) trong ba tháng đầu năm nay.

Nói như vậy không đồng nghĩa với việc tác giả bài viết đồng tình với con số 12.000 tỉ đồng. Thiệt hại là có, song, thiệt hại bao nhiêu, nhu cầu vốn cần hỗ trợ là bao nhiêu thì cần phải có đủ cơ sở, dự toán và lập luận đầy đủ. Hơn ai hết, VNA hiểu rõ nhất về nhu cầu của mình, họ cần tính toán và quan trọng nhất là phải công khai các cơ sở tính toán của mình để công luận và cơ quan chức năng xem xét cụ thể.

Phương cách nào cho VNA?

 VNA đề xuất Chính phủ hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Ảnh: Anh Quân

VNA đề xuất Chính phủ hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô lên tới hơn 12.000 tỉ đồng. Ảnh: Anh Quân

Từ những khó khăn đó, VNA kiến nghị Chính phủ (vai trò chủ sở hữu phần vốn nhà nước) hỗ trợ “tái cấp vốn” với quy mô 12.000 tỉ đồng, trong đó cho vay tối thiểu 4.000 tỉ đồng trong ba năm với lãi suất ưu đãi; phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn đối với phần còn lại, cổ đông nhà nước có thể giao 1 đơn vị mua phần cổ phần này, có thể là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC).

Về trung dài hạn, VNA kiến nghị Chính phủ bảo lãnh cho hãng phát hành trái phiếu 10 năm, quy mô 10.000 tỉ đồng để thực hiện dự án đầu tư đội máy bay giai đoạn 2021-2025.

Về đề xuất vay của VNA, vấn đề đặt ra là ai cho vay? Liệu ngân sách nhà nước (NSNN) có thể cho vay? Câu trả lời là không, hay đúng hơn là “Không thể xử lý được lúc này”, mặc dù Luật NSNN có quy định về việc cho vay của NSNN (khoản 6, điều 36, Luật NSNN 2015).

Tuy nhiên, với nguyên tắc “Toàn bộ các khoản thu, chi ngân sách phải được dự toán, tổng hợp đầy đủ vào ngân sách nhà nước (khoản 2, điều 8, Luật NSNN 2015)” thì việc cho vay đối với VNA lúc này là không thể thực hiện được.

Nhìn sang ngân hàng, VNA cũng không thể vay trực tiếp từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bởi NHNN chỉ cho vay tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng. Như vậy, con đường gần như là duy nhất của VNA là vay từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, quyền tự chủ kinh doanh của mỗi doanh nghiệp được pháp định. Ngân hàng thương mại (NHTM), kể cả NHTM Nhà nước, cũng phải hoạt động trên cơ sở pháp luật, quyết định cho vay phải được dựa trên cơ sở quy chế cho vay, tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh.

Do vậy, Chính phủ không thể “ép” các NHTM (kể cả NHTM Nhà nước) cho vay. Chính phủ chỉ có thể hỗ trợ thông qua hai cách: (1) Chính phủ bảo lãnh khoản vay cho VNA tại các NHTM; (2) Chính phủ hỗ trợ một phần lãi suất cho VNA, trực tiếp từ dự phòng NSNN hoặc gián tiếp qua việc chỉ đạo hoặc giao NHNN giảm lãi suất tái cấp vốn cho NHTM giải ngân cho VNA vay.

Về đề xuất giao SCIC mua cổ phần VNA, theo nguyên lý quản lý vốn nhà nước, đề xuất này là có cơ sở. Lý do: cổ đông lớn nhất của VNA là Nhà nước, do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước (UBQLVNN) làm đại diện chủ sở hữu và SCIC cũng do UBQLVNN làm đại diện chủ sở hữu. Việc phát hành thêm cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, Nhà nước có thể giao lại cho SCIC tham gia đầu tư.

Tuy nhiên, nhiều rào cản pháp lý và rủi ro cũng hiện hữu đối với SCIC. SCIC cần được chủ động phân tích, quyết định và chịu trách nhiệm cho quyết định đầu tư của mình. Tuyệt nhiên không nên yêu cầu SCIC tham gia bằng một quyết định hành chính.

Lê Trần

Nguồn Saigon Times: https://www.thesaigontimes.vn/td/306137/phuong-cach-nao-giup-vietnam-airlines-thoat-con-bi-cuc.html