Quá khứ tự hào, tương lai kỳ vọng
Trong những ngày này, mỗi nẻo đường làng đến từng góc phố ở huyện Hoằng Hóa rực rỡ cờ hoa, rộn ràng khí thế chuẩn bị cho ngày hội lớn – Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXVII, nhiệm kỳ 2020-2025. Cũng trong ngày 24-7 của 75 năm về trước, Hoằng Hóa trở thành huyện đầu tiên trong tỉnh khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân, góp phần cùng cả tỉnh, cả nước làm nên thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Kỷ niệm 75 năm Hoằng Hóa khởi nghĩa giành chính quyền (24-7-1945 – 24-7-2020):
Từ truyền thống đáng tự hào, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Hoằng Hóa quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Trong ảnh: Một góc thị trấn Bút Sơn. Ảnh: Phạm Nam
Lần giở lại quá khứ, ngày 1-9-1930, tại thôn Cự Đà (xã Hoằng Minh), Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Hoằng Hóa được thành lập. Vừa mới ra đời, chi bộ đã bị địch khủng bố ráo riết và phải tạm dừng hoạt động, song đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng Nhân dân. Đến tháng 6-1944, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, Chi bộ Đảng Hoằng Hóa được tái thành lập. Từ đây, dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo trực tiếp của Chi bộ Đảng huyện, phong trào Việt Minh Hoằng Hóa được dấy lên thành cao trào mạnh mẽ, nhiều cuộc tuần hành diễn ra ở các làng, tổng làm cho kẻ địch lo lắng. Trước khí thế cách mạng dâng cao tại Hoằng Hóa, ngày 23-7-1945, Tỉnh trưởng Thanh Hóa đã phái một lực lượng lính bảo an gồm 34 tên do Quản Hiến cầm đầu kéo về phủ lỵ Hoằng Hóa cùng tri phủ thực hiện kế hoạch khủng bố hai khu vực Đằng Trung (Hoằng Đạo) và Liên Châu - Hóa Lộc (Hoằng Châu), nơi mà chúng cho là “chiếc nôi” của cách mạng Hoằng Hóa.
Qua điều tra nắm tình hình, Ban Việt Minh huyện biết rõ kế hoạch chia thành 2 lực lượng của địch: Một lực lượng gồm 12 tên do Tri phủ Phạm Trung Bảo đích thân cầm quân, tiến đánh Đằng Trung; một lực lượng gồm 22 tên do Quản Hiến chỉ huy, tiến đánh Liên Châu – Hóa Lộc. Theo chủ trương của Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện, mọi kế hoạch tác chiến của tự vệ được triển khai nhanh chóng trong đêm 23-7-1945: Ở Đằng Trung tiến hành công tác sơ tán “vườn không nhà trống” ngay trong đêm; ở Liên Châu – Hóa Lộc, thực hiện chủ trương “án binh bất động”.
Đúng như dự kiến của ta, mờ sáng ngày 24-7-1945, toán lính do Tri phủ Phạm Trung Bảo cầm đầu, từ phủ lỵ kéo về Đằng Trung. Khi đi qua cồn Mã Nhón ở phía Nam bìa làng Đằng Trung đã lọt vào trận địa mai phục của tự vệ cách mạng. Bị tấn công bất ngờ, 12 tên lính cùng với Tri phủ bị bắt sống, toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng bị tịch thu tại chỗ.
Ở Liên Châu – Hóa Lộc, khoảng 10 giờ sáng, khi cánh quân do Quản Hiến chỉ huy kéo tới Đình Hoàng Chung, lực lượng cách mạng đã chủ động tấn công. Cuộc chiến đấu diễn ra quyết liệt. Trước tinh thần dũng cảm của tự vệ, kẻ địch bị bất ngờ và chống cự không nổi phải cướp thuyền đánh cá để vượt qua sông, theo đường Quảng Xương chạy về thị xã Thanh Hóa với 5 lính bảo an bị thương nặng. Về phía ta, đồng chí Lê Văn Tướn (Hoằng Phong) đã anh dũng hy sinh. Đây là liệt sĩ cách mạng đầu tiên của Hoằng Hóa.
