Phương Tuấn - Sao mai trên sân khấu chèo
'Em đã từng trốn bố mẹ, vượt hơn 80 km đường rừng đến thi tuyển vào Nhà hát Chèo Bắc Giang. Nếu sau này được chọn lại, em vẫn theo đuổi sự nghiệp diễn xuất để được thăng hoa hết mình trên sân khấu chèo'.- Đó là chia sẻ của diễn viên Phương Tuấn, Nhà hát Chèo Bắc Giang.
6 tuổi đã biết hát chèo
Diễn viên Phương Tuấn tên đầy đủ là Phương Văn Tuấn (SN 1994), nam diễn viên trẻ tài năng của Nhà hát Chèo Bắc Giang. Anh sinh ra và lớn lên ở thôn Họa, xã Cấm Sơn (Lục Ngạn).
Từ nhỏ, cậu bé Tuấn rất thích nghe chèo. Ngày đó, ở xã đặc biệt khó khăn Cấm Sơn chưa có phương tiện nghe nhìn hiện đại như bây giờ. Nhà ông nội có chiếc đài cát-xét cổ, Tuấn thường sang chơi, nghe những vở chèo cổ như: "Quan Âm Thị Kính", "Lưu Bình - Dương Lễ", các chương trình dân ca của Đài Tiếng nói Việt Nam. Những giai điệu chèo "ngấm" vào cậu bé lúc nào không hay. Hơn 6 tuổi, Tuấn đã biết hát những bài chèo cổ như: "Con nhện giăng mùng", "Đào liễu", "Nhịp đuổi". Khi học tiểu học và THCS, Phương Tuấn là cây văn nghệ có tiếng của trường.
Năm 2009, Nhà hát Chèo Bắc Giang phối hợp với Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch tuyển tài năng nghệ thuật, Phương Tuấn trốn gia đình, đi hơn 80 km đến dự tuyển vì bố không đồng ý. "Lý do bố ngăn cản vì làm nghệ thuật vất vả, lại là diễn viên chèo, học xong khó xin việc. Thêm nữa, càng ngày càng hiếm người nghe, xem loại hình nghệ thuật này", Tuấn tâm sự.
Trải qua nhiều phần thi năng khiếu khắt khe, vượt qua hàng chục thí sinh, Phương Tuấn trúng tuyển vào Trường Trung cấp Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Giang, chuyên ngành diễn viên chèo. Lúc trúng tuyển, Phương Tuấn gầy, thấp bé, nhiều người lo ngại cậu không đủ sức khỏe để theo đuổi sự nghiệp. Tuy nhiên, vốn có năng khiếu, thông minh, nhạy bén trong cảm thụ, dưới sự dìu dắt của các thầy cô giáo, Tuấn đã nhanh chóng khẳng định bản thân, là sinh viên xuất sắc của trường.
Phương Tuấn bén duyên với những vai hề từ khi bước chân vào sân khấu chèo. Hề chèo là vai diễn rất đặc trưng trong các vở chèo cổ, “phi hề bất thành chèo” (không có hề không thành chèo) song đây cũng là vai diễn rất khó. Ngôn ngữ của vai hề trong chèo cổ thường đả kích những thói hư tật xấu của xã hội phong kiến như vua, quan, người có quyền, có của ở làng xã.
Nghệ thuật tung hứng của các "anh hề" không chỉ mang lại tiếng cười cho người xem mà còn chuyển tải cả tinh thần, tư tưởng của vở diễn. Vì thế, không ít nhà hát chèo nhiều năm không tìm được diễn viên đóng vai hề. Phương Tuấn thường được giao vào vai hề áo ngắn (hề gậy và hề mồi). Hề gậy thường là các anh chàng hề đồng, lóc cóc mang gậy chạy theo hầu thầy. Hề mồi là những nhân vật hầu hạ sai vặt trong nhà hoặc lính canh hầu nơi quan phủ. Chỉ là “anh hề” nhưng đây lại là vai diễn chính, xuất hiện nhiều trong vở diễn.
"Để lấy được tiếng cười của khán giả không đơn giản. Mặc dù được đạo diễn hướng dẫn về lối diễn song đây chỉ là gợi ý; diễn viên phải tự tạo ra phong cách, cảm xúc, sự thăng hoa trên sân khấu - điều không hề có trong sách vở. Nếu diễn hôm nay, khán giả không cười hoặc cười ít, diễn viên phải tự suy ngẫm tại sao, từ đó thay đổi cách diễn để gây cười cho khán giả ở những buổi sau", Phương Tuấn chia sẻ.
