Qatar bắt giữ 60 người nước ngoài biểu tình trước thềm World Cup
Chính quyền Doha gần đây đã bắt giữ ít nhất 60 công nhân nước ngoài biểu tình vì không được trả lương trong nhiều tháng và trục xuất một số người trong nhóm này.
Động thái này diễn ra chỉ ba tháng trước khi World Cup 2022 khởi tranh. Qatar phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ của quốc tế về việc sử dụng lao động trước giải đấu.
Giống như các quốc gia Arab vùng Vịnh khác, Qatar phụ thuộc rất nhiều vào lao động nước ngoài, theo AP.
Mustafa Qadri, giám đốc điều hành của nhóm điều tra Equidem Research, cho biết các vụ bắt giữ đặt ra nhiều sự nghi ngờ đối với cam kết của Qatar trong việc cải thiện môi trường lao động. Cuộc biểu tình công nhân vào một tuần trước và phản ứng của Qatar có thể thúc đẩy thêm mối lo ngại.
Trong một tuyên bố vào tối 21/8, chính phủ Qatar thừa nhận rằng “một số người biểu tình đã bị giam giữ vì vi phạm luật an toàn công cộng” nhưng từ chối cung cấp bất kỳ thông tin nào khác.
Đoạn video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy vào ngày 14/8, khoảng 60 công nhân bất mãn về tiền lương đã biểu tình bên ngoài văn phòng Al Bandary International Group tại Doha. Tập đoàn này trải dài trong các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khách sạn, dịch vụ ăn uống và các dự án kinh doanh khác.
Theo nhóm Equidem, một số người đã không được thanh toán lương trong 7 tháng. Những người biểu tình đã chặn một giao lộ trên đường vành đai C của Doha, trước tháp Al Shoumoukh.
Chính phủ Qatar thừa nhận rằng công ty đã không trả lương. Bộ Lao động nước này sẽ trả “tất cả các khoản lương và phúc lợi bị trì hoãn” cho những người bị ảnh hưởng.
“Công ty đã bị các cơ quan chức năng điều tra về hành vi không trả lương trước khi vụ biểu tình xảy ra. Những hành động tiếp theo đang được tiến hành do công ty đã quá hạn giải quyết các khoản lương”, chính phủ tuyên bố.
Qadri cho biết cảnh sát sau đó đã giam giữ người biểu tình tại một địa điểm ngột ngạt, không có điều hòa không khí. Nhiệt độ tại Doha trong tuần này đạt mốc 41 độ C. Cảnh sát nói với người biểu tình rằng nếu họ có thể biểu tình trong thời tiết nắng nóng, họ có thể ngủ mà không cần điều hòa.
Một công nhân đã gọi tới Equidem và mô tả rằng anh thấy hơn 300 người ở trung tâm giam giữ, phần lớn có quốc tịch Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Nepal và Philippines. Một số người đã được trả lương sau cuộc biểu tình, nhưng những người khác thì không.
Kể từ khi FIFA trao quyền đăng cai giải đấu cho Qatar vào năm 2010, nước này đã thực hiện một số bước để thay đổi tình hình lao động. Chính phủ Doha áp dụng mức lương tối thiểu hàng tháng là 275 USD, đồng thời trợ cấp thực phẩm và nhà ở.
“Tất cả có bị Qatar lừa trong vài năm qua không? Những cải cách gần đây có thể là vỏ bọc cho phép các các hoạt động lao động tiếp tục”, Qadri nói.