Như vậy, chỉ trong buổi sáng 24-7-1945, cả hai cánh quân địch đều bị thất bại hoàn toàn. Trưa cùng ngày, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện khẩn trương tổ chức cuộc mít tinh với quy mô rộng lớn lên đến 5.000 quần chúng và lực lượng tự vệ cứu quốc tham gia tại cồn Ba Cây (Hoằng Thắng) tuyên cáo tội ác của chính quyền tay sai phản động, biểu dương tinh thần chiến đấu của tự vệ và quần chúng Nhân dân. Vận dụng chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và cấp trên, Chi bộ Đảng và Ban Việt Minh huyện đã vạch ngay chủ trương, nhanh chóng thừa thắng xốc tới tiến về chiếm phủ đường. Trước khí thế trào dâng của cách mạng, bọn lính và nha lại trong phủ phải hạ vũ khí đầu hàng, giao toàn bộ tài sản công cộng, vũ khí, tài liệu cho cách mạng. Như vậy từ ngày 24-7-1945, bộ máy đầu não tay sai của Nhật đã bị xóa bỏ trên quê hương Hoằng Hóa.
Thành công của cuộc khởi nghĩa ngày 24-7 đã đưa Hoằng Hóa trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân. Từ đây Nhân dân Hoằng Hóa từ thân phận nô lệ mất nước, trở thành người làm chủ. Từ thắng lợi đó đã tạo tiền đề quan trọng để Đảng bộ, quân dân Hoằng Hóa không ngừng phấn đấu, góp phần làm nên những chiến công trên chặng đường cách mạng tiếp theo.
Trong hai cuộc kháng chiến vĩ đại của dân tộc, Đảng bộ và quân dân Hoằng Hóa đã đóng góp xứng đáng sức người, sức của cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và xây dựng CNXH. Những năm tháng khốc liệt của chiến tranh, dù là hậu phương hay trên trận tuyến trực diện với quân thù, quân và dân Hoằng Hóa đã làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Từ tấm gương chiến đấu hy sinh của đồng chí Lê Văn Tướn trong trận chiến 24-7-1945, đến những chiến công của các cụ lão quân Hoằng Trường, các nữ dân quân Hoằng Trường, Hoằng Hải, của 75 dũng sĩ Yên Vực, của hơn 6.000 liệt sĩ và hàng nghìn thương, bệnh binh, hàng vạn người con ưu tú đã cống hiến, hy sinh phần xương máu vì Tổ quốc. Họ mãi mãi là tấm gương ngời sáng trong tâm khảm các thế hệ người dân Hoằng Hóa. Trong những ngày tháng 7 này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hoằng Hóa lại tiếp tục những hành trình tri ân, dâng hương tưởng niệm, bày tỏ lòng thành kính, sự biết ơn sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, thăm hỏi, động viên các gia đình chính sách, làm tròn đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”.
Ôn lại những năm tháng lịch sử hào hùng chính là cách để lan tỏa niềm tự hào, thôi thúc tình yêu và trách nhiệm, đóng góp xây dựng quê hương trong thời kỳ mới. Hoằng Hóa hôm nay ngày càng phát triển. Đó là diện mạo đổi mới của những ngôi nhà cao tầng khang trang, con đường thênh thang, hiện đại, những hàng cây phủ bóng mát, những luống hoa khoe sắc, âm thanh hối hả của guồng máy hay những tiếng hò reo, cổ vũ ở sân vận động hòa vào nhịp sống của hòa bình... Trong bức tranh ấy, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân ngày càng được nâng cao khi thu nhập bình quân đầu người năm 2020 ước đạt 50,2 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 0,38%; 100% các xã trên địa bàn huyện được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện đã hoàn thành 100% các tiêu chí xây dựng huyện nông thôn mới...
Tầm vóc, vị thế của Hoằng Hóa hôm nay chính là kết quả của một quá trình vận động, kế thừa và phát triển. Trong đó, mốc son chói lọi của sự kiện 24-7-1945 mãi mãi là niềm tự hào của Nhân dân Hoằng Hóa, trở thành động lực thôi thúc mỗi người dân tiếp tục năng động, sáng tạo, xây dựng quê hương ngày càng phát triển, phấn trở thành thị xã Hoằng Hóa trước năm 2030.
Việt Hương
(Bài viết sử dụng tư liệu trong Cuốn Lịch sử Đảng bộ và Phong trào cách mạng của Nhân dân huyện Hoằng Hóa (1930-2015), NXB Chính trị Quốc gia Sự thật 2017) .
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/qua-khu-tu-hao-tuong-lai-ky-vong/121991.htm