PVTrans mạnh mẽ vươn ra biển lớn
Để nói về thành công của Tổng công ty CP Vận tải Dầu khí (PVTrans) ở thời điểm hiện tại một cách ý nghĩa nhất, có lẽ phải đi từ những ngày mà PVTrans gặp phải 'bão' lớn, đứng trước bờ vực phá sản, để rồi vượt qua chính mình, vươn dậy.
1. Chặng đường chinh phục đại dương của PVTrans được bắt đầu từ ngày 27-5-2002, tiền thân là Công ty Vận tải Dầu khí thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Ngay từ khi mới thành lập, PVTrans đã mạnh dạn mua tàu POSEIDON M-100.000 tấn, là tàu dầu thô lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam tại thời điểm đó.
Từ ngày 7-5-2007, Công ty Vận tải Dầu khí chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần, chính thức niêm yết trên Sàn giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh vào ngày 10-12-2007. Tại thời điểm cổ phần hóa, PVTrans có vốn điều lệ là 720 tỉ đồng với 2 con tàu dầu thô và gần 100 lao động. Sau đó, PVTrans đã tăng tốc phát triển.
Tuy nhiên, vào những năm 2009-2010, khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu khiến ngành vận tải hàng hải thế giới rơi vào đợt suy thoái chưa từng có. Giá cước vận tải biển quốc tế giảm mạnh tới hơn 70-80%, hàng loạt công ty vận tải biển hùng mạnh rơi vào thảm cảnh thua lỗ hoặc bị phá sản. Ở trong nước, Vinashin, Vinaline và một số doanh nghiệp vận tải biển có tên tuổi khác cũng không tránh khỏi sự sụp đổ, khiến bức tranh của ngành vận tải biển Việt Nam vô cùng ảm đạm.
PVTrans cũng không nằm ngoài vòng xoáy ấy, đứng trước bờ vực phá sản. PVTrans có 10 công ty thành viên thì có 8 công ty thua lỗ, có nguy cơ phá sản, trong đó có công ty lỗ lũy kế đến 360 tỉ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ có 382 tỉ đồng. Công ty không có tiền trả lương nhân viên, thuyền viên, không có tiền trả nợ ngân hàng. Tình hình thê thảm đến mức tàu nằm chờ cũng lỗ ký được hợp đồng cũng lỗ vì giá cước quá thấp. Thậm chí, ký được hợp đồng rồi mà không có tiền đổ dầu để chạy tàu...
Trước tình cảnh đó, lãnh đạo PVN đã tính đến phương án giải thể PVTrans và chia tách, sáp nhập một số công ty thành viên về các tổng công ty khác của PVN.
Đúng nghĩa bị dồn vào thế chân tường, PVTrans buộc phải thay đổi để tồn tại. Kể từ năm 2010, PVTrans đã bắt tay vào thực hiện tái cấu trúc toàn diện và triệt để. Với một niềm tin mãnh liệt rằng “hết mưa trời lại sáng”, PVTrans tập trung toàn lực vào tái cấu trúc, kiên trì và bền bỉ xử lý từng vấn đề.
Có một điều khác biệt ở PVTrans, công tác tái cấu trúc không phải chỉ là việc thoái vốn hay thay đổi tỷ lệ nắm giữ cổ phần. Thành công nhất của PVTrans trong tái cấu trúc những năm qua là thay đổi và cải tiến mô hình quản trị, tái cấu trúc thị trường, dự án đầu tư, tình hình tài chính, tài sản… để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững. Kết quả rất khả quan, từ năm 2012 đến nay, tất cả 11 doanh nghiệp thành viên của PVTrans đều hoạt động có lãi.
Từ một vài tàu ban đầu, đến nay PVTrans đã có đội tàu gồm 32 tàu với tổng trọng tải 937.935 DWT, đa dạng về chủng loại. Bên cạnh đội tàu, PVTrans còn sở hữu các phương tiện vận tải đường bộ phục vụ cho hoạt động vận tải xăng dầu, LPG, LNG… Và hiện tại, PVTrans là doanh nghiệp có năng lực vận tải hàng lỏng lớn nhất Việt Nam.
Đến nay, PVTrans có tổng tài sản 10.802 tỉ đồng, vốn điều lệ 2.814,4 tỉ đồng, 1.800 lao động. Trong nhiều năm qua, PVTrans luôn được Vietnam Report (VNR) xếp hạng trong Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam, được xếp hạng doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất liên tiếp trong các năm từ 2017 đến 2019. Năm 2019, PVTrans được VNR vinh danh trong Top 10 doanh nghiệp niêm yết tốt nhất. PVTrans 2 lần liên tiếp được Forbes vinh danh trong Top 50 công ty niêm yết tốt nhất Việt Nam các năm 2018, 2019.
