Phương Tây trước ngã rẽ quyết định: Hỗ trợ vũ khí hay thúc đẩy Ukraine đàm phán?
Câu hỏi đặt ra hiện này là liệu phương Tây có cung cấp cho Kiev mọi thứ họ cần để giành lại lãnh thổ hay không? Nếu cuộc phản công của Ukraine không thành công, Mỹ và đồng minh sẽ thúc đẩy họ từ bỏ hay chiến đấu mạnh mẽ hơn?
Câu hỏi của phương Tây
Trong khi Ukraine thừa nhận cuộc phản công đang tiến triển chậm hơn kỳ vọng thì phương Tây bắt đầu thảo luận về các lựa chọn trong bối cảnh hiện nay cũng như tương lai của cuộc xung đột.
Trên thực tế, Ukraine giành lại tương đối ít lãnh thổ trong chiến dịch phản công này cũng như buộc phải đưa lực lượng dự trữ vào trận song lại không đạt được đột phá quan trọng. Dù vậy, giới quan sát phương Tây cho rằng còn quá sớm để khẳng định cuộc phản công đã thất bại.
Nhà quan sát Matthew Kroenig, Phó Chủ tịch, đồng thời là Giám đốc cấp cao tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Scowcroft thuộc Hội đồng Đại Tây Dương nhận định, một phần của vấn đề không phải nằm ở khả năng của Ukraine mà là những kỳ vọng thiếu thực tế của phương Tây. Mặc dù Kiev được huấn luyện và trang bị các vũ khí hiện đại từ phương Tây nhưng các chiến thuật này không được áp dụng phù hợp khi họ thiếu ưu thế trên không. Điều này đặt Kiev vào thế bất lợi giữa bối cảnh xe tăng và xe bọc thép mà Mỹ và đồng minh hỗ trợ Ukraine là mục tiêu của trực thăng tấn công của Nga. Bên cạnh đó, đội quân mới được huấn luyện của Ukraine chưa được thử thách và thiếu kinh nghiệm chiến đấu khi cuộc phản công bắt đầu. Thậm chí, với vũ khí và sự huấn luyện từ phương Tây, Ukraine vẫn gặp khó khăn trong tác chiến hiệp đồng binh chủng ở quy mô lớn. Đó còn là chưa kể hệ thống phòng thủ của Nga ở Ukraine là hệ thống trải rộng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II, chạy suốt từ Kherson ở phía Nam tới phía Bắc, được bố trí kiên cố và phức tạp.
Barry Posen, nhà phân tích quân sự và chiến lược đã bình luận trên Foreign Policy cách đây vài tuần rằng, "lịch sử quân sự cho thấy những thách thức ở Ukraine khó khăn hơn nhiều so với những gì thường thấy - ít nhất là trong cái nhìn của dư luận phương Tây". Nga đã có nhiều tháng để xây dựng chiến hào, củng cố các hệ thống phòng thủ và cài mìn, vì thế, Ukraine đang chiến đấu trong một cuộc giao tranh vô cùng cam go.
Nhà quan sát Emma Ashford, học giả cấp cao tại chương trình Định hình lại Đại chiến lược Mỹ thuộc Trung tâm Stimson cho rằng, ông Posen đã đúng khi nói về thái độ của các nhà hoạch định chính sách và dư luận phương Tây, rằng họ không hiểu mức độ khốc liệt và khó khăn của cuộc xung đột ở Ukraine, đặc biệt là khi Kiev chưa chiếm được ưu thế trên không.
Câu hỏi đặt ra hiện này là liệu phương Tây có cung cấp cho Kiev mọi thứ họ cần để giành lại lãnh thổ hay không? Mỹ và đồng minh sẽ có động thái gì tiếp theo? Nếu cuộc phản công của Ukraine không thành công, phương Tây sẽ thúc đẩy họ từ bỏ hay chiến đấu mạnh mẽ hơn?
Hỗ trợ vũ khí hay thúc đẩy đàm phán?
Những người có quan điểm Ukraine nên từ bỏ lập luận rằng một cuộc phản công chững lại cho thấy việc Ukraine giành lại tất cả các vùng lãnh thổ là bất khả thi. Do đó, Kiev nên đàm phán về một lệnh ngừng bắn, theo đó cho phép Nga kiểm soát một số khu vực ở Ukraine. Gần đây, Chánh văn phòng Tổng thư ký NATO - ông Stian Jenssen đã đề xuất Ukraine có thể nhượng lãnh thổ cho Nga để đổi lấy tư cách thành viên NATO và chấm dứt xung đột. Mặc dù sau đó, ông Jenssen nói rằng việc đưa ra nhận định trên một cách đơn giản như vậy là "sai lầm" nhưng ông không rút lại ý tưởng đề xuất Ukraine đổi đất lấy tư cách thành viên NATO. Theo ông, nếu các cuộc đàm phán hòa bình nghiêm túc diễn ra thì tình hình quân sự hiện nay, bao gồm cả việc ai kiểm soát lãnh thổ nào, "sẽ có ảnh hưởng quyết định".
