Press Corner: Kết nối hợp tác đầu tư với đối tác nước ngoài phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo
Báo Thế giới và Việt Nam thực hiện Press Corner Đại sứ & Doanh nghiệp, phiên thứ hai với chủ đề 'Kết nối hợp tác đầu tư với đối tác nước ngoài phát triển công nghệ cao và đổi mới sáng tạo' chiều 15/12, bên lề Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài với các hiệp hội và doanh nghiệp Việt Nam.
Tham sự Press Corner phiên thứ hai có Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng; ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam - VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT; ông Lưu Ngọc Hiền - Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam; ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dự án & công nghiệp Top Land.
Nhận định về cơ hội, Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam và Mỹ đang đứng trước thuận lợi lớn.
Về phía Mỹ, doanh nghiệp rất nhạy cảm chính trị, họ có xu hướng tìm đến những đất nước có tình hình chính trị ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp Mỹ cũng rất thực tế về các cơ hội làm ăn và Việt Nam đang sở hữu điều đó.
“Kể từ khi hai nước quyết định nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đã tạo sự quan tâm mạnh mẽ với doanh nghiệp Mỹ. Đến đất nước hình chữ S, họ sẽ thấy được những cơ hội mới - Việt Nam là điểm đến hấp dẫn, có hệ sinh thái, công nghệ cao...
Đặc biệt, doanh nghiệp Mỹ ngạc nhiên khi thấy thị trường Việt Nam đã sẵn sàng nhiều thứ. Điều này đã tạo làn sóng quan tâm tới Việt Nam và một môi trường tốt để hai bên cùng tìm hiểu và kết nối”, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng nhấn mạnh.
Trao đổi với đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng cho hay, với các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, việc kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương với các đối tác quốc tế luôn là ưu tiên, là nhiệm vụ hàng đầu.
Để gia tăng cơ hội kết nối, người đứng đầu Cơ quan đại diện Việt Nam tại Mỹ kỳ vọng doanh nghiệp chủ động “đặt hàng”, ra “bài tập cụ thể” với Đại sứ quán.
“Chúng tôi mong muốn doanh nghiệp có một lộ trình, kế hoạch cụ thể, chủ động tìm hiểu thị trường, tìm hiểu về các đối tác trước khi đưa ra đề xuất. Đề xuất càng cụ thể càng tốt, từ đó chúng tôi mới biết được là cần phải hỗ trợ doanh nghiệp hợp tác trong những lĩnh vực nào, cần kết nối với ai, đối tác nào”, Đại sứ đề xuất.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Khoa, Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam – VINASA, Tổng giám đốc Tập đoàn FPT đánh giá, sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, tính lan tỏa và cộng hưởng rất lớn. Ngay sau đó, rất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã đặt vấn đề với FPT và các doanh nghiệp công nghệ thông tin Việt Nam.
“Họ đã nhìn thấy những tín hiệu và đặt lịch làm việc với các đối tác Việt Nam từ rất sớm, số lượng cũng tăng lên gấp 3 lần so với thời điểm trước đây”, ông Khoa thông tin.
Chủ tịch VINASA cho biết, Việt Nam có hơn 70.000 doanh nghiệp công nghệ thông tin, riêng doanh thu từ ngành phần mềm chiếm 16 tỷ USD. Với đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đây là thời điểm Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để tham gia vào chuỗi đổi mới sáng tạo toàn cầu, tham gia vào sân chơi của "những người chơi lớn" như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Chia sẻ về thách thức của doanh nghiệp, ông Phạm Thanh Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Dự án & công nghiệp Top Land cho rằng, có ba thách thức chính.
Thứ nhất, gia tăng cạnh tranh thu hút FDI của các quốc gia trong khu vực. Trong khi đó, Việt Nam chưa thực sự mạnh mẽ trong các chính sách thu hút đầu tư mới.
Thứ hai, thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng từ năm 2024 sẽ làm giảm hấp dẫn về ưu đãi thuế dành cho các doanh nghiệp khi đầu tư vào Khu công nghiệp. Trong khi đó, chúng ta cũng chưa có đối sách rõ ràng và mạnh mẽ.
Thứ ba, do quá trình phê duyệt dự án còn chậm, chi phí đền bù, chi phí chuẩn bị mặt bằng tăng cao, nên làm giảm nguồn cung ra thị trường, làm tăng giá đất công nghiệp
Ông Tùng cho biết, Top Land là sở hữu cơ sở dữ liệu lớn về khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên cả nước. Doanh nghiệp sở hữu lực lượng cán bộ, cộng tác viên đông đảo, có trình độ tư vấn dày dặn kinh nghiệm, hiểu biết sâu từ tư vấn địa điểm đầu tư, thiết kế, thi công, các ngành phụ trợ sản xuất và nguồn vốn tài trợ cho dự án cung cấp dịch vụ tư vấn trọn gói và miễn phí cho các nhà đầu tư. Điều này giúp rút ngắn thời gian nghiên cứu dự án của nhà đầu tư từ vài tháng xuống còn vài tuần.
Ông Tùng cho rằng, xu hướng đầu tư bất động sản xanh và bền vững là xu hướng tất yếu, tuy nhiên, cần có sự vào cuộc tuyên truyền quyết liệt của Chính phủ. Các cơ quan chức nằng cần tạo các cuộc hội thảo, giao lưu với các doanh nghiệp xanh trên thế giới để học hỏi phương pháp triển khai, cập nhật các công nghệ tiên tiến, cũng như kết nối với các nhà cung ứng công nghệ xanh của các nước phát triển nhằm rút ngắn quá trình học hỏi và triển khai trong thực tế.
Ông Lưu Ngọc Hiền, Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam chia sẻ, T-TECH Việt Nam là doanh nghiệp chuyên nghiên cứu, sản xuất các thiết bị khoa học kỹ thuật hàng đầu tại Việt Nam; Các sản phẩm bao gồm: Lò đốt rác phát điện, Lò đốt rác thải sinh hoạt, Lò đốt rác thải công nghiệp, Lò đốt rác thải Y tế và các Dây chuyền thiết bị xử lý môi trường.
“Trước làn sóng hội nhập sâu rộng, chúng tôi mong muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường quốc tế, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Tôi kỳ vọng, các cơ quan, ban ngành tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để doanh nghiệp xuất khẩu các sản phẩm đặc thù sang thị trường này”, ông Lưu Ngọc Hiền bày tỏ.