'Quá mù ra mưa' và 'T ừ cõi chết trở về '

Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán (Nguyễn Văn Khang - NXB Văn hóa Sài Gòn - 2008) là cuốn sách đối chiếu những thành ngữ, tục ngữ Việt - Hán có nghĩa tương đương, được tác giả giới thiệu là 'công cụ tiện lợi cho việc những người biên, phiên dịch, giao tiếp song ngữ Hoa - Việt và học tiếng Hoa, tiếng Việt với tư cách là một ngoại ngữ...' (trích mục Thay lời nói đầu của từ điển). Tuy nhiên, trong thực tế thì rất nhiều mục sự so sánh đối chiếu không chính xác và điều này có thể dẫn đến sai sót cho người sử dụng. Những lỗi này thỉnh thoảng vẫn được chúng tôi nêu ra trong chuyên mục 'Cà kê chuyện chữ nghĩa'. Tiếp theo đây là hai mục cần bàn lại.

1- “Quá mù ra mưa - 小題大做”

Mục này, tác giả Nguyễn Văn Khang cho rằng thành ngữ “quá mù ra mưa” trong tiếng Việt, đồng nghĩa với “小題大做” (tiểu đề đại tố) trong tiếng Hán.

Tuy nhiên, tiếng Việt “quá mù ra mưa” chỉ sự việc nhỏ, không đáng kể, nhưng vượt quá ngưỡng một chút, thì sẽ chuyển sang trạng thái, tính chất khác, ở mức độ nghiêm trọng hơn. Về nghĩa đen, sương mù thường chỉ tồn tại dưới dạng hơi nước li ti, bay lơ lửng trong không khí như hạt bụi, nhưng nếu nặng hạt, dày hạt hơn một chút, thì “mù” sẽ rơi xuống thành “mưa”, đặc biệt là những chỗ sương mù đọng trên cành lá, tích tụ thành hạt và rơi xuống lộp độp. Bởi thế, về nghĩa bóng, Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex) mới giảng “quá mù ra mưa” là “[sự việc phát triển] đã đi quá giới hạn của nó và chuyển sang trạng thái, tính chất khác với mức độ cao hơn”, và lấy ví dụ “Tưởng thế là hết chuyện ngồi lê đôi mách, vậy mà người ta lại còn kháo nhau là Thủ phải cưới Luyến vì đã quá mù ra mưa [...]” (Nguyễn Khắc Trường).

Trong khi “tiểu đề đại tác” (dị bản của Nguyễn Văn Khang đưa ra là “tiểu đề đại tố”) được Hán ngữ đại từ điển giảng 2 nghĩa như sau:

“1. Thời Minh, Thanh, thi cử lấy câu văn trong “Tứ thư” làm mệnh đề, gọi là “tiểu đề”; lấy câu văn trong “Ngũ kinh” làm mệnh đề, gọi là “đại đề”. “Tiểu đề đại tác” vốn chỉ dùng phép viết văn trong “Ngũ kinh” làm văn tứ thư; sau chỉ việc lấy đề mục nhỏ để sáng tác nên áng văn lớn.

2. Ví với việc nhỏ mà thổi phồng thành lớn, hoặc biến thành việc lớn khi xử lý.” [nguyên văn: 小題大做亦作 “小題大作”: 1. 明清:科舉考試,以“四書”文句命題叫“小題”,以“五經”文句命題叫“大題”.“小題大作”本謂以五經文之法作四書文,後引申為拿小題目作大文章; 2.喻把小事渲染得很大,或當作大事來處理.有不值得,不恰當的意思.].

2- “Từ cõi chết trở về - 妙手回春”

Mục này, Nguyễn Văn Khang cho rằng “từ cõi chết trở về” trong tiếng Việt đồng nghĩa với “妙手回春” (diệu thủ hồi xuân) tiếng Hán.

Tuy nhiên, trong tiếng Việt, “từ cõi chết trở về”, ví ai đó vừa trải qua một tai nạn hoặc trận ốm tưởng chết (gần nghĩa Thập tử nhất sinh); trong khi thành ngữ Hán “diệu thủ hồi xuân” lại hàm ý ca ngợi bàn tay thầy thuốc giỏi (đồng nghĩa cải tử hoàn sinh). Hán ngữ đại từ điển giảng: “diệu thủ hồi xuân: Nói y thuật cao siêu của thầy thuốc có thể chữa khỏi được những bệnh trọng.” [nguyên văn 妙手回: 謂醫生醫術高超, 能把垂危的病人治愈].

Như vậy, nếu như “từ cõi chết trở về” ví người vừa thoát khỏi cơn bạo bệnh hoặc đại nạn thì “diệu thủ hồi xuân” lại là câu tôn xưng thầy thuốc giỏi. Hai câu này không thể đồng nghĩa. Và, nếu cần đối chiếu thì “tiểu đề đại tố” (nghĩa 2) trong tiếng Hán, sẽ có nghĩa tương đương với “bé xé ra to” trong tiếng Việt, chứ không phải là “quá mù ra mưa”(*).

Mẫn Nông (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/qua-mu-ra-mua-va-t-u-coi-chet-tro-ve-33682.htm