Trưởng thành qua từng vai diễn
Là người có năng khiếu, luôn nỗ lực hết mình, được các nghệ sĩ tên tuổi kèm cặp, giúp đỡ, Phương Tuấn ngày càng trưởng thành. Mỗi vai diễn anh đảm nhận là một thử thách, bởi mỗi nhân vật là một con người, thân phận khác nhau. Để có được vai diễn thành công là quá trình rèn luyện vô cùng gian nan, vất vả. Ngoài tập luyện tại cơ quan, có những đêm khi đang nằm trên giường, chợt nảy ra lối diễn, cách hát tâm đắc, sợ mọi người thức giấc, anh vùng dậy chạy ra vườn tự hát, diễn thử. Chiếc gương, điện thoại luôn là người bạn bên cạnh để "giám sát", dõi theo, ghi lại những hình ảnh anh tập luyện tại nhà. Mỗi lần như thế, anh nhận ra những ưu, nhược điểm để phát huy, khắc phục.
7 năm trên sân khấu chèo, diễn viên Phương Tuấn giành nhiều huy chương tại các kỳ liên hoan, cuộc thi chèo toàn quốc, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc. Năm 2023, Phương Tuấn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn Bắc Giang tôn vinh.
Một trong những kỷ niệm đáng nhớ trong sự nghiệp diễn xuất của anh đó là buổi biểu diễn tại Bệnh viện Ung bướu tỉnh cách đây hơn 3 năm.
Trong vở chèo đó, anh vào vai hề Cu Sứt. Đây là nhân vật gây tiếng cười từ đầu đến cuối vở diễn, được khán giả yêu thích. Khi diễn đến đoạn Cu Sứt liên tục cãi cha, một bệnh nhân cao tuổi ngồi ở dưới bất ngờ chạy lên sân khấu, tức giận giằng gậy của ông bố (nhân vật trong vở diễn) vụt cho Cu Sứt một cái vào lưng.
Đang mải nhập vai, Phương Tuấn không hiểu chuyện gì, nghĩ là vị khán giả trêu đùa, nhưng ông lại tiếp tục cầm gậy đuổi theo. "Các bác sĩ phải chạy lên sân khấu kéo vị khán giả về chỗ và giải thích đây là vai diễn, lúc đó ông cụ mới về chỗ, tiếp tục theo dõi vở diễn. Mỗi khi nhắc lại kỷ niệm đó, tôi không thể nhịn được cười", Tuấn nhớ lại.
Còn nhớ nhiều lần phải cầm quạt lớn, cồng kềnh, xòe rộng để múa, anh phải cố hết sức, bàn tay nhiều khi rỉ máu. Hoặc những vai diễn chân phải giả khoèo, đi kiễng, gan bàn chân sưng tấy, anh phải uống thuốc giảm đau. Do thường xuyên phải diễn tối, Phương Tuấn rời nhà từ chiều, có hôm biểu diễn ở miền núi, vùng cao, diễn xong về nhà đã 1-2 giờ sáng. Không ít đêm mưa, rét căm căm, diễn ngoài trời, trang phục của vai diễn phong phanh, lạnh thấu xương nhưng anh gắng chịu, phải dán cao chống cảm lạnh vào lưng để diễn.
Nghệ sĩ Nhân dân Tạ Quang Lẫm, Giám đốc Nhà hát Chèo Bắc Giang chia sẻ: Vai hề không phải ai cũng diễn được mà phải có tố chất. Phương Tuấn là diễn viên trẻ, thông minh, say nghề, có thể đảm nhận nhiều vai diễn, trong đó thành công nhất là các vai hề. Ở các vai diễn, Phương Tuấn đều có sự đầu tư lớn, luôn tìm tòi, sáng tạo để tạo ra nhân vật mang màu sắc riêng của mình.
Gắn bó 7 năm trên sân khấu chèo, diễn viên Phương Tuấn giành nhiều huy chương tại các kỳ liên hoan, cuộc thi chèo toàn quốc, trong đó có 1 Huy chương Vàng, 4 Huy chương Bạc ở các vở: "Kim Nham", "Hoàng Thúc Lý Long Tường", "Bến Đợi", "Giàu nghèo, giả thật"… Cá nhân anh được tặng nhiều bằng khen, giấy khen. Đặc biệt, năm 2023, Phương Văn Tuấn là một trong 10 gương mặt trẻ tiêu biểu được Tỉnh đoàn Bắc Giang tôn vinh.
Không chỉ diễn chèo, Phương Tuấn còn tham gia dạy chèo, hát then, đàn tính, quan họ cho các câu lạc bộ văn nghệ ở nhiều trường học, truyền tình yêu nghệ thuật tới học sinh. Phương Tuấn đã thu thanh hơn 60 bài hát chèo, quan họ, then để lưu làm kỷ niệm, đồng thời đăng tải trên mạng xã hội Youtube thu hút hàng trăm nghìn lượt người theo dõi.
Một mùa xuân mới đang về mang theo bao niềm tin và khát vọng. Cũng như nhiều diễn viên của Nhà hát, Phương Tuấn luôn khát khao tiếp tục được thử sức, cống hiến và cháy hết mình trên sân khấu chèo, tạo được dấu ấn tốt đẹp trong lòng khán giả ở từng vai diễn, xứng đáng với niềm tin yêu của người hâm mộ.
Bài, ảnh: Công Doanh