Qua 3 tuần hút tiền trên thị trường mở, tỷ giá tự do hạ nhiệt
Đợt phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đến nay đã kéo dài 3 tuần và qua đó tỷ giá - nhất là trên thị trường tự do đã đi vào chu kỳ ổn định hơn so với hồi đầu tháng 3. Trong khi đó, thị trường chứng khoán 3 tuần qua cũng không bị sụt giảm như một số lo lắng trong những ngày đầu NHNN thực hiện đợt hút tiền lần này.
Khối lượng phát hành giảm
Cho đến thời điểm này, đợt bán tín phiếu của NHNN đã kéo dài hết tuần thứ 3 liên tục và quãng thời gian đã tương đương phân nửa so với quãng thời gian bán tín phiếu kéo dài 1,5 tháng giai đoạn từ tháng 9 đến tháng 10/2023.
Diễn biễn tuần thứ 3 trên thị trường mở đã có một số thay đổi so với 2 tuần đầu. Thời gian đầu lượng tín phiếu bán ra trung bình thường khoảng xấp xỉ 15 nghìn tỷ đồng mỗi ngày, nhưng trong những phiên gần đây lượng tín phiếu bán ra chỉ vài nghìn tỷ đồng. Chẳng hạn như phiên 26/3, lượng tín phiếu phát hành chỉ là 3,7 nghìn tỷ đồng; phiên 28/3 cũng chỉ là 4,6 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, lãi suất tín phiếu đã có thay đổi theo chiều hướng tăng dần. Trong thời gian đầu, lãi suất trúng thầu tín phiếu chỉ khoảng 1,4%/năm, nhưng sau đó nhích dần lên, đến phiên 26/3 đã tăng lên 1,9%/năm và phiên 28/3 tăng mạnh lên 2,8%/năm.
Đến thời điểm này, những lo lắng ban đầu của một số nhà đầu tư về khả năng “lịch sử lặp lại” ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán như đã diễn ra hồi cách đây nửa năm đã không xảy ra.
Trong lần bán tín phiếu trước của NHNN, thị trường chứng khoán giảm điểm mạnh khi chỉ số VN-Index rơi từ mốc 1.250 điểm xuống dưới 1.230 điểm chỉ trong vòng khoảng 1,5 tháng. Tuy nhiên, diễn biến lần này đã khác, thị trường chứng khoán dù có một số phiên chao đảo trong những ngày đầu NHNN bán tín phiếu, chủ yếu do yếu tố tâm lý, sau đó vẫn tiếp tục thu hút dòng tiền khá tốt và xu hướng thị trường vẫn là đi lên.
Chỉ số VN-Index đã tăng từ 1.235 điểm hôm 11/3, đến nay đã lên mặt bằng mới tiếp cận mốc trên 1.280 điểm, bất chấp những ảnh hưởng do sự cố công nghệ tại Công ty chứng khoán VNDirect xảy ra mấy ngày gần đây.
Tỷ giá tự do hạ nhiệt
Ở góc độ thị trường tiền tệ, động thái hút tiền của NHNN trong cả 2 thời kỳ đều là giai đoạn tỷ giá có những diễn biến “gợn sóng”. Cụ thể, thời kỳ cách đây khoảng nửa năm, tỷ giá bắt đầu có tín hiệu nhúc nhích tăng kể từ quý III/2023 và đặc biệt vào cuối quý.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, giá USD riêng tháng 9/2023 đã tăng 1,53%, cao hơn số lũy kế của cả 9 tháng cộng lại (9 tháng tăng 0,35% so với tháng 12/2022). Theo đó, đánh giá về động thái bán tín phiếu của NHNN thời điểm đó, ông Nguyễn Đắc Toại, Chuyên viên tư vấn thuộc Công ty chứng khoán SSI cho biết, đó là quyết định kịp thời của NHNN để giảm thiểu đầu cơ tỷ giá trong hệ thống ngân hàng.
Trong khi đó, với bối cảnh thị trường tiền tệ giai đoạn tháng 3/2024, tỷ giá cũng có một số giai đoạn tăng. Tại thời điểm đầu tháng 3/2024, tỷ giá bán ra tại các ngân hàng thương mại có lúc tiến sát mốc 25.000 đồng/USD, còn tỷ giá thị trường tự do có thời điểm lên mốc 25.900 đồng/USD. Thời điểm đó, có nhiều quan điểm đồn đoán về lý do tỷ giá tăng khi có những nghi ngờ USD bị mua gom để đầu cơ vàng.
Trong khi đó, cũng có ý kiến cho rằng các ngân hàng đang dư thừa quá nhiều tiền trong bối cảnh tín dụng 2 tháng đầu năm tăng trưởng âm nên tăng các nghiệp vụ phòng vệ tỷ giá khiến cho tỷ giá càng tăng cao hơn. Theo đó, việc NHNN thực hiện bán tín phiếu là động thái khá kịp thời để hút bớt dòng tiền dư thừa trong hệ thống ngân hàng.
Thực tế diễn biến tỷ giá giai đoạn hiện nay cho thấy, tỷ giá trên thị trường tự do đã dịu hơn so với thời điểm khoảng 3 tuần trước đây, chỉ còn dưới 25.500 đồng/USD và chênh lệch tỷ giá thị trường tự do với tỷ giá công bố chính thức của các ngân hàng cũng đã thu hẹp hơn nhiều so với trước.
Từ góc độ thị trường quốc tế, hiện tại chỉ số DXY trên thị trường quốc tế chỉ khoảng 104 điểm, thấp hơn so với mức đỉnh có lúc tiến sát gần 107 điểm thời kỳ tháng 9/2023 nên đồng nội tệ cũng không chịu tác động đáng kể từ các ảnh hưởng do việc tăng giá đồng Đô la Mỹ.
Với các yếu tố trong nước, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, thuộc Học viện Tài chính cho biết, nhìn vào diễn biến kinh tế vĩ mô thời gian qua và dự báo giai đoạn tới thì áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn về mặt trung và dài hạn do trạng thái xuất siêu vẫn duy trì trong thời gian dài.
Thương mại hàng hóa xuất siêu gần 3 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, cán cân thương mại hàng hóa tháng 3/2024 ước tính xuất siêu 2,93 tỷ USD. Tính chung quý I/2024, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 8,08 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 4,93 tỷ USD). Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 4,49 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 12,57 tỷ USD.