Trong khi đó, bên ủng hộ Ukraine chiến đấu mạnh mẽ hơn cho rằng, sự ủng hộ của phương Tây cho Ukraine chưa đủ và điều đó khiến Kiev phải chiến đấu với "một tay bị trói chặt phía sau". Chuyên gia Matthew Kroenig nhận định, trước thực tế phản công khó khăn do thiếu ưu thế trên không, phương Tây nên khắc phục điều đó bằng cách cung cấp máy bay chiến đấu, vũ khí tầm xa, hệ thống phòng không và phòng thủ tên lửa cho Ukraine.
Lý do mà nhiều nước phương Tây do dự hỗ trợ những gì Ukraine yêu cầu là lo ngại Nga leo thang xung đột. Theo ông Matthew Kroenig, việc Nhà Trắng áp dụng hướng tiếp cận cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine đủ để tiếp tục chiến đấu nhưng không khiêu khích Nga sẽ không hiệu quả.
"Tôi nghĩ chúng ta đang ở thời điểm phải lựa chọn. Nếu phương Tây thực sự muốn Ukraine chiến thắng theo như những gì họ đã khẳng định trong các tuyên bố gần đây, trong đó có tuyên bố tại Thượng đỉnh G7, thì họ cần phải bắt đầu hành động như vậy".
Dù vậy, chuyên gia Emma Ashford bình luận, việc Nhà Trắng thận trọng về việc cung cấp vũ khí quân sự mới cho Ukraine do lo ngại leo thang là một quyết định hợp lý. Ông dẫn ra rằng, Ukraine đã cam kết sẽ không sử dụng các hệ thống vũ khí Mỹ cung cấp để tấn công các mục tiêu bên trong lãnh thổ Nga nhưng hiện nay họ thường xuyên nhắm vào Moscow.
Dù vậy chuyên gia Ashford cũng đặt câu hỏi: "Trong bối cảnh này, hướng tiếp cận nào là phù hợp nhất? Chấp nhận một cuộc xung đột tiêu hao hay nỗ lực tìm kiếm một lệnh ngừng bắn?". Theo ông, cả hai giải pháp đều có những hạn chế nhất định nhưng thực tế là gần như không còn lựa chọn khác cho cuộc xung đột này.
Chuyên gia Matthew Kroenig cho rằng nếu Mỹ phải chiến đấu trong cuộc xung đột này, Washington sẽ sử dụng mọi thứ mà họ sẵn có từ ngày đầu tiên, nhưng họ đã cung cấp sự hỗ trợ cho Ukraine một cách nhỏ giọt trong thời gian qua.
"Tôi hy vọng Washington sẽ cung cấp mọi thứ mà Ukraine muốn, ngoại trừ vũ khí hạt nhân, không quá trễ và không quá ít".
Ông Kroenig giải thích, kho vũ khí hiện nay ở mức thấp không phải vì phương Tây cung cấp cho Ukraine nhiều sự hỗ trợ đến vậy mà do chúng đã trong tình trạng không đủ ngay từ đầu và đây là lời cảnh báo với ngành quốc phòng các nước này,
Tuy nhiên, ông Emma Ashford đã chỉ ra 2 lý do chính quyền Tổng thống Biden hành động thận trọng trong cuộc xung đột ở Ukraine, đó là Mỹ không muốn tham gia vào một cuộc chiến hạt nhân với Nga và các lợi ích của Washington ở Ukraine không lớn đến mức nước này sẽ can thiệp trực tiếp vào đây.
"Tôi không nghĩ người dân Mỹ sẽ lựa chọn xây dựng một nền kinh tế thời chiến để cung cấp đạn dược cho Ukraine", nhất là giữa bối cảnh đa số công chúng phản đối hỗ trợ thêm cho Kiev. Ông cho rằng Mỹ không thể cung cấp cho Ukraine những gì nước này cần để giành lại lãnh thổ mà không mạo hiểm đặt cược các lợi ích của mình cũng như cái giá phải trả về kinh tế.
Chuyên gia này cũng đánh giá, hiện nay, khó có khả năng diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình nhưng là thời điểm phù hợp để xem liệu có bất kỳ khả năng nào theo đuổi một lệnh ngừng bắn sau khi cuộc phản công kết thúc hay không.