Tình hình tài chính lành mạnh, an toàn, PVTrans được các nhà đầu tư đánh giá cao trên thị trường chứng khoán. Ngoài cổ đông PVN nắm giữ 51% vốn điều lệ, PVTrans còn có khoảng 32% vốn điều lệ do các quỹ, tổ chức đầu tư nước ngoài nắm giữ dài hạn. PVTrans hiện là một trong số rất ít doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán và trong ngành Dầu khí tăng trưởng liên tục 7 năm liền với tốc độ tăng trưởng bình quân 17-20%/năm.
2. Nếu tái cấu trúc toàn diện là giải pháp hữu hiệu thì con người PVTrans là yếu tố sống còn, tạo nên những thành công hôm nay.
Thành công nhất của PVTrans trong tái cấu trúc những năm qua là thay đổi và cải tiến mô hình quản trị, tái cấu trúc thị trường, dự án đầu tư, tình hình tài chính, tài sản… để từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển bền vững.
Tổng giám đốc PVTrans Phạm Việt Anh chia sẻ rằng, khi đã trải qua những thời khắc gian nan, những giai đoạn vất vả, khó khăn của những năm 2009-2010, PVTrans đã tự tôi luyện rèn giũa, tạo cho mình sự khác biệt nhất định. Đó là sự quyết liệt, tính trách nhiệm cao trong công việc, lấy hiệu quả, kết quả công việc làm thước đo chính, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của tập thể lãnh đạo PVTrans. Đó là kỷ cương, tính tuân thủ cao, đặt lợi ích của tập thể lên trên lợi ích cá nhân, tuân thủ các quy định, tuân thủ sự chỉ đạo của cấp trên. Đó là sự đoàn kết của ban lãnh đạo và tập thể cán bộ chủ chốt, từ đó lan tỏa tới CBCNV, trên dưới một lòng vì mục tiêu chung. Đó còn là khả năng chịu khó, chấp nhận vất vả, khó khăn mà không so bì thiệt hơn của thành viên trong PVTrans.
Đặc biệt, sự hỗ trợ và chỉ đạo của PVN thời điểm đó thật vô cùng quan trọng và có ý nghĩa với PVTrans, giúp PVTrans có thêm nguồn lực, niềm tin và động lực để vượt khó.
Có thể nói, năm 2019 tiếp tục là năm thành công vượt bậc của PVTrans. Trong 9 tháng năm 2019, PVTrans đã hoàn thành vượt mức kế hoạch của năm 2019, cụ thể: Tổng doanh thu ước 5.930,5 tỉ đồng, đạt 149% kế hoạch 9 tháng và đạt 108% kế hoạch năm 2019; lợi nhuận sau thuế ước 557,7 tỉ đồng, đạt 194% kế hoạch 9 tháng và đạt 139% kế hoạch năm 2019.
Cũng trong 9 tháng năm 2019, PVTrans và các doanh nghiệp thành viên đã phê duyệt dự án và tiến hành các thủ tục đầu tư 5 tàu, trong đó Công ty PVTrans Pacific đã đầu tư mua tàu dầu thô Apollo trọng tải lên đến 105.465 DWT, đưa vào khai thác từ tháng 6-2019. Cả 5 tàu đầu tư mới này đều được đưa vào khai thác quốc tế với các hợp đồng dài hạn và đạt hiệu quả tốt.
Dẫu đã chạm tới thành công nhưng lãnh đạo PVTrans vẫn luôn xác định rằng, không tự hài lòng mà dễ sinh ra ngộ nhận và tự mãn, dẫn đến thiếu động lực và ý chí vươn lên. Đến bây giờ, PV Trans vẫn không ngừng thực hiện tái cấu trúc, tăng cường công tác quản trị doanh nghiệp, kiểm soát chặt chẽ các chỉ số tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tối ưu hóa chi phí, tiết kiệm, chống lãng phí từng khâu trong chuỗi cung ứng dịch vụ.
Với suy nghĩ và tâm thế đó, PVTrans sẽ tiếp tục đưa con tàu rẽ sóng mạnh mẽ vươn ra biển lớn và gặt hái thêm những thành công mới, để khẳng định là doanh nghiệp vận tải số 1 Việt Nam, có uy tín trong khu vực, là một trong những doanh nghiệp mạnh của PVN.
Nguồn PetroTimes: https://petrovietnam.petrotimes.vn/pvtrans-manh-me-vuon-ra-bien-lon-555953.html